Tiểu đoàn 857- những năm tháng không quên

Cập nhật, 22:27, Thứ Bảy, 20/08/2022 (GMT+7)
Trong công tác huấn luyện chiến sĩ mới, Tiểu đoàn 857 luôn đạt thành tích giỏi.
Trong công tác huấn luyện chiến sĩ mới, Tiểu đoàn 857 luôn đạt thành tích giỏi.

65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, trong mỗi chặng đường phát triển của Tiểu đoàn 857 luôn gắn chặt với phong trào cách mạng và bảo vệ Tổ quốc, với quyết tâm: “Đảng bảo đi là đi, Đảng bảo đánh là đánh, Đảng giao nhiệm vụ, mục tiêu đâu là đánh đó, đánh đâu là thắng đó”.

 

Thành tích mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 857 đạt được là ký ức không quên, bài học lịch sử giá trị luôn khắc ghi qua nhiều thế hệ học tập và noi theo.
 
Anh dũng chiến đấu
 
Tiền thân của Tiểu đoàn 857 là Liên minh giáo phái chống Mỹ- Diệm. Ngày 19/8/1957 tại kinh Mười Thới (xã Tân Quới, nay là xã Tân Thành- Bình Tân), tiểu đoàn làm lễ ra mắt với tên gọi mới là Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt và năm 1964 đổi phiên hiệu là Tiểu đoàn 857.
 
Từ tháng 8/1957 đến tháng 10/1964, nhiệm vụ chủ yếu của tiểu đoàn là vũ trang tuyên truyền vận động đồng bào Phật giáo Hòa Hảo đoàn kết cùng toàn dân đứng lên chống kẻ thù chung; diệt ác ôn, chặn bàn tay phát xít của địch, bảo vệ cách mạng và hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng; đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, thực hành đồng khởi, đánh phá địch bình định, giải phóng nông thôn.
 
Trong quá trình vũ trang tuyên truyền, tiểu đoàn chú trọng phát triển các nòng cốt, cơ sở, khi đủ điều kiện thì đề nghị địa phương phát triển đảng viên. Từ năm 1957- 1960, phát triển 6 chi bộ xã mà trước đó là “vùng trắng”.
 
Ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, chính trị viên đầu tiên của Tiểu đoàn 857- nhớ lại: Giai đoạn đầu, tiểu đoàn gặp phải “lắm khó khăn và thử thách”, bộ đội được Nhân dân cưu mang, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện công tác vũ trang tuyên truyền, trước hết là làm sao thâm nhập được vào đồng bào tín đồ theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, vận động bà con đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève.
 
Làm được điều này, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn mỗi người ăn chay 4 ngày, hòa nhập vào phong tục, tập quán, được bà con cảm mến, tin tưởng nên đùm bọc, che chở cho bộ đội hoạt động. “Bà con làm ra lúa đem ủng hộ cách mạng, bộ đội bị thương, bà con đưa về nhà nuôi chứa, khỏe thì vào chiến trường tiếp tục chiến đấu”- ông Nguyễn Ký Ức nhớ lại.
 
Chiến công đã đi vào lịch sử của Tiểu đoàn 857 đó là đã phục kích tiêu diệt tên Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba và bắt sống toàn bộ đoàn tùy tùng, khi chúng vừa gây ra tội ác với đồng bào ta, vào ngày 16/6/1960. Cái chết của Khưu Văn Ba đã gây ra sự “thoái động” tình hình địch, làm những tên tay sai dưới trướng chùn bước. Tháng 8/1960, khi xuống khu trù mật Cái Sơn, Ngô Đình Diệm đã phải tuyên bố tạm ngừng xây khu trù mật, thừa nhận thất bại của sách lược này.
 
Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng
 
Sự ra đời của Tiểu đoàn 857 đánh dấu bước trưởng thành về mọi mặt của lực lượng vũ trang giải phóng tỉnh Vĩnh Long. Vượt mọi khó khăn, cùng với ý chí cách mạng kiên cường, sự che chở hết mình của Nhân dân, Tiểu đoàn 857 đã dần lớn mạnh, mở rộng vùng chiến đấu, tiến đến đấu tranh vũ trang, lập nên những chiến công vang dội, đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù.
 
Sau lễ ra mắt, tiểu đoàn bước vào huấn luyện các hình thức chiến thuật, liên tục tiến công, đánh bại các chiến thuật hiện đại của kẻ thù. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1964- 1967, tiểu đoàn đã đánh hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu biểu như trận tập kích đại đội biệt động quân tại lò gạch Phước Tứ (xã Tân Xuân- Sa Đéc), trận diệt đồn Hậu Thành (An Đức), trận chống càn tại Cây Điều (Mỹ Lộc- Tam Bình).
 
Ngoài huấn luyện chiến sĩ mới, Tiểu đoàn 857 còn quản lý, huấn luyện đơn vị dự bị động viên của đơn vị và các đối tượng khác.

Ngoài huấn luyện chiến sĩ mới, Tiểu đoàn 857 còn quản lý, huấn luyện đơn vị dự bị động viên của đơn vị và các đối tượng khác.

Theo ông Nguyễn Ký Ức, một chiến công vang dội khác không thể không nhắc đến đó là trận đánh vào sân bay Vĩnh Long, trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Thành tích này đã tạo tiền đề to lớn để quân và dân ta bước vào giai đoạn chiến đấu mới, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 
Theo Ban Chỉ huy tiểu đoàn, dù ở đâu và đảm nhận công việc gì thì cán bộ, chiến sĩ luôn an tâm tư tưởng, có lập trường chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng, chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, có động cơ phấn đấu đúng đắn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
Nề nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu được duy trì nghiêm, các phương án chiến đấu thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh và tổ chức luyện tập thuần thục; huấn luyện đạt 100% nội dung, thời gian huấn luyện theo kế hoạch, các khoa mục kiểm tra đều đạt khá trở lên. 
 
Nhiều năm liền, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; làm tốt công tác vận động quần chúng và là lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Đặc biệt, trong các khóa huấn luyện chiến sĩ mới, đơn vị đều đạt thành tích giỏi, tiểu đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tiểu đoàn liên tục chiến đấu 1.035 trận lớn nhỏ, tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống 10.106 tên địch; tiêu diệt gọn một tiểu đoàn chủ lực của địch, 25 đại đội, 150 trung đội, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn; diệt và bức rút trên 100 đồn, bót, phân chi khu. Thu 1.024 súng, trên 100 tấn đạn, bắn rơi, phá hủy 70 máy bay, 124 xe quân sự, bắn chìm 7 tàu chiến và nhiều phương tiện quân sự khác.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH