Những hạt mưa rơi thưa thớt trong nắng, mưa nắng đan xen. Không ít người cũng đang chờ đón những cơn mưa như thế này- mưa nấm mối.
Những tai nấm mối bum búp thân trắng, đội nón xám bóng chui lên khỏi mặt đất. |
Những hạt mưa rơi thưa thớt trong nắng, mưa nắng đan xen. Không ít người cũng đang chờ đón những cơn mưa như thế này- mưa nấm mối.
Năm nay, những cơn mưa nấm mối xuất hiện trễ hơn mọi năm, ăn Tết Đoan ngọ cả hơn nửa tháng rồi, giờ những cơn mưa nấm mối mới xuất hiện và những tai nấm mối mới chịu nhô lên khỏi mặt đất. Món nào mà có loại nấm này xuất hiện cũng “bá cháy” hết đó nên giờ nó là món VIP trong những món “đặc sản”.
Những cơn mưa nấm mối rơi hột, mấy đứa em tôi sáng mấy bữa nay “cố gắng” dậy thật sớm đi rảo quanh các liếp vườn thể tìm nấm mối. Đang những ngày nghỉ hè mà, muốn “nướng thêm” vài mươi phút bù lại những tháng thức khuya dậy sớm học bài. Nhưng những cơn mưa nấm mối xuất hiện là chúng có động lực dậy sớm, hào hứng tận tay hái được những tai nấm mối. Chúng mừng rơn khi phát hiện một ổ nấm mối với các tai nấm búp thân trắng, đội nón xám bóng chui lên khỏi mặt đất. Một đứa trong nhóm ra vẻ “anh hai” liền kéo vạc áo lên để các đứa khác hái nấm bỏ vào. Chúng thích thú hái những tai nấm bum búp, vì những tai nấm còn búp hái sẽ cảm nhận được độ giòn, khi hái phát ra âm thanh “bụp bụp” và liên tục lia ánh nhìn để tìm kiếm những tai nấm “núp lùm” vào lớp lá hoai mục. Nấm búp ăn ngon hơn nhiều so với những tai nấm đã nở, nó còn nguyên độ giòn và giữ trọn độ ngọt của nấm.
Giờ nấm mối hiếm lắm, tìm mãi mới được một vài ổ nấm mối và số lượng tai nấm cũng ít hơn. Chớ tôi nhớ những năm ở với nội, khoảng hơn hai mươi năm rồi, sáng thức sớm đi cùng nội ra vườn tìm nấm mối, tay cầm theo chiếc rổ tre để đựng nấm mối. Có khi trúng mánh hái được đầy cả rổ nấm mối. Hái xong nấm mối, tiện tay nội hái vài lá môn để đem vô túm cho người một ít ăn lấy thảo.
Thích nhất là được ăn nấm mối kho tiêu, nó ngọt làm sao không tả được. Cái vị ngọt ngon riêng nên mới được gọi là “đặc sản”, là “hàng hiếm”, nên giờ mới có giá lên đến một triệu tư, một triệu rưỡi một ký chớ có ít ỏi gì đâu. Vậy mà không đủ nấm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nữa chớ. Đúng là nấm mối giờ “đắc hơn cả tôm tươi”.
Giờ đâu còn vườn tạp như xưa, giờ lên liếp trồng cam, trồng xoài, trồng kiểng… và chúng được chăm bón nào phân, nào thuốc và phân thuốc thấm vào đất nên nấm mối “ngại mọc” những nơi chốn ấy.
Tô canh nấm mối ngọt thanh không cưỡng lại được, “no cành cái bụng”. |
Quay lại chuyện những tai nấm vừa hái được của mấy đứa em. Chúng thích thú đứa nói hôm nay có nấm mối ăn mệt xỉu luôn nội ơi, ráng ních hết tô “no cành cái bụng”. Mà nội cũng chiều lòng con cháu, nội chia nấm ra làm hai phần, đứa thích ăn cháo nấm, nội cho ngay nồi cháo gà nấu nấm mối, đứa thích ăn canh bồ ngót nấu nấm mối thì có ngay tô canh bồ ngót nấu nấm. Cái nước ngọt thanh làm sao cưỡng lại được mà không “ăn líp ba ga” chớ. Còn tôi, cứ bỏ qua tất cả những việc chưa thể giải quyết đang thể hiện cả ra vẻ mặt rầu áy, ngồi an nhiên bên mâm cơm có canh nấm mối, thưởng thức vị ngọt thanh của nấm. Ngồi ăn tô nấm nhớ những cơn mưa nấm mối tuổi thơ, sự mừng rơn mỗi khi mưa nấm mối xuất hiện. Sự thích thú hái được những tai nấm mối mà cảm nhận được độ giòn của chúng. Nhớ hình ảnh của nội với chiếc áo túi màu trắng hay mặc nữa chớ, hai bà cháu ngồi lúp xúp bên liếp dừa hái từng tai nấm mối.
Những cơn mưa nấm mối với những hạt mưa rơi thưa thớt trong nắng, nắng mưa xuất hiện cùng nhau, nhắc nhớ cho ai đã từng trải qua vị ngọt ngào sâu lắng của thời thơ bên bờ ao, liếp dừa, đưa tay hái từng tai nấm mối.
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin