Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người gần gũi, trân trọng và luôn lắng nghe những đóng góp của trí thức. Ông luôn quan niệm trí thức là tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia, nếu quy tụ được sức người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể quy tụ, … Ông tin dùng trí thức, lắng nghe và giao đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm.
Các tin liên quan |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người gần gũi, trân trọng và luôn lắng nghe những đóng góp của trí thức. Ông luôn quan niệm trí thức là tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia, nếu quy tụ được sức người thì mọi nguồn tài nguyên khác cũng có thể quy tụ, … Ông tin dùng trí thức, lắng nghe và giao đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người gần gũi, trân trọng và luôn lắng nghe những đóng góp của trí thức (ảnh tư liệu) |
Có thể nói, những công trình, dự án mang “dấu ấn Võ Văn Kiệt” không phải ngẫu nhiên mà có, tự nhiên mà hoàn thành, đó là kết quả nghiên cứu của tập thể trí thức ở các lĩnh vực khác nhau được bác Sáu Dân quy tụ. Qua quá trình nghiên cứu, cố vấn đó, bác Sáu đã lắng nghe và đưa ra kết luận mà thành.
Bài học “biết lắng nghe”
Ngay từ sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với cương vị là Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã xác định nhiệm vụ đặc biệt là phải giữ cho bằng được lực lượng trí thức ở lại xây dựng quê hương, đất nước. Để góp phần thực hiện các nhiệm vụ cấp bách đó, Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 1975 và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thành ủy đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt.
GS.TS Võ Tòng Xuân là một trong những chuyên gia không đi nước ngoài mà ở lại Việt Nam sau 1975. Trong ký ức của GS.TS Võ Tòng Xuân, “chú Sáu là một con người bình dị, thân thiện và rất tin tưởng trí thức”.
Lần đầu tiên ông Võ Tòng Xuân gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt- khi đó là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, về Cần Thơ thăm bạn “chí cốt” là ông Phạm Sơn Khai - Hiệu trưởng Trường ĐH Thơ bấy giờ. “Lúc đó tôi còn là Trưởng Bộ môn Trồng trọt, Khoa Nông nghiệp - cũng đầy hoài bão để đổi thay nền nông nghiệp nước nhà và những ý kiến tôi nói ra để đề xuất về những giống lúa năng suất cao, đảm bảo lương thực đã được chú Sáu lắng nghe, ông lắng nghe một cách phấn khởi, chân thành sâu sắc” - ông Võ Tòng Xuân nói.
Ông Sáu Dân và ông Võ Tòng Xuân gặp gỡ nhau ở tấm lòng lo cho nhân dân và khát khao cháy bỏng về nâng cao chất lượng hạt lúa đồng bằng và xa hơn là xây dựng nền nông nghiệp ĐBSCL. Ông Võ Tòng Xuân kể: “Sau một hồi nghe tôi nói, chú Sáu Dân kêu tôi ráng tập trung đào tạo nhân lực, nghiên cứu lúa năng suất cao, ông cho rằng sau chiến tranh, cái thiếu ăn sẽ tới”.
“Nhiệm vụ của Trường ĐH Cần Thơ lúc đó là làm thế nào đào tạo được cán bộ nông nghiệp để từ từ trám vào lỗ hổng ở các tỉnh” - ông Võ Tòng Xuân nói thêm: “Song song với đào tạo, chúng tôi đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, với sự khuyến khích của chú Sáu Dân, sự động viên khích lệ của chú đã tạo nên phong trào học tập nghiên cứu ở Trường ĐH Cần Thơ”.
Những câu nói chân thành của người lãnh đạo đã đi vào trái tim của những người trí thức. Chú Sáu thường tâm sự với chúng tôi: “Tôi chỉ học tới cỡ lớp bảy, lớp tám thôi thì làm sao làm cho được các vấn đề khoa học, giáo dục như anh chị em đây. Nhưng mà tôi có thể nói chuyện người ta nghe được, còn anh em ở đây trí thức cũ có thể nói người ta chưa nghe. Cho nên, bây giờ tôi sẽ nghe các anh, chúng ta cùng nhau làm lợi cho dân, cho nước. Nhưng các chú nói phải đúng, nếu nói trật là lỗi các chú”.
Nói theo ông Võ Tòng Xuân, nếu không có người lãnh đạo sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận đổi mới như “ông Kiệt” thì khó lòng có một vựa lúa phát triển như ĐBSCL, đưa nước ta thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như bây giờ. “Có người lắng nghe, được cống hiến và được giao trách nhiệm xứng đáng với người trí thức, rất hạnh phúc” - ông Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Thực hiện chuyến đi còn trăn trở của bác Sáu Dân, ông Võ Tòng Xuân đã đi đến Hà Lan để học hỏi, nghiên cứu xem Hà Lan có diện tích, dân số, điều kiện địa hình tương tự như nhau nhưng sản xuất lượng nông sản có giá trị đứng thứ nhì trên thế giới. Làm sao để người nông dân đồng bằng đang đứng trên vựa lúa xuất khẩu nhiều nhất nhì giới, có thể làm giàu trên mảnh đất của mình?
“Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mỗi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không quy tụ thì mở nguồn lực khác cũng rơi rụng” - Võ Văn Kiệt. |
Nhân lực là nền tảng
Trong tham luận tại hội thảo về Thủ tướng Võ Văn Kiệt tháng 5/2022 tại Vĩnh Long, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã khái quát hình ảnh Sáu Dân - người anh, người chú, người bạn của trí thức Sài Gòn qua thời gian may mắn được làm việc cùng ông.
Dù bận trăm công nghìn việc, song chú Sáu Dân vẫn dành cho giới trí thức sự ưu ái đặc biệt là được làm việc hằng ngày với Bí thư Thành ủy từ 5 giờ đến trước 7 giờ sáng tại nhà số 41 Tú Xương và công việc đầu tiên là phải giữ cho bằng được lực lượng trí thức ở lại xây dựng thành phố. Có những khi phải thức thâu đêm với ngọn đèn dầu vì mất điện để bàn bạc kế sách giữ lại cho thành phố đội ngũ trí thức trong đó có lực lượng y, bác sĩ không chỉ bằng tấm lòng, niềm tin mà còn phải đảm bảo cho họ cuộc sống ổn định con cái được học hành. Sau đó thành phố có chủ trương các bác sĩ được mở phòng khám bệnh ngoài giờ, các dược sĩ được mở đại lý bán thuốc, ...
Trong bất kỳ cương vị nào, bác Sáu Dân thường xuyên gặp gỡ anh chị em trí thức để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và trao đổi công việc tranh luận những vấn đề khoa học thực tiễn bức xúc. PGS. TS Nguyễn Thế Nghĩa chia sẻ: “Chú Sáu Dân luôn là “cánh én đầu xuân”, “trung tâm của các sự kiện” và là người cuối cùng đưa ra các giải pháp khả thi để thực hiện”. Trong thời gian làm Thủ tướng, chú luôn khích lệ động viên lôi cuốn được nhiều nhà trí thức ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tích cực tham gia vào công trình dự án trọng điểm quốc gia như công trình tải điện 500 kV Bắc - Nam, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường Trường Sơn công nghiệp hóa, công trình thoát lũ ra biển Tây, sống chung với lũ, ...”.
NGND.TS Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT không quên lần gặp gỡ đầu tiên với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi bà còn là Giám đốc Sở GD - ĐT Vĩnh Long. Năm 1991, Bộ GD - ĐT chuẩn bị tổng kết 10 năm triển khai chương trình cải cách giáo dục đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu Bộ GD - ĐT triệu tập cuộc họp với một số giám đốc Sở GD - ĐT trẻ, năng động để Thủ tướng lắng nghe tiếng nói từ cơ sở.
Lần đầu tiên được họp với Thủ tướng, được Thủ tướng lắng nghe tiếng nói từ lực lượng trẻ của cả nước, với bà Huỳnh Mai là một điều rất mới. “Lần ấy cũng rất căng thẳng, nhiều luồng đánh giá khác nhau về một vấn đề mới từ chữ viết, chương trình, … Điều làm tôi đặc biệt chú ý là Thủ tướng lắng nghe và trân trọng ý kiến từng người một”- bà Huỳnh Mai nói thêm: “Lúc đó, chúng tôi đều có chung một nhận định là Thủ tướng rất quan tâm đến trí thức”.
Những người tri thức sẽ mãi không quên hình ảnh chú Sáu Dân với tầm nhìn thời đại. Trong ảnh: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Long, CLB Trí thức tỉnh phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Tầm nhìn phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu” vào tháng 5/2022. |
Đối với ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, kỷ niệm sâu sắc nhất với ông là khi được tham gia chương trình điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL do GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước làm chủ nhiệm, năm 1984. Chương trình quy tụ sự tham gia của nhiều nhà khoa học lớn trong và ngoài nước. “Tôi rất ấn tượng bác Sáu Dân khi làm việc với những nhà khoa học. Với những ý kiến đề xuất phản biện khoa học tâm huyết của những chuyên gia, bác Sáu Dân luôn tôn trọng, ghi chép, lắng nghe rất tập trung, bác cổ vũ khuyến khích ý tưởng đề xuất mới, sáng tạo. Thỉnh thoảng, bác Sáu đặt vấn đề thật chân thành, tình cảm hoặc yêu cầu người thuyết trình giải thích thêm” - ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Có thể nói, các công trình mang phong cách Võ Văn Kiệt là sự kết hợp giữa lòng yêu nước thương dân, sự quyết tâm, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm và một tư duy thời đại với bản lĩnh, tài năng Sáu Dân và khát khao cống hiến của các nhà khoa học. Vận dụng bài học của Bác Hồ “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, bác Sáu Dân để lại cho chúng ta bài học làm người đó là bài học biết lắng nghe nghe trí thức phản biện, trân trọng những góp ý có giá trị, trên tinh thần cởi mở vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
“Trí thức tận tụy hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không tùy thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng” - Võ Văn Kiệt. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin