Có một mùa xuân "rất đẹp" trên biển đảo Tây Nam

Cập nhật, 06:33, Thứ Sáu, 21/01/2022 (GMT+7)
Chuyến hành trình thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo Tây Nam do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và các tỉnh phía Nam tổ chức, đã khép lại.
 
So với các năm trước, số lượng đại biểu tham gia ít hơn và chuyện “đi đứng” của đoàn cũng khác hơn vì tình hình dịch COVID-19. Một hành trình vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đầy đủ tinh thần, tình cảm của những người đất liền gửi đến biển đảo yêu thương. 
 
Chúng tôi đi để cảm nhận vẻ đẹp của biển đảo quê hương, sự vất vả của cán bộ chiến sĩ, của người dân các đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc, để càng yêu quý và trách nhiệm hơn với nhiệm vụ của mình. Hành trang mang theo không chỉ là quà Tết mà là cả tấm lòng của con người Việt Nam đối với biển đảo quê hương.
 
Kỳ 1: Đẹp vô cùng biển trời Tây Nam
 Một góc Nam Du nhìn từ trên cao.
Một góc Nam Du nhìn từ trên cao.
Tôi đã đi biển đảo không ít lần nhưng càng đi, càng ngắm, càng say sưa và yêu thêm dải giang sơn nhìn từ biển. Biển đảo đối với những người con đất liền không dừng lại ở đẹp mà còn thiêng liêng. Nơi ấy, có những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bám đảo, không ngại khó khăn gìn giữ biển trời quê hương mình. 
 
Một vòng qua các đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc, chúng tôi càng hiểu hơn thế nào là “biển bạc, rừng vàng”. Vẻ đẹp vô cùng ấy còn được tạo nên bởi những con người đang làm theo lời Bác dạy: “Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”.
 
“Phải lòng” biển đảo
 
Đoàn công tác Vĩnh Long do đồng chí Lê Thị Thúy Kiều- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, với 9 thành viên và là đoàn công tác nhiều đại biểu nhất trong chuyến đi. Với chúng tôi, mỗi hòn đảo trong vùng biển Tây Nam mang một vẻ đẹp riêng, thế mạnh và tiềm năng riêng. 
 
Đã nhiều lần đến với Phú Quốc nhưng tôi chưa bao giờ bớt hào hứng. Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam, với diện tích 576km2. Đảo dài 49km, đây là thành phố đảo đầu tiên của nước ta. Không phải bỗng dưng mà Phú Quốc được ưu ái gọi tên là đảo ngọc, Phú Quốc hấp dẫn kỳ lạ, như một thiên đường rực nắng giữa những hàng cây nhiệt đới xanh mát. Biển Phú Quốc trong xanh, cát mịn, bờ biển dài. Trước dịch COVID- 19, đảo ngọc đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, có không ít du khách trở lại đây nhiều lần vì lỡ “phải lòng” hòn đảo thiên đường này.
Ngọn hải đăng gần 100 tuổi trên đảo Hòn Khoai.
Ngọn hải đăng gần 100 tuổi trên đảo Hòn Khoai.
Đại úy chuyên nghiệp Đậu Hồng Sơn- Tiểu đội trưởng Tiểu đội Quan sát, Trạm Ra đa 605, Tiểu đoàn 551, đã làm việc tại 6/7 trạm ra đa Vùng 5 Hải quân. Đại úy Sơn quê ở Hà Tĩnh đã có 29 năm xa quê, sống cùng biển đảo. “Đối với tôi biển đảo là nhà, tôi đến đây khi vùng đất Phú Quốc này còn hoang sơ, hẻo lánh như hòn ngọc thô đến một Phú Quốc năng động xinh đẹp lộng lẫy như bây giờ”. 
 
22 giờ, tiếng còi Tàu 924 vang lên báo hiệu giờ xuất phát, điểm đến đầu tiên là xã đảo Thổ Châu. Sau khoảng 7 tiếng ngồi tàu, đảo Thổ Chu xã Thổ Châu, TP Phú Quốc (Kiên Giang)- hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc đón chúng tôi bằng cảnh Mặt trời mọc trên biển. Thổ Chu như người con gái quê đẹp tự nhiên không son phấn, lụa là. 
 
Ngắm Thổ Chu từ trên cao tôi nhìn thấy hòn Nhạn- nơi có điểm A1 trên đường cơ sở của Việt Nam. Đi bộ giữa đảo Thổ Chu để cảm nhận một màu xanh ngút ngàn ôm lấy con đường quanh co nhiều dốc, tạo nên bầu không khí mát lạnh ngay giữa trưa tháng Chạp. 
 
Thêm một ấn tượng khiến tôi cứ hẹn lòng đến Thổ Châu lần nữa là sự “giàu có” của thiên nhiên nơi đây. Tôi đã dành 10 phút để ngắm nhìn những thành viên trong đoàn “tranh thủ” câu cá trên Thổ Chu. 5 người câu thì cả 5 năm người đều bắt được cá, những con cá mó, cá mú, … tươi ngon giẫy đành đạch, hòa trong tiếng cười vui của mọi người.
 
Với tôi, quần đảo Nam Du (thuộc 2 xã An Sơn và Nam Du- huyện Kiên Hải (Kiên Giang) là “vịnh Hạ Long” của miền Tây, đặc biệt khi nhìn từ Hòn Mấu thì các hòn lớn nhỏ trong quần đảo ẩn hiện trên làn nước trong xanh. Quần đảo này có 21 hòn đảo lớn nhỏ ẩn hiện trong làn nước biển xanh trong biêng biếc. Nam Du có những nét riêng không huyền bí như Vịnh Hạ Long nhưng sôi động, bao la, ngọt ngào. 
 
Nhớ hoài Hòn Chuối, Hòn Khoai
 
Vùng biển Tây Nam còn có những hòn đảo với vẻ đẹp hoang sơ như những viên ngọc thô, mang vẻ đẹp rất riêng, mang tên gọi đơn sơ như con người xứ đảo. Hòn Chuối, Hòn Khoai, Hòn Đốc là hành trình “không thể nào quên” với nhiều người. 
 
Có trèo xuống những bậc thang giữa muôn trùng sóng, từ Tàu 924 di chuyển qua tàu nhỏ để vào được Hòn Khoai mới cảm nhận được phần nào những vất vả hiểm nguy của người lính đảo. Trong con sóng nhấp nhô, khoảng cách giữa hai tàu có khi chênh nhau bằng chiều cao của một căn nhà. Không ít thành viên trên tàu vật vã cùng con sóng, nằm dựa vào tàu nhỏ tiếp tục đón những cơn sóng nhấp nhô vào bờ. 
 
Hòn Chuối đẹp hoang sơ.
Hòn Chuối đẹp hoang sơ.
Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Nếu Hòn Khoai phải chuyển 1 lần qua tàu nhỏ thì khi đến Hòn Chuối đoàn chúng tôi phải chuyển tàu đến 2 lần. Đường lên Trạm Ra đa 615 là một thách thức với 303 bậc thang, có những bậc cao chừng 0,5m. Sau khi đi hết bậc thang là đoạn đường mòn rải đá, tiếp đó là con đường đan quanh co dốc đứng.
 
Đảo Hòn Chuối mưa ít, nắng nhiều với hai mùa gió rõ rệt. Chú Lê Văn Phương, người có hơn 27 năm gắn bó và sinh con đẻ cái trên hòn đảo này, chia sẻ: “Ở đây riết quen, mỗi năm dời nhà tới lui 2 lần theo mùa gió nhưng tôi yêu cái sự yên bình của hòn đảo này, rồi tình cảm con người với nhau, giữa quân với dân như một đại gia đình vậy. Tôi bám đảo, rồi các con tôi lớn lên cưới vợ gả chồng cũng ở đây”.
 
Quần đảo Hải Tặc có một vẻ đẹp thanh bình và hoang sơ trái ngược với cái tên của nó. Và ông Ba Nhàn- người có biệt danh là Rô bin xơn, năm nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn minh mẫn sống trên hòn Ụ. Biển xinh đẹp ôm trọn 16 hòn đảo lớn nhỏ, biển cho người dân trên hòn những món quà của tự nhiên- tôm cá. Nước biển trong veo, lội xuống có thể thấy rõ chân mình, thấy rõ cá bơi từng đàn dưới biển. 
 
Tôi đã đi để thấy, để hiểu hơn tầm quan trọng và yêu hơn biển đảo Tây Nam. Biển đảo cho cảnh quan xinh đẹp, cho ngư trường đầy ắp cá tôm để các dịch vụ du lịch, kinh tế biển đảo ngày càng phát triển góp phần xây dựng đất nước. Biển đảo tiền tiêu còn là nơi xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng- an ninh. 
Vùng biển Tây Nam của nước ta rộng 150.000km2, dài khoảng 450km, thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Trên mặt biển có hơn 153 đảo, trong đó có 46 đảo có người sinh sống.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: CAO HUYỀN