Sau 7 năm theo đuổi đam mê với các mô hình thu nhỏ tái hiện không gian "Sài Gòn xưa", anh Nguyễn Phúc Đức (sống tại TP Hồ Chí Minh) đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.
Sản phẩm “Tết miền Tây” phục vụ Xuân Nhâm Dần 2022. |
Sau 7 năm theo đuổi đam mê với các mô hình thu nhỏ tái hiện không gian “Sài Gòn xưa”, anh Nguyễn Phúc Đức (sống tại TP Hồ Chí Minh) đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.
Theo đuổi đam mê
Năm 2014 từ bỏ công việc làm marketing, anh Nguyễn Phúc Đức chọn cho mình một lối rẽ hoàn toàn khác biệt là chế tác các mô hình lắp ráp tí hon.
“Có một công việc khá ổn định nhưng Đức chưa bao giờ thấy vui với công việc mình đang làm. Năm 2014, mạng xã hội rất nổi tiếng với trào lưu lắp ráp của đất nước Nhật Bản. Nó như tia sáng giúp Đức xác định được niềm đam mê của mình. Bởi từ nhỏ Đức đã thích lắp ráp rồi, Đức hay lượm những bao bì thuốc hút của ba để lắp thành robot hay các vật dụng đồ chơi khác. Và món đồ chơi lắp ráp đầu tiên Đức được ba tặng là vào năm 6 tuổi, Đức vẫn rất trân trọng và giữ gìn”- anh chia sẻ.
Các sản phẩm tí hon đã mô tả sinh động cuộc sống của người dân Sài Gòn từ thập niên 80 đến hiện tại. |
Từ suy nghĩ đó, anh đã nhanh chóng cho ra thị trường sản phẩm đầu tay có chủ đề Shushi, song không được đón nhận như mong đợi.
“Không chỉ thất bại với Shushi, Đức còn gặp rất nhiều các khó khăn khác: lên ý tưởng, chọn lựa nguyên liệu phù hợp, đầu tư thiết bị rồi phương thức đưa sản phẩm ra thị trường. Và Đức cũng hiểu, nếu cứ mãi đi theo lối mòn trào lưu mà không tạo được điểm nhấn riêng biệt thì sẽ khó thành công được”- anh Đức nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp.
Thu nhỏ ký ức
Sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh, tuổi thơ của anh gắn liền với từng con hẻm, góc phố nơi đây. “Lúc nhỏ, Đức hay chạy ra đầu hẻm để mua đồ cho mẹ, đó là cái cửa hàng tạp hóa nhỏ nhưng bày bán đủ thứ từ mắm, muối, tương, chao, gạo,… cho đến những bịch kẹo pin, xí muội. Tất cả lẩn quẩn và hiện lên rõ ràng trong trí nhớ của Đức”- anh Đức vui vẻ kể.
Các sản phẩm tí hon đã mô tả sinh động cuộc sống của người dân Sài Gòn từ thập niên 80 đến hiện tại. |
Thế là cả bầu trời tuổi thơ ấy nhanh chóng được thu nhỏ vào mô hình “tạp hóa” rất xinh xắn. “Đức chụp ảnh rồi đưa “tạp hóa” lên Fanpage cho vui nhưng không ngờ lại nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ bạn bè và họ đặt hàng rất nhiều”- anh Đức phấn khởi nói về chủ đề “tạp hóa”- một cột móc đánh dấu tên tuổi của “Thế Giới Tí Hon” bây giờ.
Hồi ấy, để có tiền đầu tư máy móc, thiết bị làm mô hình “tạp hóa” theo đơn đặt hàng của khách, anh Đức phải bán luôn chiếc xe. Chiếc máy đầu tiên anh mua được là “hàng bãi” nội địa Nhật “vừa khoan, cắt, chà nhám và bào rất nhỏ gọn”.
Sau thành công của quầy hàng “tạp hóa”, anh tiếp tục gặt hái quả ngọt với “sạp báo”, “hớt tóc vỉa hè”,… gắn liền với ký ức của nhiều người dân TP Hồ Chí Minh thuở xưa. Nguyên liệu để làm mô hình ban đầu chủ yếu là giấy nhưng lại xuất hiện nhiều khuyết điểm: không bền, dễ bị ố vàng, khó sơn phối màu sắc. Để khắc phục các nhược điểm trên anh đã thay thế bằng chất liệu gỗ bên cạnh thạch cao, vải, hoa khô,... Đồng thời, bắt tay vào nghiên cứu sản xuất chuyên nghiệp cũng như học cách kinh doanh thông minh.
Các sản phẩm tí hon đã mô tả sinh động cuộc sống của người dân Sài Gòn từ thập niên 80 đến hiện tại. |
Năm 2017, anh bắt đầu tìm các cộng sự cùng chung tay góp sức với mình. “Đức luôn trân trọng và tìm sự cộng tác từ mọi người. Tuy nhiên, vì tính chất công việc mang tính nghệ thuật nên việc lựa chọn những người hợp tác cũng phải có yêu cầu riêng: cẩn trọng, tỉ mỉ và trên hết là cùng đam mê”- anh tâm sự.
Đến nay, anh Đức cùng các cộng sự đã sở hữu bộ sưu tập với gần 100 mô hình tiểu cảnh, đa số những mô hình lấy chủ đề hoài cổ gói trọn miền nhớ của bao thế hệ người dân Sài Gòn từ thập niên 80 đến nay. Tất cả được bày bán qua Fanpage và tại 60 điểm bán trên toàn quốc.
Mong muốn “gửi gió để bay thật xa”
Để tạo ra các mô hình tái hiện chính xác thực tế cuộc sống ngoài việc “lục lọi” ký ức tuổi thơ có được, anh còn tham khảo các tài liệu, sách, báo và từ những người lớn tuổi.
Theo anh, các công đoạn làm ra sản phẩm đều có tính đặc thù riêng: từ lúc lên mẫu, lên ý tưởng cho đến tìm nguyên vật liệu. “Nguyên vật liệu phải dựa trên những vật liệu cũ kỹ, vật liệu càng thô sơ bao nhiêu thì mô hình càng đời thực bấy nhiêu, cứ đời nhất để sản phẩm đẹp và có giá trị, tạo nên sự hứng thú, cuốn hút cho người chơi”- anh bộc bạch.
“Mấy anh em chúng tôi hay lang thang cùng nhau để tìm cảm hứng rồi phác thảo lại. Sau đó thì thiết kế và sản xuất mẫu để lắp ráp thử nghiệm. Khâu thiết kế mất khá nhiều chất xám, bởi ngoài đòi hỏi về tính thẩm mỹ thì còn phải dễ ráp, quan trọng nhất là chọn điểm nhấn đặc trưng của đời thực vào mô hình thu nhỏ”- chị Lê Thị My Phương (nhân viên thiết kế) tiếp lời.
Không chỉ thu nhỏ hồi ức về người Sài Gòn trong những thập niên trước, sắp tới anh Đức còn muốn thu nhỏ các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
“Điều rất phấn khởi của Đức là sản phẩm không chỉ được các bạn trẻ, người lớn tuổi trong nước yêu thích mà các khách hàng tại nước ngoài cũng bày tỏ sự tích cực khi xem mô hình. Nên Đức sẽ cố gắng lần lượt cho ra đời các sản phẩm lắp ráp về các danh lam, thắng cảnh của những tỉnh, thành trong nước để quảng bá văn hóa, hình ảnh, đất nước con người Việt Nam”.
Riêng dịp Tết Nguyên đán 2022 này, anh Đức sẽ tung ra thị trường bộ lắp ráp với chủ đề “Tết miền Tây” với những căn nhà 3 gian, nồi bánh tét đêm giao thừa, phong tục chúc tết,… hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người chơi cùng những hồi tưởng thú vị về khung cảnh làng quê Nam Bộ ngày xuân.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm đã tạo ra thành công ngày hôm nay của Nguyễn Phúc Đức. |
Với mong muốn “gửi gió để bay thật xa”, anh Đức cũng hứa hẹn sẽ mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm cũng như đào tạo chuyên nghiệp dành cho những người yêu thích bộ môn mô hình tí hon trong tương lai gần nhất.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin