Xuân về trên đất cù lao

Cập nhật, 18:28, Thứ Bảy, 05/02/2022 (GMT+7)

 

Đường vào các xã cù lao rợp cây xanh mát và sắc hoa hoàng yến.
Đường vào các xã cù lao rợp cây xanh mát và sắc hoa hoàng yến.

Nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, 4 xã cù lao của huyện Long Hồ (xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh, Đồng Phú) từ lâu nổi tiếng là vùng đất hiền hòa với cây lành, trái ngọt, khí hậu mát mẻ, dễ chịu… Những ngày này, đến cù lao để cảm nhận không khí vào xuân thắm sắc, làm say lòng bao người.

Tết ở làng mai vàng

Đến Làng Mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước), xe chúng tôi chạy bon bon trên tuyến đường đan rộng 3m của huyện Long Hồ. Tuyến đường được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, mua bán. Dọc hai bên đường là những cây mai lớn nhỏ được trồng làm hàng rào, cây kiểng trước nhà. Ngày tết hoa mai nở vàng rực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Theo quan niệm của nhiều người, nhà nào có hoa mai nở càng nhiều thì nhà đó càng may mắn và sung túc trong năm mới.

Tuyến đường đan rộng 3m đầu tiên của huyện Long Hồ.
Tuyến đường đan rộng 3m đầu tiên của huyện Long Hồ.

Căn nhà ông Hồ Văn Sửng- ấp Phước Định 2 được điểm tô bởi hàng rào chạy dọc theo tuyến đường đan, dọc hai bên đường ông trồng đủ loại hoa trang, soi nhái, dừa cạn. Bước vào cổng, trước mắt chúng tôi là hơn 20 gốc mai lớn nhỏ, trong đó nhiều gốc mai được tạo hình chân đế rất đẹp, cho giá trị không nhỏ.

Ông Sửng cho biết: Tôi trồng mai nối nghiệp cha mình đến nay đã hơn 50 năm. Nhờ cây mai mà cuộc sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân nơi đây đã trở nên sung túc hơn. Cứ đến rằm tháng 10 âm lịch, nhiều cây mai đã có người đặt mua và buộc dây làm dấu.

Ngày tết, người dân nơi đây chỉ đem mai nhỏ ra chợ hoa xuân bán, còn mai lớn thì khách phải tìm đến tận nhà mua, người bán nếu “thấy được giá thì gả”.

“Tôi yêu mai lắm nên có lúc bán xong lại thấy tiếc vì muốn săn lùng, tìm mua lại cây từ đẹp bằng đến đẹp hơn là rất khó”- ông Sửng cười tươi và nói thêm: Mỗi tết chỉ cần bán 1- 2 cây mai là ăn tết ngon lành rồi. Mai trồng lâu năm, thế đẹp, giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng, nên không cần phải bán nhiều đâu.

Ngày tết, có nhiều loại hoa, cây trồng được mọi người ưa thích mua về trang trí.
Ngày tết, có nhiều loại hoa, cây trồng được mọi người ưa thích mua về trang trí.

Ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, cho hay: Trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội, việc mua bán mai vàng bị gián đoạn do gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến nay, việc mua bán mai vàng đã thông thương trở lại.

Xã Bình Hòa Phước từ lâu nổi tiếng với làng mai vàng, đa số nhà các hộ dân đều trồng vài cây mai. Nhành mai tết là mong muốn đem lại sự may mắn và đón một năm mới phát tài, hạnh phúc. “Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng Chạp là vui nhất, người người lo dọn dẹp bàn thờ, chăm sóc nhà cửa và lặt lá mai. Có hộ trồng mai nhiều quá phải thuê người lặt lá và có khi câu đèn làm cả ban đêm để mai kịp nở đúng ngày”- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết.

Vui xuân đầm ấm

Chợ Hòa Ninh là chợ trung tâm của 4 xã cù lao, không khí những ngày trước tết khá nhộn nhịp khi người dân từ các xã tới giao thương, mua bán trái cây, bông hoa… cùng các mặt hàng thiết yếu.

Từ trước đó, nhiều gia đình trong xã Hòa Ninh đã tranh thủ trồng hoa cúc, vạn thọ, mào gà… cùng các loại cây kiểng có giá trị kinh tế cao như hoa mai để đem đi bán. Qua đó, giúp người dân có thêm thu nhập và có tiền rủng rỉnh xài tết.

Là người chuyên ươm cây hoa giống và bán hoa tết ở chợ Hòa Ninh, bà Trần Thị Tuyết Nhung- ấp Hòa Quý cho biết, năm nào gia đình bà cũng đón tết muộn vì sau khi bán hết hoa ở chợ mới về cùng gia đình chuẩn bị đón tết.

Năm nào hoa hết sớm thì 28 Tết đã về đến nhà, có năm tới 30 tháng Chạp mới về. Như đã thành quen, nên người thân, bạn bè của bà thường chỉ đến thăm, chúc tết từ mùng 3 trở đi.

Bà Nhung ươm các loại cây hoa ra chợ bán.
Bà Nhung ươm các loại cây hoa ra chợ bán.

Ngày tết, chị Nguyễn Thị Thu Vân- ấp Hòa Thuận cùng nhiều nhân công tại vựa trái cây Hiếu Thuận (chợ Hòa Ninh) khá tất bật với việc đóng thùng chôm chôm, nhãn, ổi… để đem bán các tỉnh miền ngoài, như: Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa…

“Tôi làm ở đây 2 năm rồi, công việc thì xuyên suốt. Ngày thường thì bắt đầu làm từ 6 giờ sáng đến hết hàng. Ngày tết thì được về sớm hơn và mỗi người thay phiên nghỉ một hai ngày”- chị Vân cười tươi.

Ngày tết, chị Vân vui vẻ đi làm tại vựa trái cây.
Ngày tết, chị Vân vui vẻ đi làm tại vựa trái cây.

Ông Trương Thành Ngọc- Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết: Trong 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi hạn mặn và dịch COVID-19, kinh tế có chút khó khăn nhưng nhờ tăng gia sản xuất nên sản lượng nông nghiệp, thủy sản đều tăng.

Người dân đón tết an lành, tiết kiệm và giữ vững truyền thống tốt đẹp của ngày tết. Các thành viên trong gia đình luôn mong muốn sum họp, cùng thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm...

Chôm chôm chuẩn bị đóng thùng đem đi bán.
Chôm chôm chuẩn bị đóng thùng đem đi bán.

Theo đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ, những năm qua, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, mức sống người dân 4 xã cù lao đã nâng cao hơn trước rất nhiều, nhà cửa đã được xây cất tươm tất, khang trang hơn; người dân vui xuân đón tết sung túc hơn.

Với đặc điểm là vùng chuyên canh cây ăn trái và làng mai vàng, nên từ những tháng trước tết người dân đã tất bật chăm sóc cho cây trồng, nhiều hộ còn mua hoa về trồng để chơi tết hoặc đem bán kiếm thêm thu nhập. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trước tác động của đại dịch COVID-19, người dân vui xuân trên tinh thần đoàn kết, an toàn, tiết kiệm và thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG