Người quê mình hay nói nôm na "ăn Tết", như thể chỉ có chuyện ăn trong ba ngày tết. Thực ra, chính nhờ những món ăn ấy, đã định vị được phong hóa của cộng đồng xứ sở. Dù mỗi người, mỗi nhà có cách chuẩn bị khác nhau, nhưng giá trị tinh thần là đồng nhất.
Ngày nay, chẳng thiếu thứ gì mà sao nó bắt nhớ mỗi lần sắp Tết. Có lẽ vì phong vị Tết phương Nam, đã dần mất đi rất nhiều “hồn vía”. Nhắc lại những nét đẹp xưa đã chìm khuất theo thời gian, âu cũng gợi chút nỗi niềm mỗi khi “ăn Tết” này mà bâng khuâng nhớ những Tết xưa.
Mai vàng khoe sắc Tết phương Nam. |
Người quê mình hay nói nôm na “ăn Tết”, như thể chỉ có chuyện ăn trong ba ngày tết. Thực ra, chính nhờ những món ăn ấy, đã định vị được phong hóa của cộng đồng xứ sở. Dù mỗi người, mỗi nhà có cách chuẩn bị khác nhau, nhưng giá trị tinh thần là đồng nhất.
Dù phong tục Bắc- Nam làm nên bánh chưng- bánh tét, nhưng gốc gác cũng tự thuở vua Hùng mà ra vậy. Những mẻ nếp ngon nhất dành riêng làm bánh trái thành kính dâng cúng tổ tiên, tri ân cội nguồn lúa nước; cầu mong “mưa thuận gió hòa”, cầu cho đất đai dương trạch, Thành hoàng bổn cảnh phù hộ độ trì cho gia đạo bình an, mọi việc hanh thông, tấn tới.
Qua con nước rằm tháng 9 âm lịch, người quê chuẩn bị cho mùa nước giựt, loay hoay sẽ chộn rộn bước vào mùa giáp Tết. Mùa nước rút đi, để lại cho đồng bằng bao nhiêu là cá mắm, rồi làm khô để dành, lại tới mùa tát đìa vét sạch đám cá còn ngụ lại trên đồng. Bao nhiêu là đìa bộng, lung hoang, lúc này chỉ toàn săn tìm những con cá bự gộc. Ăn ngả nào cho hết, thì phơi khô để dành ăn tết.
Các má, các bà thì phơi chuối khô để dành làm món chuối khô ngào đường với gừng già thiệt cay, món này không thể thiếu trên bàn trà ngày tết. Càng nghĩ lại thấy, cây chuối dâng hiến hết cuộc đời nó cho chuyện ăn uống của đồng bằng, nó gắn với hầu hết các dịp giỗ chạp, tết nhứt. Thân cây non thì ôm món gà xé phay, bắp chuối thì không thể thiếu với món cháo vịt xiêm. Tàu lá thì dành gói bánh tét, bánh ít cúng trên bàn thờ. Còn những thân chuối cây thiệt bự, thì dành cho mấy đứa nhỏ tắm sông. Thân thương, thân thiết vô cùng cây chuối tình quê.
Người quê trông tết bằng cái tình cảm lạ lùng lắm, nôn nao lắm. Còn mấy đứa con nít thì thôi, khỏi nói. Trông tết từng ngày. Người lớn cũng trông mà phải vừa tất bật lo toan đủ thứ. Đó là cái không khí khó tìm lại được. Bước qua rằm tháng Chạp, bắt đầu ngó trăng từng đêm, nhìn trăng “mòn” từng chút cho đến ngày tối trời bước vào đêm Trừ tịch.
Nhà nào cũng phải có nồi thịt kho hột vịt cái đã, với dưa cải, củ kiệu là mấy món dành ăn suốt trong 7 ngày tết không ai chợ búa trước khi hạ nêu. Thời còn trồng lúa mùa, ác cái phần lớn đồng ruộng cắt lúa là sau tết, vậy mới có cảnh cân thịt heo biên sổ để đó tới mùa đong lúa. Vậy mới thấy nồi thịt kho chứa đựng bao nhiêu là yêu thương, nghĩa tình chòm xóm.
Chiều 30 nhà nhà gánh nước lóng phèn đầy lu. Gạo, muối đầy khạp, quét dọn sạch sẽ. Trong khi đó, ngoại tôi đã xong xuôi nồi bánh tét, chỉ còn canh lửa giác chiều là kịp vớt bánh treo lên sào dọc dài chái bếp. Tết nhứt, ai cũng muốn mọi việc cuối năm tươm tất, để bước qua thời khắc năm mới mọi việc hanh thông hơn, tốt đẹp hơn. Vậy mới có thêm mấy món “cầu mong” ngoài dĩa ngũ quả và cặp dưa hấu trên bàn thờ.
Tết năm nào ngoại cũng phải có hai món bánh in và bánh phồng. Xong nồi bánh tét là ngoại quay qua nhồi bột, vô khuôn ngồi gõ bánh in. Sợ nhất cái khúc ngồi rang nếp trên chảo. Củi lửa liu riu, rang từng nhúm nhỏ, canh cho vàng thơm vừa vặn rồi xay bằng cối đá. Những khuôn bánh in hình hoa lá, chim chóc, có mấy khuôn chữ “Phước- Lộc- Thọ”. Hai bà cháu chăm chút ngồi gõ từng cái bánh in đầy đặn cho thiệt khéo, không để bị sứt mẻ chút nào. Sắp tới giờ giao thừa, là nhóm lửa rơm, nướng bánh phồng bằng hai cái kẹp tre. Ý chắc tết cúng bánh phồng cho ông bà độ năm mới mần ăn cái gì cũng nhanh chóng… “phồng to”. Lửa rơm cháy đượm phừng mặt người, mùi thơm của rơm quyện cùng mùi bánh phồng làm thành nỗi nhớ không thể nào quên. Mà giờ có ngồi nướng bánh làm gì có được cái cảm giác hồi xưa. Vậy mới làm nên nỗi nhớ luôn đong đầy trong ký ức.
Đèn đuốc thắp lên khắp từ bàn thờ ông bà đến bàn thờ Phật, cái đèn măng sông treo giữa nhà sáng hực hỡ luôn, cái đèn bão treo trên bàn thông thiên ngoài sân. Hoa trái đầy đủ, riêng mai vàng thì rực rỡ từ ngoài sân vào đến trong nhà. Rồi chuẩn bị mâm cúng giao thừa, không có đồ mặn, chỉ có trái cây, dưa hấu xẻ miếng, thèo lèo, chuối khô ngào đường, mứt gừng, mứt bí, chà là, bánh in, bánh phồng, bánh tét… bày trước hiên nhà. Đúng giờ giao thừa, thắp nhang bàn thờ, mâm cúng rồi khấn nguyện lòng thành vái lạy. Tàn cặp đèn cầy thì được ăn bánh mứt, lắng nghe bâng khuâng thời khắc bước vào năm mới.
Quan trọng hàng đầu phải có nồi bánh tét ngày tết dâng cúng tổ tiên ông bà. |
Trong ăn uống ngày tết, ông bà xưa đã đúc kết kinh nghiệm tuân thủ chặt chẽ theo quy luật âm dương. Bởi Đông y lấy tỳ vị, tiêu hóa làm đầu. Vậy nên, trong bánh mứt nhiều chất đường ngọt thuộc âm, thì không thể thiếu chất gừng cay bổ ấm phần dương. Bánh trái, thịt mỡ ê hề, thì phải đi kèm dưa cải, dưa kiệu chất chua trợ đường tiêu hóa. Sự đúc kết mang tính khoa học ăn uống, mà cũng chuyển tải cái đạo lý “vừa phải”, luôn cân bằng theo thuyết trung dung, lấy câu “ngô duy túc tri” làm trọng.
Quan trọng hàng đầu phải có nồi bánh tét ngày tết dâng cúng tổ tiên ông bà. |
Tết nhứt đâu chỉ có ẩm thực, sao cứ nói nôm na là “ăn Tết”, tưởng như nghe rất là… vật chất, vậy mà ẩn chứa bên trong sâu xa bao nhiêu là ý nhị của tinh thần, mà làm thành cái phong vị Tết phương Nam. Làm thành nơi chốn quay về của cháu con, quay về của những hoài niệm mông lung trong miền nhớ.
Dù nhiều thứ đã dần mất đi, nhưng mai vàng luôn rực rỡ khoe sắc Tết phương Nam.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin