Về thăm 18 thôn vườn trầu

Bài 2: Giữ trọn hào khí "đất thép thành đồng"

Cập nhật, 11:31, Thứ Bảy, 24/12/2022 (GMT+7)

Ai đã từng một lần đặt chân đến vùng đất “18 thôn vườn trầu”, được đắm mình trong hương đất ấm nồng tình người hẳn sẽ không thể nào quên vẻ chân chất, hiền lành của người Hóc Môn.

Những người con vùng đất này luôn tự hào được nuôi dưỡng trong chiếc nôi giàu truyền thống cách mạng, chiếc nôi của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Chính vì vậy, việc tôn tạo, giữ gìn các công trình giáo dục văn hóa truyền thống, di tích lịch sử luôn được chính quyền địa phương và nhân dân coi trọng, bởi với họ đó là cách để giữ trọn hào khí anh hùng của quê hương.

Mộ ông bà Phan Công Hớn bên cạnh đền thờ ngày ngày được người dân nhang khói ấm áp thể hiện tấm lòng thành kính tri ân.
Mộ ông bà Phan Công Hớn bên cạnh đền thờ ngày ngày được người dân nhang khói ấm áp thể hiện tấm lòng thành kính tri ân.

Trân trọng quá khứ

Đến thăm Hóc Môn- địa danh có hơn 70 địa chỉ đỏ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho đội quân khởi nghĩa Nam Bộ vì đã có thành tích “Biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”, chúng tôi như được sống lại trong giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình ngược dòng lịch sử là Đền thờ Phan Công Hớn ( tên thật Phan Văn Hớn), thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu. Sau khi hy sinh, thân tộc và nhân dân đã đưa ông Phan Công Hớn về an táng và lập đền thờ tại làng Tân Thới Nhứt (ấp Bắc Lân, Bà Điểm). Ngôi đền giản đơn, nhưng rất khang trang thể hiện lòng thành kính của thế hệ hôm nay.

Vào ngày 24 và 25/2 âl hàng năm, chính quyền và thân tộc cùng tổ chức lễ giỗ cho ông rất long trọng. Hiện “Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Phan Công Hớn” đã được xếp hạng di tích cấp thành phố.

 Di tích lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng đã trở điểm giáo dục truyền thống ý nghĩa, thu hút ngày càng đông khách tham quan, trở thành điểm tổ chức những buổi lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên mới, nhằm giáo dục, lưu lại kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi người.
Di tích lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng đã trở điểm giáo dục truyền thống ý nghĩa, thu hút ngày càng đông khách tham quan, trở thành điểm tổ chức những buổi lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên mới, nhằm giáo dục, lưu lại kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi người.

Di tích lịch sử cấp Quốc Gia Ngã Ba Giồng là điểm nhấn trong cụm di tích lịch sử ở Hóc Môn. Sau cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp đã dựng lên 3 trường bắn để xử tử những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tham gia khởi nghĩa. Ngã Ba Giồng là trường bắn thứ ba, tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương và đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và rất nhiều đồng bào, chiến sĩ tham gia khởi nghĩa đã ngã xuống.

Từ lâu nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ, để các thế hệ học sinh đến để tìm hiểu lịch sử hy sinh bi hùng của các thế hệ đi trước.

“Hoạt động học tập thực tế tại các địa chỉ đỏ ở địa phương được nhà trường thường xuyên tổ chức. Qua đó giáo dục các em về lịch sử địa phương, cũng như giáo dục các em truyền thống lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, để các em luôn luôn nhớ những vị anh hùng đã ngã xuống vì đất nước của chúng ta hôm nay”- thầy Lâm Khai Long- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ấp Đình (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

“Vào tháng 11 hàng năm, nơi đây đều diễn ra hội trại Tiếng mỏ Nam Lân nhằm nhắc nhớ về truyền thống yêu nước của nhân dân 18 thôn vườn trầu”- ông Nguyễn Sỹ Phước- Phó Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Mười- Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hóc Môn, hàng năm, chính quyền các cấp đều có hỗ trợ kinh phí tôn tạo, sửa chữa, xây dựng cảnh quan tại các khu, điểm di tích nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống về lịch sử, quê hương 18 thôn vườn trầu. Đồng thời, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách đến tham quan.

Giữ gìn hình ảnh “dây trầu quấn lấy thân cau”

Chợ Bà Điểm, mỗi buổi sớm mai vẫn còn khá nhiều người kinh doanh trầu, cau. Trong đó, cũng có nhiều người gia đình có truyền thống trồng trầu ở 18 thôn vườn trầu thuở còn hưng thịnh.

“Dân ăn trầu rất là mê trầu Bà Điểm hay trầu các thôn khác vùng Hóc Môn. Bởi lá trầu mềm, thơm. Tôi bán ở đây đã gần 50 năm, con gái tui cũng theo cái nghề này để gìn giữ truyền thống xưa giờ”- cô Út Đảm cười đôn hậu nói.

Cách đó vài bước chân là quầy hàng của cô Tư Tài. Quầy hàng của cô nhỏ gọn, nhưng bày trí rất tươm tất, bắt mắt. Từng buồng cau được cắt tỉa gọn gàng, những trái tim đỏ điểm xuyến lên từng trái cau, cạnh mâm trầu vàng ươm, mướt rượt.

“Ở xứ Bà Điểm chủ yếu là têm trầu kiểu bánh ú. Tùy nhu cầu mà khách sẽ chọn số lượng cho phù hợp. Giờ dân ăn trầu ít lắm, mình chủ yếu bán cho các đám cưới, hỏi, thôi nôi, tân gia,….”- cô Tư Tài vừa nói, đôi tay vừa thoăn thoắt têm trầu.

 Cô Tư Tài là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống bán trầu cau ở chợ Bà Điểm.
Cô Tư Tài là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống bán trầu cau ở chợ Bà Điểm.

 Thời kinh tế thị trường, vườn cau, vườn trầu ở Hóc Môn đã dần ít đi, nhưng còn nhiều người ở đây “vẫn theo nghiệp ông bà, giữ gìn vườn cau, trầu này” - chị Lê Nguyễn Đang Trường (ở Bà Điểm) khẳng khái nói. Bởi, với chị “nhờ trầu, cau mà có của ăn, của để. Gia tộc tui sống ở đây đã bốn đời, đều trồng trầu làm sinh kế. Hiện vườn trầu của chị khoảng 1.500 m2, trồng “1 thiên” trầu (1.000 gốc) và xen giữa là những hàng cau vút ngọn.

Năm 2022, là năm đầu tiên Huyện ủy và UBND huyện Hóc Môn phát động phong trào trồng cây cau và dây trầu tại các cơ quan, đơn vị và người dân trong địa bàn.

Người dân Hóc Môn- Bà Điểm giữ gìn trầu cau để nhắc nhớ con cháu về chiến công anh dũng của cha ông.
Người dân Hóc Môn- Bà Điểm giữ gìn trầu cau để nhắc nhớ con cháu về chiến công anh dũng của cha ông.

“Trồng cây xanh, cau, trầu chẳng những bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm đẹp cảnh quan, mà còn giúp thế hệ trẻ huyện Hóc Môn nhận thức được trách nhiệm đối với đất nước. Qua đó góp sức xây dựng quê hương, tô thêm nét đẹp văn hóa trên mảnh đất “18 thôn vườn trầu” giàu truyền thống yêu nước, đồng thời phát triển du lịch sinh thái địa phương”- ông Trần Văn Khuyên- Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn chia sẻ.

Vùng đất Nam bộ kháng chiến xưa, nay đã đổi thay, chuyển mình đi lên cùng TP Hồ Chí Minh và cả nước. Người dân nơi đây vẫn đang nỗ lực từng ngày để kế tục xứng đáng những giá trị truyền thống của vùng đất cách mạng 18 thôn vườn trầu, để vườn trầu mãi vươn mần xanh, lá tốt bên những ngọn cau chót vót lưng trời.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

 

 

 

Các tin khác: