Kỳ 3: Những trăn trở từ bán đảo Cà Mau

12:10, 05/10/2022

Đã có những nhận thức sai về tập tính, cơ chế vận hành của nguồn nước. Vậy nên, trước những biến đổi bất thường, đã có nhiều ứng xử vội vàng bằng những giải pháp "cứng" của công trình kiểu "đối đầu" với thiên nhiên.

Đê biển khi không còn rừng phòng hộ thì vẫn có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào.
Đê biển khi không còn rừng phòng hộ thì vẫn có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào.

(VLO) Đã có những nhận thức sai về tập tính, cơ chế vận hành của nguồn nước. Vậy nên, trước những biến đổi bất thường, đã có nhiều ứng xử vội vàng bằng những giải pháp “cứng” của công trình kiểu “đối đầu” với thiên nhiên.

Điều đó sẽ làm cho vấn đề càng trở nên gay gắt, sự ảnh hưởng càng trở nên nghiêm trọng và hoàn toàn trái ngược với tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân, nguy hại hơn là làm tổn thương hệ sinh thái mặn, lợ nơi giao thoa cuối nguồn giữa biển và sông.

Trả lại đất, trả lại không gian và dòng chảy tự nhiên cho nguồn nước, chính là hành xử hợp kinh nghiệm văn hóa dân gian, ứng xử thông minh để “thích ứng” chớ không phải “chống” với biến đổi khí hậu và đó cũng là hành trình khôi phục, tái tạo lại hệ sinh thái giàu có của đồng bằng.

Trồng mắm, trồng đước hay xây cống, xây đê?

Chúng tôi đi qua những con sông nội vùng bán đảo Cà Mau, những khu rừng tự nhiên ngập ngọt từ U Minh Thượng xuôi về U Minh Hạ, rồi ra đến rừng ngập mặn, ngồi vỏ lãi ra ngoài những cửa sông ngó vào, để tận mắt chứng kiến những vạt rừng sạt lở trơ trụi, hoặc chỉ còn chòm cây thoi loi ngoài biển cả.

Và hiểu một điều, khi không có đai rừng phòng hộ, thì các loại đê dù kiên cố mấy cũng khó có thể “gồng mình” chống chọi với sóng biển, triều dâng.

Các tổ chức quốc tế đến từ các nước tiên tiến, giàu kinh nghiệm, đã thực nghiệm nhiều hệ thống đê chắn sóng với nhiều vật liệu từ truyền thống đến hiện đại dọc từ Biển Tây (Cà Mau) qua đến một số khu vực Biển Đông ở Bạc Liêu, nhưng tất cả đều thất bại.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau: “Diễn biến sạt lở đê Biển Tây diễn ra từ năm 2009- 2010, có nhiều vị trí đai rừng phòng hộ không còn và thân đê nhiều đoạn bị đánh vỡ. Thời điểm đó, tỉnh đã huy động mọi lực lượng, thiết bị để hộ đê bằng giải pháp đơn giản như: cừ dừa, cừ bản nhựa.

Tuy nhiên sau một thời gian vẫn không đảm bảo. Đến năm 2012 tỉnh đã xây dựng được 42km trên toàn tuyến đê với hơn 1.057 tỷ đồng”.

Tuyến đê ngàn tỷ có chức năng bảo vệ… vùng sản xuất lúa ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh. Tuy nhiên, hàng năm thân đê tiếp tục bị xâm hại, tác động. Nghiêm trọng nhất vào mỗi mùa mưa bão, trong khi đó, do sóng gió, các công trình xây dựng, gia cố đê liên tục bị gián đoạn.

Về xã Nguyễn Huân, ngồi vỏ lãi cùng với các cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đầm Dơi, ra cửa biển đang sạt lở nghiêm trọng ở Hố Gùi, một đoạn đê kè chắn sóng từ năm 2020 có chiều dài 3.300m phải dừng lại dở dang vì không hiệu quả.

Trong khi đó, giải pháp “mềm” giao đất rừng cho dân quản lý làm kinh tế nuôi trồng thủy sản, nông lâm kết hợp, đã đạt cùng lúc nhiều mục tiêu và ít tốn kém.

Câu chuyện trồng rừng hơn 10 năm trước với anh Lý Hòa Khương - cán bộ Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, điều phối viên của Dự án GTZ Sóc Trăng (Quản lý Nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng), giờ đã chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả.

Cà Mau đẩy mạnh nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng.
Cà Mau đẩy mạnh nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng.

Sau đợt triều cường lịch sử, nước biển đánh bay dấu vết những nổng cát như rào chắn tự nhiên bảo vệ cho 1.200ha hoa màu của huyện Vĩnh Châu, sóng biển tràn vào ngập chợ Vĩnh Hải. Sóc Trăng bắt đầu công tác trồng rừng phòng hộ.

Sóc Trăng là địa phương triển khai hướng đi này từ rất sớm, ngay từ năm 1997 đã tiến hành một số dự án trồng rừng ven biển lấy cây đước làm chủ lực, ở một số bãi ở ven biển xã Vĩnh Phước, Vĩnh Hải và Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Châu) với diện tích từ 4 - 10ha thử nghiệm.

Khá lý thú là sau khi cây đước đã trụ được trên mặt bãi, thì cây mắm trắng lập tức mọc chen vào và ken dày chỉ sau 2 năm rừng được trồng. Từ đây, những dự án về trồng và phục hồi rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng đã được tiến hành thường xuyên và bài bản.

Mỗi năm mỗi đợt trồng rừng nên hiện giờ, đai rừng phòng hộ đã trải dài theo suốt cả dải ven biển, từ cuối bãi Hồ Bể đến tận hết xã Vĩnh Tân, giáp với Bạc Liêu. Đến nay rừng phòng hộ đã bao phủ khắp các huyện: Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng.

Giao đất rừng cho dân vừa bảo vệ, vừa trồng mở rộng diện tích, tạo nên vùng đệm vững chắc cho những đai rừng phòng hộ xanh ngút ngát và những bãi bồi miên man cứ bò dần ra biển, đã chứng minh tác dụng, hiệu quả tuyệt vời của nó.

Về xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) nơi không có đê chắn sóng, những câu chuyện dưới tán rừng nuôi tôm sinh thái tự nhiên, để khẳng định niềm tin đây là hướng đi đúng, cũng là con đường khả dĩ nhất tái tạo hệ sinh thái giàu có vùng bán đảo Cà Mau.

Đồng thời, cũng cần nhìn lại tư duy xem “mặn như kẻ thù”, chống xâm nhập mặn thay vì thích ứng với mặn. Trong khi kinh tế “mặn” như đòn bẩy diệu kỳ đã bật dậy những vùng nông thôn ven biển miền Tây trở nên giàu có vững bền.

“Bên xổ tôm sắm vàng, bên vác lúa mắc chết”

Bí thư xã Lâm Hải Nguyễn Việt Bắc, nhớ lại: “Hồi gia đình còn ở bên xã Ngọc Chánh, năm 2000 ông già đầu tư sắm chiếc máy cày Liên Xô 200 triệu đồng, đó là một tài sản quá lớn.

Nhưng làm ruộng đất “dây” mà không khá nổi. Lại thêm, ngó qua xã Tân Dân người ta xổ tôm đi sắm vàng rần rần, còn bên Ngọc Chánh vác lúa mắc chết.

Vậy là, chỉ sau 2 năm đành bấm bụng bán lại chiếc máy cày có… 20 triệu đồng, rồi quyết định chuyển qua nuôi tôm, nhờ vậy mà giàu lên từ đó. Hồi đó xổ tôm trúng dữ trời luôn, mỗi lần cả chục triệu, còn cá kèo nổi đầu đặc lừ như trái mù u rụng”.

Khi ngăn mặn để ngọt hóa sai quy luật, sẽ phá hủy hệ sinh thái mặn- lợ miệt biển. Trong ảnh: PGS.TS Lê Anh Tuấn (trái) và TS Dương Văn Ni bên dòng kinh “chết” vì ngăn mặn ở vùng lõi Hậu Giang.
Khi ngăn mặn để ngọt hóa sai quy luật, sẽ phá hủy hệ sinh thái mặn- lợ miệt biển. Trong ảnh: PGS.TS Lê Anh Tuấn (trái) và TS Dương Văn Ni bên dòng kinh “chết” vì ngăn mặn ở vùng lõi Hậu Giang.

Con đường độc đạo về xã Lâm Hải đâm thẳng ra biển, hai bên toàn là rừng được giao cho dân kết hợp nuôi tôm sinh thái. Vô ấp Xẻo Sao, gặp những nông dân cố cựu: ông Nguyễn Văn Sấm, Ngô Văn Nho, bà Nguyễn Thị Hiền… đi đâu cũng nghe xôn xao bàn chuyện tôm, cua.

Phía ngoài biển thì cây mắm cứ lấn dần ra khơi tạo nên những bãi bồi trên 50m mỗi năm. Biển càng bồi, đai rừng phòng hộ càng dày thêm, như vòng tay che chắn cho hàng ngàn hộ dân bên trong an tâm làm giàu dưới những tán rừng.

Muốn nghe chuyện tôm, cua hồi xưa xưa một chút, ông Hai Sang xách vỏ lãi đưa chúng tôi đi tìm nhà ông Nguyễn Chí Linh, ở ấp Trường Đức, nằm tuốt trong rừng sâu.

Hơn 40 năm rồi mà nhắc chuyện xưa giọng ông Linh vẫn có chút bồi hồi: “Hồi đó tui đâu chừng 12 tuổi, nhà tới 10 anh chị em, ở bên Đầm Dơi không hiểu sao ba tui chấm vạt đất này, cùng với chục người bạn chèo ghe đưa hết gia đình về đây, vừa “sang” lại của người ta, vừa ra sức khai phá hơn 1.600 công rừng bắt đầu nghề nuôi tôm quy mô lớn đầu tiên của xã Lâm Hải.

Hồi đó, mọi thứ đều làm bằng tay, dọn luồng làm vuông cực khổ trăm bề. Rồi mỗi lần xổ tôm thì khui đập, rồi xúm nhau đắp lại cũng bằng tay. Thiệt lâu sau mới biết mướn thợ xẻ ván làm miệng cống, cứ chừng 1 năm thì phải làm mới lại. Tôm, cua thiên nhiên còn nhiều vô kể.

Mà chỉ bán tôm khô chớ chèo xuồng ra tới Năm Căn là tôm sình thúi hết rồi. Bước xuống nước lơ mơ là bị cua kẹp như chơi, nhiều tới nổi cua tự động bò lên chìm xuồng hoài, khác nào chuyện… nói dóc của Bác Ba Phi”.

Hồi đó, ở xứ này kiếm được cục nước đá quý hơn chỉ vàng, nên phơi khô không nổi thì đổ bỏ. Chỉ đến thời giao thông phát triển, có tiện nghi bảo quản thì mới bắt đầu khấm khá lên.

Theo ông Linh, những năm gần đây sản lượng tôm, cua có giảm sút nhưng mỗi năm có tệ cũng thu vài trăm triệu đồng.

Vậy nên, đời ông vẫn muốn gắn với đất này mà chẳng muốn lên phố, ra thành. Người dân ở đây chỉ cần 2 chuyện: tiếp tục trồng rừng phòng hộ và quản lý chặt nguồn nước thải ô nhiễm từ nuôi tôm công nghiệp.

Đồng bằng đã xây dựng những cống ngăn mặn quy mô vừa và nhỏ khu vực vùng ngọt đã khép kín, hệ thống cống này linh động và phù hợp bảo vệ miệt ruộng, miệt vườn đề phòng xâm nhập mặn cực đoan, lấn sâu vào vùng ngọt truyền thống.

Nhưng, hệ thống cống Cái Lớn, Cái Bé và những công trình sắp triển khai vùng U Minh Hạ nhằm khép kín với quy mô toàn vùng rộng lớn ngay từ cửa biển để ngăn mặn có thể là nguy cơ đảo lộn nhịp sinh thái mặn- lợ miệt biển.

TS Dương Văn Ni, đặt vấn đề: “Có những công trình tác hại đến nguồn nước, hệ sinh thái bản địa. Ngọt hóa thì làm ngược ngạo với tập tính nguồn nước, thành ra nguy hại cả mặn và ngọt, giết chết hệ sinh thái lợ”. Trong khi đó, những giải pháp “mềm” phi công trình rất ít tốn kém, có tính chất thích ứng cao nương theo tự nhiên một cách bền vững, đã chứng minh giá trị trên cả biển Tây và biển Đông của đồng bằng qua nhiều năm nay.

Kỳ 4: Giữ cân bằng cơ chế “mặn- ngọt và lợ”

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh