Có một mùa xuân "rất đẹp" trên biển đảo Tây Nam

Kỳ 2: Thổ Châu hôm nay

Cập nhật, 09:27, Thứ Hai, 24/01/2022 (GMT+7)

Tình quân dân như “cá với nước” là điều chúng tôi cảm nhận được khi đến thăm các đảo trong vùng biển đảo Tây Nam. Tuy nhiên, chúng tôi ấn tượng với vùng đất lịch sử - xã đảo Thổ Châu nơi quân và dân cùng gắn bó vượt qua khó khăn, để phát triển kinh tế, khống chế dịch COVID-19 xây dựng nông thôn mới. Một ngày đi dưới bóng mát của biển rừng Thổ Châu, nghe những câu chuyện về tình quân dân về những nỗ lực dựng xây xã đảo.

Trung đoàn 152 xây hồ nước ngọt phục vụ sinh hoạt của xã Thổ Châu.
Trung đoàn 152 xây hồ nước ngọt phục vụ sinh hoạt của xã Thổ Châu.

Quân dân một lòng chống dịch

Tình quân dân ở xã Thổ Châu có từ khi những hộ dân đầu tiên, trong đó có nhiều bộ đội xuất ngũ, tình nguyện ra đảo, xây dựng những chi bộ đầu tiên trên vùng biển đảo tiền tiêu này.

Theo bà Hồ Thị Giao Ha- Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, việc đi lại trên đảo khó khăn. “5 ngày/ lần có một chuyến tàu, nếu thời tiết bất lợi, biển động thì chuyến tàu ra đảo sẽ bị hủy và 10 ngày mới có 1 chuyến tàu. Muốn đến Thổ Châu phải ngồi tàu 7 giờ liền! Cũng chính vì sự xa xôi đất liền ấy nên điều kiện y tế của xã cũng khó khăn”.

Bà Hồ Thị Giao Ha cho biết: “Thổ Châu có hơn 540 hộ dân với gần 1.900 nhân khẩu. “Toàn xã đảo hiện có khoảng 200 F0, trong đó có một số đã khỏi bệnh. Vì y tế tuyến trên xa, nên chúng tôi luôn chủ động tiêm vắc xin để hạn chế tối đa người bệnh triệu chứng nặng, đồng thời hạn chế lây lan dịch bệnh”.

Chống dịch trên xã đảo không chỉ là việc riêng của UBND xã mà là sự kết hợp của chính quyền địa phương và các lực lượng quân đội. Bà Giao Ha cho rằng: “Thổ Châu cơ bản khống chế được dịch nhờ sự hỗ trợ tận tình của Trung đoàn 152, Trạm Ra đa 610, Đồn Biên phòng, Trạm Cảnh sát biển,… Các đơn vị không chỉ hỗ trợ khu cách ly, quà cho gia đình nhiễm COVID-19 khó khăn còn tham gia tuyến đầu chống dịch, tăng gia sản xuất hỗ trợ rau, cá thịt cho người dân”.

Thiếu tá Trương Ngọc Phong- Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 152 cho biết: “Trung đoàn 152 đóng quân Thổ Chu là đơn vị tiền tiêu bảo vệ biên giới biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Trong những năm qua trung đoàn xác định công tác sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ được Đảng ủy Bộ Tư lệnh quân giao cho, những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong năm 2021. Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên đảo đặc biệt là UBND và xã Thổ Châu thực hiện tốt công tác phòng chống dịch”. Cụ thể, Trung đoàn 152 đã cử 1 tổ y bác sĩ, hỗ trợ các lực lượng phương tiện trong quá trình phòng chống dịch”.

Tình quân dân, sự gắn kết với nhân dân còn được thể hiện qua những việc làm cụ thể cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Thiếu tá Trương Ngọc Phong dẫn chúng tôi tham quan một vòng Trung đoàn 152, tôi bị choáng ngợp bởi cảnh quan của trung đoàn, đặc biệt là hồ nước ngọt được trung đoàn xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2019. Thiếu tá Phong cho biết: “Dung tích 250.000m3, bảo đảm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân trên đảo”. Một thành viên trong đoàn trầm trồ “nhìn như Đà Lạt vậy”, vì hồ chứa nước ngọt được xây bên cạnh núi, tạo nên khung cảnh nên thơ. Bên kia hồ, trung đoàn đã tạo ra một dòng suối nhân tạo để cung cấp nước ngọt cho bà con.

Quân dân Vĩnh Long ở Thổ Châu

Xã đảo Thổ Châu có khoảng 10 hộ dân quê Vĩnh Long sinh sống và làm việc, trong đó có bộ đội, giáo viên,… Niềm vui của đoàn công tác Vĩnh Long là gặp gỡ những cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo có quê gốc Vĩnh Long đang sinh sống, làm việc tại đảo. Anh Lê Như Ý- phụ trách Ban Văn hóa xã hội ở UBND xã Thổ Châu đón chúng tôi với ánh mắt sáng ngời. Anh Ý tự giới thiệu: “Tôi quê Bình Tân, Vĩnh Long đây. Từ sáng nghe nói có đoàn các tỉnh phía Nam tới thăm, tôi lên đây đón. Tôi cũng lo vì tình hình dịch phức tạp, không biết tỉnh Vĩnh Long có đi không sự có mặt chúc Tết của đoàn công tác làm tôi rất xúc động”.

Anh Lê Như Ý là bộ đội xuất ngũ được chính quyền vận động ra xã đảo Thổ Châu định cư từ năm 1993. Anh chia sẻ: “Lúc đó có khoảng 30 hộ dân, đi lại khó khăn, điện đường trường trạm không có. Ba tôi tên Lê Trắc là bí thư chi bộ đầu tiên ở xã đảo này. Tôi cũng như những người Vĩnh Long khác đến đây vì muốn góp phần xây dựng bảo vệ biển đảo thiêng liêng”.

Gần 30 năm gắn bó với Thổ Châu, anh Ý xem đây là quê hương thứ 2 của mình. “Con và vợ tôi còn ở Vĩnh Long tôi cũng nhớ nhà lắm nhưng đợi nghỉ hưu tôi sẽ về quê, giờ còn khỏe cống hiến cho xã đảo này”- anh Ý chia sẻ dự định.

Là người con của quê hương Vĩnh Long gần 2 năm công tác ở đảo xa, Thiếu tá Trương Ngọc Phong luôn xác định vững chắc ngay từ đầu cán bộ và nhân dân trên đảo quê Vĩnh Long luôn đồng lòng. Hàng năm tôi hợp mặt các hộ dân quê Vĩnh Long để động viên, hỗ trợ bà con nhân dân quê Vĩnh Long trên đảo gặp nhiều khó khăn”- Thiếu tá Trương Ngọc Phong cho biết.

Trong khó khăn tình cảm quân dân nơi đảo tiền tiêu càng ấm nồng hơn, các lực lượng quân đội thường xuyên hỗ trợ người dân về vật chất lẫn tinh thần. “Trong năm qua, trung đoàn đã trao những phần quà cho các gia đình chính sách khó khăn với giá trị không lớn nhưng mang tình cảm dân và quân trên đảo”- Thiếu tá Trương Ngọc Phong cho biết.

Sau chuyến hành trình, Thổ Châu để lại cho chú Tống Thanh Phong- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long nhiều kỷ niệm, chú chia sẻ: “Ấn tượng nhất khi thăm đảo Thổ Chu cuộc sống bà con ổn định hơn và rất yêu quý bộ đội”.

Tết năm nay xã Thổ Châu đón xuân thu hẹp vừa đảm bảo vui xuân vừa phòng chống dịch. Các lực lượng quân đội, UBND xã đã động viên người dân đón xuân vừa phòng dịch. Đến nay, xã Thổ Châu đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới.

Đảo Thổ Chu thuộc xã Thổ Châu, TP Phú Quốc (Kiên Giang) là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc, đảo rộng 14km2, cách Phú Quốc 110km, điểm cao nhất so với mực nước biển là 164m. Thổ Chu là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu. Trong đó, đảo Hòn Nhạn 2.000m2- là điểm A1 trên đường cơ sở của Việt Nam.

 

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: CAO HUYỀN