Kỳ 4: Giữ cân bằng cơ chế "mặn - ngọt và lợ"

10:10, 06/10/2022

Hệ sinh thái nguồn nước ĐBSCL là một hệ thống, vận hành theo quy luật, cơ chế "mặn- ngọt và lợ" một cách hài hòa, theo từng con nước trong ngày, theo từng nhịp đi của mùa màng.

Biển cồn Cống (Tiền Giang) bồi phía cửa Đại, giáp tỉnh Bến Tre.
Biển cồn Cống (Tiền Giang) bồi phía cửa Đại, giáp tỉnh Bến Tre.

(VLO) Hệ sinh thái nguồn nước ĐBSCL là một hệ thống, vận hành theo quy luật, cơ chế “mặn- ngọt và lợ” một cách hài hòa, theo từng con nước trong ngày, theo từng nhịp đi của mùa màng.

Hễ chướng non thì miệt trên đồng sắp “vô nước chum”, rồi chướng sòng thì đồng khô, theo đó mà vùng hạ nước lợ “co giãn” cho triều cường tiến- lùi một cách nhịp nhàng.

Những cồn bãi cuối nguồn nơi sông gặp biển, con nước và con người đang cố “nương tựa” vào nhau sống thuận hòa để vượt qua những thách thức của khí hậu. Một số nông dân đã hiểu rằng, quá trình giàu lên của con người phải song hành cùng sự ổn định, cân bằng hệ sinh thái nguồn nước của đồng bằng.

Con người cùng với vật nuôi, cây trồng cũng phải biết cách tạo nên sự thích ứng cao trước những biến đổi bất thường, chớ không phải bắt thiên nhiên “thay đổi” theo ý chí của mình.

Đêm cồn Cống nghe sóng vỗ tứ bề

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là cù lao dài trên 60 cây số, chia một nhánh của sông Tiền thành cửa Tiểu, cửa Đại đổ ra Biển Đông, nhưng ở đây nước ngọt như chồm xa ra vùng mặn, kéo theo cây bần, dừa nước chen chân cùng rừng đước, rừng mắm mà cặm chân xuống biển giữ bờ.

Xã Phú Tân nằm ở cuối cùng, ngoài cồn Cống, kế tiếp là cồn Ngang nửa chìm, nửa nổi và chơi vơi ngoài xa là cồn Vượt còn gọi là cồn Nổi chỉ nhìn thấy khi triều rút cạn, lúc triều lên thì hoàn toàn chìm dưới nước sâu.

Ông Hà Văn Hải (56 tuổi)- gần 15 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, dành cả buổi chiều cùng chúng tôi lang thang khắp cồn Cống băng qua những rừng đước, rừng bần chen chân nhau bao kín những đầm tôm.

Từ vàm Pháo Đài đi qua cửa Tiểu, ông Hải chỉ chúng tôi thấy một hiện tượng, là phía bên này biển đang sạt lở dữ dội. Đứng trong cái miếu nhỏ, sóng vỗ ì oạp tràn vào tận trong sân. Những vạt rừng bị xói mòn, sụp lở, mấy bụi dừa nước chìm sâu lút đọt.

Trong khi đó, vòng qua phía cửa Đại, mặt giáp tỉnh Bến Tre, sau thời gian sạt lở đã bắt đầu tạo nên những bãi bồi, những vạt mắm đang mọc phía ngoài xa. Thì ra, biển cồn Cống cũng đang “bên bồi, bên lở”.

Để trụ lại được trên đất này và làm giàu một cách thuận hòa cùng thiên nhiên, bà con cũng phải trải qua biết bao cam go, thách thức, mới hiểu được tính nết của đất, của nước, hiểu được những “tiếng nói” khác thường của từng con sóng vỗ bờ.

Ngồi bên vạt rừng chiều trời mưa như trút nước, rừng xanh dày mướt mắt, chủ yếu là cây mắm, cây đước xen lẫn cây bần; ông Hải tâm tình, để gầy dựng nên được 11,7ha đầm tôm như ngày nay, vợ chồng ông cũng đã có lúc tưởng chừng…
bỏ mạng.

Ông Hải nhắc về những cơn bão Linda năm 1997, rồi bão Durian năm 2006, người đồng bằng… thấm đòn và biết thế nào là sức mạnh hủy diệt kinh hoàng của bão. Sau bão, nhà tốc mái không còn miếng tôn, bùn văng tới nóc.

Chim cò rớt trắng đầm tôm, cả rừng cây ngã rạp, dừa nước tưa lá như ai tước trụi lũi, ngồi đây nhìn thấy thông thống qua tới Bình Đại (Bến Tre)… tất cả đã trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng của người dân cồn Cống.

Rồi cũng từ đó, triều cường, nước sông và những mùa gió cũng dần dần có những thay đổi khác thường. Hồi xưa, cứ 3 tháng hết chướng thì tới gió nam, rồi sang qua gió bấc, mà phân thành các mùa rõ rệt, đúng hạn kỳ. Giờ thì nhiều khi chướng thổi nghịch mùa, gió nam thì chạy lung tung tứ hướng.

Trời đang thổi gió nam đó, vậy mà chút xíu thì lại tràn vô gió bấc, rất ngộ đời. Bản chất dòng nước cũng có phần rối loạn, những mùa còng lột vỏ cũng không còn để người dân xứ này làm mắm còng “tiến vua” của ngày xưa nữa.

Cả đời nghe tiếng sóng biển thành quen, nhưng giờ đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ tứ bề ngoài cồn Cống, ông Hải cũng hay giựt mình mỗi khi nghe có sự khác thường.

Là người đầu tiên đem dây thuốc cá về cồn Cống, ông Hải giúp bà con biết cách dọn đầm nuôi tôm. “Cũng nhờ cái thời khổ quá, lang thang qua tận cù lao Dung (Sóc Trăng) xin vô làm bảo vệ Nông trường 30/4 của bác Năm Hoằng (Anh hùng Lao động “chân đất” Trần Ngọc Hoằng), khi bác Năm rước mấy chuyên gia Thái Lan qua giúp nuôi tôm sú, thì tôi được giao làm bảo vệ ăn ngủ luôn tại nông trường. Từ năm 1987 tới năm 1992, nên cũng rành chuyện con tôm”- ông Hải kể.

Khi về cồn Cống cũng nhào vô nuôi tôm với bà con, phải trở qua cù lao Dung lấy dây thuốc cá chở xe đò về chia ra mà xài, thấy bất tiện quá nên đem giống cây về trồng ngoài vàm Pháo Đài xanh mịt, mặc sức cho mọi người xài. Cũng vậy mà chết danh Hải “thuốc cá”.

Dân cồn Cống giờ mê những đầm tôm lắm. Nuôi tôm sinh thái vậy mà “lành”, nhẹ đầu không nặng lo như tôm công nghiệp. Mỗi tháng chỉ chộn rộn canh 2 con nước rong xổ đụt, vợ chồng ông Hải cũng thu nhập 30- 40 triệu đồng.

Còn hàng ngày, vợ ông Hải thả đú loanh quanh trong đầm, tiền cua, cá cũng mấy trăm ngàn. Sống bằng nghề này nên người dân rất ý thức bảo vệ và trồng rừng, đặc biệt là chất lượng nước phải luôn ổn định thì nuôi tôm mới trúng, thịt tôm mới ngon.

Câu chuyện với ông Hải dẫn dắt chúng tôi qua huyện Cù Lao Dung, tìm gặp nông dân Sáu Phương, cũng người từ miệt vườn Chợ Lách (Bến Tre) xuống đó lập nghiệp, để có cái nhìn sâu hơn về “đời nước và đời người” nơi chín cửa sông.

“Chỉ nhìn từ mặt đất lên đọt cây thì khó à!”

Vừa bước vào sân nhà ông Sáu Phương (Lê Thành Phương), ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng), đã thấy gốc long nhãn ghép cành nhãn tím đơm nụ sum suê. Tôi rất ngạc nhiên, sao vùng biển mặn gay gắt vậy mà cây trái vẫn xanh tươi.

Cây nhãn “kiểng” có gốc nhãn long, ghép nhãn tím của ông Sáu Phương (bên trái) ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).
Cây nhãn “kiểng” có gốc nhãn long, ghép nhãn tím của ông Sáu Phương (bên trái) ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Ông Sáu Phương “phán” một câu: “Nông dân mà chỉ biết nhìn từ mặt đất lên đọt cây thì khó à!”. Câu nói lại mở ra chuyện dài mênh mông về văn hóa dân gian, về kinh nghiệm tích lũy của những lớp nông dân biết cách thích ứng với từng vùng sinh thái đa dạng của đồng bằng mình.

Không hiểu vì sao, cây trái miệt vườn chỉ cần nhiễm độ mặn vài ba phần ngàn là căng rồi, mà ở Cù Lao Dung hầu như chẳng thiếu giống cây gì, ngoài nuôi trồng hải sản.

Ông Sáu Phương dùng từ “sốc mặn” của vườn cây vùng ngọt truyền thống; trong khi cây trồng ở đây đã bắt đầu được làm quen với lợ, rồi mặn từ nhỏ nên khi độ mặn có lỡ tăng cao trong thời gian ngắn cũng không đến nỗi. Nhưng cũng tùy giai đoạn sinh trưởng của cây, như lúa ôm đòng đòng, cây đang ra bông, mà mặn vô thì tiêu.

“Đâu ai nghĩ cây nhãn có thể sống được trên cù lao giáp biển thế này, vậy mà đưa cây nhãn xuống được là làm giàu.

Hồi năm 1997, cứ cần xé nhãn là sắm chỉ vàng, nên trái nhãn rụng cái chủm xuống mương là nhào xuống vớt lên”- là một trong những người đầu tiên lên liếp trồng nhãn ở cù lao này, ông Sáu Phương, kể lại: “Những đợt nhãn đầu tiên đưa xuống đất nó cũng èo uột mắc chết, rồi dần dần rút kinh nghiệm, nâng độ cao liếp vườn lên.

Phải tính toán rễ cây phát triển giai đoạn nào thì đi xuống bao sâu, rồi sênh vườn như ông bà hồi xưa. Khi cây phát triển lớn tàn khỏe mạnh thì cũng quen dần với mặn”.

Đối với vườn cây vùng ngọt, dễ bị ảnh hưởng do không quen mặn từ nhỏ, phần là do bà con vô tình làm rễ cây bị nhiễm mặn lần hai là… đi luôn, theo giải thích của Sáu Phương, sau khi thấy mặn rút đi, bà con đâu biết trong nước ngầm mặn vẫn còn, do xót ruột nên vội vàng tưới nước ngọt liền.

Chính nước ngọt sẽ rút mặn ngược trở lại, rất nguy hiểm. Quá trình này diễn ra… dưới mặt đất nên bà con đâu nhìn thấy, mà phải hiểu để xử lý phù hợp.

Sáu Phương cho rằng: “Nông dân phải hiểu tính cây, hiểu tầng đất, nguồn nước, rồi kinh nghiệm để ý những thay đổi lạ. Cây trái Cù Lao Dung ngon ngọt nổi tiếng là nhờ nước… mẳn mẳn, chớ ngăn mặn triệt để là thua”.

Nói như Sáu Phương, vậy hóa ra vấn đề không phải là “chống mặn” hay “ngăn mặn”, sống còn là phải biết cách thích ứng để cây và người cùng tồn tại và phát triển khỏe khoắn trên từng vùng sinh thái khác nhau.

Do đó, không nên can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, mà phải giữ cân bằng tập tính nguồn nước từng nơi, cũng là bảo đảm sự cân bằng cho hệ thống chung của toàn vùng.

Chúng tôi tiếp tục những chuyện dài về chín cửa sông, tìm về “Khém Cạn”, “Khém Sâu” gặp những nông dân đã có mặt ở Cù Lao Dung từ hồi nơi đây chưa có nước ngọt mà uống. Những câu chuyện sẽ góp thêm vào những bài học đắt giá nơi cuối dòng Mekong hùng vĩ.

TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) giải thích: “Tập quán sênh vườn của ông bà mình hồi đó, là giải pháp thích ứng rất khoa học khi lên liếp lập vườn. Sau mỗi năm, nông dân sẽ móc lớp bùn phù sa dưới mương đắp lên liếp, nhằm bổ sung độ màu mỡ cho đất mặt. Đồng thời, tạo cho rễ cây có tập tính ăn ngược lên. Điều này, vừa bảo vệ bộ rễ không chạm xuống tầng đất phèn, vừa nâng cao liếp vườn chống độ lún hàng năm. Do đó, vườn cây ăn trái hồi xưa trồng một lần ăn tới mấy chục năm”.

Kỳ cuối: Những bài học nơi cuối dòng Mekong

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh