Kỳ 4: Xã đảo nông thôn mới

03:01, 26/01/2022

Vượt qua những khó khăn, cùng với sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, chính quyền và quân dân nhiều xã đảo cùng dựng xây nông thôn mới. Hai xã đảo của tỉnh Kiên Giang là Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc- TP Hà Tiên) đã trở thành xã nông thôn mới từ đầu năm 2020; và xã An Sơn (Hòn Lớn- quần đảo Nam Du) cũng đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. 

Chúng tôi đi trong niềm vui trên con đường nông thôn mới xã Tiên Hải.
Chúng tôi đi trong niềm vui trên con đường nông thôn mới xã Tiên Hải.

Vượt qua những khó khăn, cùng với sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, chính quyền và quân dân nhiều xã đảo cùng dựng xây nông thôn mới. Hai xã đảo của tỉnh Kiên Giang là Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc- TP Hà Tiên) đã trở thành xã nông thôn mới từ đầu năm 2020; và xã An Sơn (Hòn Lớn- quần đảo Nam Du) cũng đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Tận dụng lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch, nuôi cá lồng bè,… đời sống quân dân biển đảo ngày một tốt hơn.

Nâng cao đời sống người dân biển đảo, tạo điều kiện cho người dân an cư là làm theo lời Bác: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không… Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.

Về nông thôn mới Tiên Hải

Lần thứ 3 trở lại xã Tiên Hải, đi trên những con đường đầy hoa hoàng oanh, tôi cảm nhận sự khác biệt của xã đảo Tiên Hải bây giờ và cách đây 4 năm rất rõ rệt. Mặc dù trong năm 2021, đời sống trên đảo khó khăn vì ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng nhìn chung đời sống người dân đã thay đổi rất nhiều. Tiên Hải đã có những con đường láng nhựa, điện lưới quốc gia, có nước sạch và có nhiều homestay mới mọc lên.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Hải Cao Thị Thiên Kim, cho biết: “Năm vừa qua, đánh bắt, nuôi trồng đều gặp khó khăn nhưng so với những năm trước đây, đời sống người dân đã tốt hơn”. Bà Thiên Kim nói thêm: “Tôi đến ở xã đảo từ năm 2000, khi Hòn Đốc chưa có lộ, chưa có điện, nhân khẩu không bằng phân nửa bây giờ. Hiện nay, Tiên Hải có gần 500 hộ/1.800 nhân khẩu, xã đảo đạt chuẩn nông thôn mới và chúng tôi đang cố gắng nâng cao đời sống người dân”.

Đời sống người dân xã đảo thay đổi là nhờ sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân và các lực lượng trên đảo phối hợp làm tốt nhiệm vụ của mình. Đại úy Bùi Công Huấn- Chính trị viên Trạm Ra đa 625- Hòn Đốc, cho biết: “Trạm hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên địa bàn như Đồn biên phòng Tiên Hải, Đại đội 7, Xã Đội nắm chắc tình hình trên không, trên biển trong phạm vi quan sát; kịp thời thông báo, báo cáo giúp chỉ huy các cấp xử lý các tình huống không bị động, bất ngờ”. Trạm còn làm tốt công tác dân vận, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt mô hình dân vận khéo “Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương”. Qua đó, mối quan hệ đoàn kết, nghĩa tình với cấp ủy, chính quyền, quân và dân trên đảo không ngừng củng cố, tăng cường.

Thượng úy Nguyễn Văn Muộn- quê Quảng Ninh, y sĩ Trạm Ra đa 625 đã gắn bó với Hòn Đốc 12 năm, từ hồi “đường lên trạm là đường rừng, không có nước ngọt. Mỗi lần tắm, chiến sĩ phải xuống xã nhờ nhà dân, tắm xong leo lên trạm thì… giống như chưa tắm”- y sĩ Muộn kể, đến nay Tiên Hải trở thành xã nông thôn mới thật là một kỳ tích.

Y sĩ Muộn phụ trách vườn thuốc Nam của trạm, không chỉ cho chiến sĩ mà còn cho người dân và các lực lượng quân đội khác khi có nhu cầu. Vườn thuốc Nam trên đảo Hòn Đốc tươi tốt với 20 loại thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Cũng từ những chuyến khách đến thăm Hòn Đốc, anh Muộn đã nên duyên với cô gái xứ dừa Bến Tre. Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương, anh Muộn gắn bó với quần đảo Hải Tặc này và vợ cũng rời quê ra Hòn Đốc. Anh Muộn cho biết: “Bà xã tôi chuyên ngành công nghệ sinh học, đang nghiên cứu để nuôi trồng rong trên đảo”.

Nam Du- đẹp hơn mỗi ngày

Quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang), gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống với 2 đơn vị hành chính là xã An Sơn và xã Nam Du, tổng diện tích gần 10km2. Đảo lớn nhất là Hòn Lớn hay còn gọi là Hòn Củ Tron- thuộc xã An Sơn. Nam Du là quần đảo có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, đây là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng thế trận quốc phòng an ninh.

Mới đến quần đảo Nam Du vào cuối tháng 3/2021 nhưng tôi đã thấy sự khác biệt từ cầu cảng. Con đường vào xã An Sơn (Hòn Lớn- nơi có cảng) sạch đẹp hơn rất nhiều. Những hộ bán đặc sản- đá me Nam Du, khô Nam Du, hải sản Nam Du tươm tất không lấn chiếm ra đường, rác để đúng nơi quy định. Nam Du đã đẹp nay càng xanh- sạch đẹp hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn- bà Trần Thị Yến Oanh, nói: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất hạ tầng trên đảo đang được đầu tư xây dựng với hệ thống cầu cảng, đường giao thông vòng quanh đảo, trường học, trạm y tế và các công trình an sinh xã hội phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân”.

Nam Du đang phục hồi du lịch, thu hút khách nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Công tác phòng chống dịch được thực hiện ngay từ sớm với sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội. Tại bến tàu, khách đến Nam Du sẽ khai báo y tế, các chiến sĩ bộ đội biên phòng sát khuẩn tay, đo thân nhiệt cho khách. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch khi đón du khách trở lại. Bà Yến Oanh cho biết: “Ngày thường thì Nam Du đón khoảng 50- 70 khách, các ngày cuối tuần có thể tăng gấp 4- 5 lần”.

Chị Phan Thị Huê- kinh doanh dịch vụ du lịch xã An Sơn cho biết: “Chúng tôi bắt đầu mở cửa đón khách du lịch từ đầu tháng 1, đặc biệt lưu ý đảm bảo các biện pháp phòng dịch”. Với sự thân thiện của người dân, nguồn hải sản phong phú và cảnh quan xinh đẹp, Nam Du được ví như Vịnh Hạ Long miền Tây, sẽ là điểm đến lý tưởng trong dịp Tết này.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, giáo dục và những vấn đề khác cũng được quan tâm để nâng cao đời sống người dân xã đảo. Bà Yến Oanh cho biết: “Từ đầu năm đã khảo sát điều kiện học trực tuyến của các em. Khó khăn là xã đảo mạng chập chờn, một số học sinh thiếu thiết bị học. Rồi những em có thiết bị nhưng lại không biết sử dụng, vì vậy Xã Đoàn đã có lực lượng hỗ trợ đến tận nhà hướng dẫn các em học online”. Bà Oanh vui vẻ nói thêm: “Xã An Sơn đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới và đang chờ được thẩm định”.

Những xã đảo nông thôn mới là minh chứng cho đời sống vật chất tinh thần của quân và dân trên đảo ngày một tốt hơn. Khi tiềm năng của biển đảo được khai thác đúng, “biển bạc” sẽ không phụ lòng của những người yêu đảo.

Hòn Đốc hay còn gọi là Hòn Tre Lớn là đảo lớn nhất trong số 16 đảo nằm trong quần đảo Hải Tặc, cách đất liền 20km, rộng 11km2. Đảo Hòn Đốc có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nằm gần với đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia, nơi có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng giữa hai nước. Vùng biển khu vực đảo Hòn Đốc có tài nguyên hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao, nơi đây có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và du lịch dịch vụ biển.

 

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh