Về miền sông nước

03:10, 25/10/2020

Hoàng hôn buông xuống, mặt trời khuất hẳn sau rặng bần xanh, gà đã lên chuồng thì người dân cù lao cũng chấm dứt hoạt động của một ngày. Những chiếc đèn dầu được người lớn châm dầu cẩn thận, việc này hiếm khi để trẻ con làm vì chúng bất cẩn sẽ bị bỏng, rất dễ cháy nhà. 

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Chiếc phà góp phần quan trọng thay đổi diện mạo cù lao.
Chiếc phà góp phần quan trọng thay đổi diện mạo cù lao.

Sự bất tiện khi không có điện

Hoàng hôn buông xuống, mặt trời khuất hẳn sau rặng bần xanh, gà đã lên chuồng thì người dân cù lao cũng chấm dứt hoạt động của một ngày. Những chiếc đèn dầu được người lớn châm dầu cẩn thận, việc này hiếm khi để trẻ con làm vì chúng bất cẩn sẽ bị bỏng, rất dễ cháy nhà.

Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu, những mái đầu trẻ con chụm lại viết bài, đọc sách, đứa lớn dạy đứa nhỏ. Có bạn muốn nhìn rõ hơn, kéo đèn quá gần về phía mình, nhiều khi đang học nghe mùi tóc cháy khét lẹt.

Người lớn thỉnh thoảng châm thêm dầu, vặn tim đèn lên cao khi thấy nó lụn dần. Nhà khá giả thì có được cái đèn măng sông (rất hiếm), nhưng chỉ thắp sáng được một lúc cho vui nhà vui cửa vì nó rất hao tốn nhiên liệu. Nếu có việc cần ra ngoài ban đêm thì dùng lá dừa phơi khô bó lại thành đuốc.

Cả xóm mới có một nhà sắm nổi cái ti vi đen trắng. Những ngày có cải lương, hồ quảng, hát bội thì trong xóm không khác gì ngày hội. Một tuần hai ngày, thứ tư có hồ quảng hoặc hát bội, thứ bảy có cải lương. Những ngày còn lại trong tuần xen kẽ có phim, kịch, ca nhạc,… nhưng những loại hình này người dân miền quê không thích xem.

Thường họ thích hồ quảng hoặc hát bội hơn, vì nghệ sĩ hát tuồng ngoài giọng ca hay còn phải có kỹ thuật biểu diễn, từ cách hóa trang đến kỹ năng hình thể đều tập dượt rất công phu, kèm theo nhạc cụ sôi động nên rất hấp dẫn người xem. Hơn nữa, chủ nhà không mở ti vi mỗi đêm vì đi sạc bình (nạp điện) cũng rất gian nan.

Cái bình ắc quy nặng trĩu phải mang xuống xuồng chở vượt sông hơn hai ký lô mét qua chợ mới có chỗ sạc, đến ngày hẹn qua lấy về, tiết kiệm điện từng chút, nên chỉ mở những ngày có cải lương tuồng cổ. Chiều ông, bà sai cháu đi “dọ thám” trước hỏi xem chủ nhà tối nay có mở truyền hình không. Nếu có, thì họ mừng, vội vã lấy lá dừa bó đuốc, chuẩn bị cho bữa ăn tinh thần.

Buồn nhất là khi đang coi mà bình hết điện, mọi người ra về. Biết rằng tuồng xưa tích cũ quá quen thuộc, nhiều người biết rõ cái kết của các nhân vật, nhưng điều họ mong muốn là mắt được nhìn nghệ sĩ, tai được nghe lời ca tiếng hát. Và những lúc như thế họ ra về trong sự tiếc nuối, những ánh đuốc tỏa ra khắp nẻo đường nhưng bớt đi tiếng nói, cười.

Sự thông tin liên lạc cũng là vấn đề nan giải. Nỗi lo lắng cho người thân ở xa luôn hiện diện trong lòng mỗi người vì không có cách nào biết được thông tin. Nếu gia đình nào có hữu sự thì cử người đến từng nhà báo tin hoặc “có đi ngang nhắn giùm”, nếu ở xa quá thì cho hay sau. Thường thì xuống đò có gặp người quen đi chợ nhờ lại bưu điện bỏ thư giùm. Do vậy mà những thông tin về nhau không kịp thời, nên có những chuyện biết thì đã muộn.

Nông thôn đổi mới

Trước kia đất cù lao không giữ được nước nên việc canh tác nông nghiệp rất khó khăn. Kinh tế dựa vào cây lúa (Quới Thiện) và cây lác (Thanh Bình), còn đất vườn thì đa số là vườn tạp, hoặc trồng cây ăn trái xen lẫn mỗi loại một ít, dùng để ăn trong gia đình, chủ yếu sản xuất theo kiểu “tự sản, tự tiêu”, chỉ khi nào ăn không hết mới đem đi chợ bán, nhưng số lượng để bán cũng rất ít.

Do địa hình cách biệt, người dân cù lao chỉ biết bươn chải với ruộng đồng, sông nước để sinh tồn. Mỗi năm chỉ làm một vụ lúa, gặp năm thất mùa thì bà con tản đi nơi khác làm thuê.

Sự thay đổi canh tác bắt đầu từ khi đê bao được khép kín. Khi nguồn nước chủ động tưới tiêu, người dân chuyển từ đất ruộng sang lập vườn và trồng cây ăn trái theo hướng chuyên canh. Những mảnh vườn trước đây trồng theo kiểu phục vụ gia đình cũng bắt đầu được cải tạo lại. Nông dân bước đầu thay đổi tư duy từ việc sản xuất “tự sản, tự tiêu” chuyển sang sản xuất “hàng hóa” có giá trị.

Một sự kiện lớn đã làm thay đổi toàn diện vùng đất này. Vào khoảng năm 2001, điện lưới quốc gia được kéo về cù lao. Sự kiện này làm nức lòng người dân sinh sống tại cù lao và những người con xa xứ.

Những đêm đầu tiên có điện, người dân cù lao hầu như không ngủ vì vui mừng, và cũng vì thứ ánh sáng trắng lạ lẫm từ lâu chỉ để dùng cho người dân thành thị. Những người cao tuổi mỗi khi nhắc đến chuyện này gương mặt họ không giấu sự sung sướng, ngạc nhiên và khen ngợi: “Thiệt tình là nằm mơ cũng không thấy!”, “Cù lao nằm giữa sông như vầy mà kéo điện về được. Lớp trẻ bây giờ thiệt là giỏi!”,…

Có điện, hàng loạt những tiện ích mà nó mang lại đã giải phóng sức lao động của người dân rất nhiều. Chỉ cần một thao tác nhẹ nhàng, đóng cầu dao điện, là toàn bộ vườn cây sẽ được cung cấp nước bằng hệ thống tưới phun.

Hình ảnh người nông dân nhọc nhằn với chiếc gàu, thùng vòi hoa sen trĩu nặng trên đôi tay lam lũ xách nước tưới cây đã lùi vào quá khứ. Công việc nội trợ của phụ nữ cũng đỡ vất vả bội phần, có thể làm nhiều việc cùng một lúc mà vẫn chu toàn, đó cũng là một bước đệm để họ có điều kiện bước chân ra xã hội.

Khoảng cách giữa cù lao và đất liền không còn là vấn đề nan giải, dường như được xích lại gần hơn. Hai bến phà Quới Thiện và Thanh Bình hoạt động liên tục trong ngày, khách phương xa đi, về trong khoảnh khắc. Đường giao thông nông thôn ở cù lao được mở rộng và nhựa hóa, xe bốn bánh lưu thông dễ dàng.

Những ngày vào vụ trái cây, thương lái đến tận vườn thu mua, những chiếc xe tải ngược xuôi vận chuyển trái cây cho ta cảm giác như đang ở đất liền vậy. Trải qua vài thập kỷ, nông dân cũng đã chọn lọc được những loại cây ăn trái có giá trị, thích hợp thổ nhưỡng nơi đây và sầu riêng, bưởi da xanh, xoài,… được xem như đặc sản của vùng đất này.

Đi dọc theo trục đường chính từ Thanh Bình lên Quới Thiện, đâu đâu cũng nhìn thấy màu xanh, cao cao là màu xanh của cây ăn trái, lưng chừng là màu xanh của cánh đồng lác, dưới thấp là màu xanh của đám tắc (tứ quý) và lá cau vàng. Thấp thoáng dưới cánh đồng lác đang thu hoạch, vài khách tây đang vui vẻ trải nghiệm công việc của nông dân. Một vài hộ cũng đã bắt đầu làm du lịch homestay.

Trường học được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Ngôi trường ngày xưa “hai gian lá đơn sơ, che trên tấm sân vuông” chỉ còn lại trong ký ức của những người ông, người bà. Học trò cù lao bây giờ đến trường bằng xe đạp, chân mang giày, áo quần tinh tươm, sạch sẽ. Giáo viên nơi khác không còn ngại về cù lao công tác.

Chợ Thanh Bình và Rạch Vọp giờ rất sung túc, hàng hóa đủ loại, đáp ứng nhu cầu người dân địa phương, không cần phải đi xa. Cuộc sống tiện nghi không khác gì so với những hộ trong đất liền.

Bây giờ chỉ cần vài giây là người dân cù lao thoải mái trò chuyện với con, cháu học tập, lao động ở nước ngoài, chỉ cần nửa giờ đồng hồ ngồi phà là đã qua được đất liền. Hai lĩnh vực quan trọng là điện và giao thông được quan tâm và đang dần hoàn thiện. Bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới và thay đổi từng ngày, kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên, nhiều gia đình vươn lên khá giả.

Trên chuyến phà về lại đất liền, xe cộ, con người, hàng hóa chen chúc. Tuy có chật chội nhưng chẳng ai tỏ vẻ khó chịu mà trái lại, mỗi người một vẻ rất đáng yêu. Khách phương xa tranh thủ quay video ghi lại chuyến hành trình đến với miền quê sông nước.

Người trẻ thì đùa giỡn với bạn bè bằng cách gọi FaceTime những giỏ trái cây sầu riêng, măng cụt,… cho bạn bè nhìn thấy mặc sức hít hà. Người có tuổi thì không ồn ào nhưng không giấu được niềm vui khi nhìn thấy con, cháu không còn vất vả như ông, bà của chúng. Những giỏ trái cây đầy ắp mang cả hương vị ngọt lành của tình đất, tình người cù lao vốn được xem là thân thiện, hiếu khách được chuyển đến muôn nơi.

Cù lao được khoác lên mình chiếc áo mới và đang thay đổi từng ngày. Một niềm tin đặt vào lớp trẻ, trong tương lai không xa, sẽ khơi dậy những tiềm năng, lợi thế của vùng đất này trở thành một địa điểm du lịch sinh thái tuyệt vời.

Phà rời bến, cù lao xa dần, tôi ngoái đầu nhìn lại, một dải đất màu xanh lọt thỏm giữa bốn bề sông nước mênh mông trắng xóa, trông như một bức tranh. Có lẽ không nơi nào đẹp bằng quê hương mình, với tôi, cù lao đã đẹp và sẽ còn đẹp hơn. Chiếc phà chạy đi, những vệt sóng dài để lại phía sau, như người đi lòng vẫn còn lưu luyến chốn này.

Tháng 7/2020

Bài, ảnh: THANH HUYỀN

 

 (Tiếp theo kỳ trước và hết)

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh