Về miền sông nước

Cập nhật, 19:03, Thứ Ba, 20/10/2020 (GMT+7)

 

Quê hương tôi nằm bên dòng sông Cổ(1)

Đất phù sa châu thổ Cửu Long Giang

Mời anh ngồi tạm một chiếc đò ngang

Trong giây lát anh về thăm Quới Thiện.

Bài thơ còn dài, nhưng lâu quá rồi tôi chỉ còn nhớ khổ thơ đầu. Những khổ thơ sau giới thiệu về địa danh, đồng lúa, cây trái, về con người vùng đất cù lao hiền hòa. Tôi không biết tác giả, tôi đọc được trên tờ báo tường năm tôi học lớp sáu (năm 1977) của bạn nào đó sưu tầm. Tôi rất thích những câu thơ trên, rất có vần, có điệu. Một lời giới thiệu về quê hương cùng với lời mời nhẹ nhàng, lẫn trong đó có sự thân thiện, hiếu khách của người dân quê tôi. Nhưng, thơ ca thì luôn thi vị, còn hiện thực, đó là thời điểm những năm đầu giải phóng, để đến được Quới Thiện không thể nói là trong “giây lát”. Với thế hệ 6X, tôi đã cảm nhận được sự khó khăn, vất vả của người dân trên mảnh đất này.

Gian nan đường đến trường tìm con chữ

Năm tôi bước vào lớp sáu, trường cấp hai đặt ở Rạch Vọp- trung tâm của xã- cách nhà tôi khoảng bốn ký lô mét. Một khoảng cách quá xa đối với những bước chân nhỏ bé của tôi. Đường đến trường là con đường đất nhưng vẫn không được nối liền mà còn rất nhiều đoạn đứt khúc. Có những đoạn lớn người dân cắt thân cây dừa đặt vào khoảng đứt làm “cầu ngầm”, còn đoạn nhỏ thì chạy lấy trớn phóng qua hoặc không phóng qua nổi thì chấp nhận lội sình. Gặp bữa nước lớn, không còn cách nào khác, tay cầm tập vở giơ cao khỏi đầu rồi bơi qua mấy cái khúc đứt. Đến lớp học, đứa nào quần áo ướt nhem nhưng tập vở khô ráo thì vẫn vô tư ngồi học.

Những năm ấy dân cư thưa thớt, xa xa mới có một căn nhà, hầu hết là nhà lợp lá, nền đất, sử dụng nước sinh hoạt từ những con rạch nhỏ dẫn vào trồng lúa, trồng lác. Nhà nào khá giả mới sắm được vài cái lu mái đầm chứa nước mưa để uống dần. Vậy mà bọn học sinh chúng tôi ghé xin nước uống hàng ngày. Đi đường xa giữa trời nắng nóng, gặp nước mưa mát lạnh, bọn tôi uống ừng ực. Bác chủ nhà nhìn tụi nhỏ thấy thương quá, nhắc nhở: “Uống từ từ thôi con, bác không sợ hết nước đâu, sợ tụi bây đang mệt mà uống gấp quá bị sặc đó chứ!”

Trường cấp hai tôi học cũng chỉ có ba phòng học và một văn phòng. Mọi thứ đều tập trung vào văn phòng như: chứa đồ dùng dạy học, là nơi cất giữ sách giáo khoa cho học sinh mỗi cuối năm học (học sinh không mua sách, nhà trường cho mượn), dành cho giáo viên nghỉ giữa các tiết dạy hoặc hội họp,… Chỉ có văn phòng và một phòng học được xây tường, nền xi măng nhưng cũng đã cũ kỹ, loang lổ, còn lại hai phòng học lợp bằng lá và nền đất, ngăn cách bởi tấm vách ván nhưng cũng không kín lắm, nhiều khe hở, giáo viên lớp bên đây giảng bài, học trò lớp bên kia vẫn nghe rõ. Cũng vì tấm vách ngăn không kín nên có lần lớp tôi bị bắt “bùa” không sót một đứa. Cô bộ môn cho lớp tôi làm kiểm tra một tiết. Cô đọc đề bài rồi dặn làm bài nghiêm túc. Cô đi ra ngoài khoảng nửa giờ mà không thấy cô trở lại, lớp tôi bắt đầu rục rịch. Mấy bạn không thuộc bài lấy tập để dưới hộc bàn chép lia, chép lịa. Không ngờ thầy dạy lớp kế bên nhìn qua kẽ hở của tấm ván, đợi cao điểm, thầy bước qua lớp tôi, thò tay vào hộc bàn lấy quyển tập đang mở ra để lên bàn, em này rồi đến em khác, hết chối cãi, tất nhiên là bị đánh dấu bài trừ điểm. Thầy trở về lớp thầy, bọn tôi mới nghiệm ra, bọn tôi bị cô “gài”, cô cố tình đi ra ngoài nhưng nhờ thầy coi chúng tôi có trung thực hay không. Kể từ đó, bọn tôi cảnh giác với tấm vách ngăn đó, chỗ nào có kẽ hở là mấy bạn lấy giấy chèn vô cho kín, để ông thầy không còn chỗ nhìn qua.

Thầy, cô trường tôi đa số là người địa phương, hiếm có giáo viên nơi khác đến. Có lẽ do cách biệt với đất liền, phương tiện đi lại khó khăn nên thầy, cô không chọn nơi này làm điểm đến. Giáo viên thiếu nhiều, có khi một giáo viên phải dạy hai môn (Sử- Địa), hay như môn ngoại ngữ (duy nhất tiếng Pháp), cô dạy tôi là giáo viên dạy cấp một biết ngoại ngữ nên cô kiêm luôn dạy tiếng Pháp cho học sinh cấp hai. Hồi ấy còn nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được cuộc sống khó khăn của thầy, cô. Trên con đường chúng tôi đến trường, gặp thầy xách thùng “đi ngoéo cua” ngoài bờ ruộng khi không có giờ lên lớp, hay gặp cô đang “mần cỏ lúa” là chuyện bình thường. Có hôm trời mưa, thầy xắn quần đi dạy, đến trường xuống cầu rửa chân mới biết quên đem theo đôi dép. Vào lớp thầy nói lý do, xin lỗi học trò vì sơ suất, nhưng rồi thầy nói vui: “Trò chân đất thì thầy cũng chân đất. Nhìn vô mới biết chúng ta là thầy trò chứ!”

Con đường dạy chữ và học chữ của thầy trò quê tôi vất vả đến vậy, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được lòng nhiệt thành, tình thương yêu của thầy, cô dành cho đám học trò nhỏ nhiều thiệt thòi; ngược lại, học trò chúng tôi vẫn dành cho thầy, cô sự lễ phép và lòng kính trọng.

Đò giang cách trở

Người dân cù lao có hai hình thức di chuyển: đường bộ và đường thủy; đường bộ đúng nghĩa chỉ đi bộ bằng chân. Con đường chúng tôi đến trường là trục đường chính (còn gọi là lộ giữa hay lộ cái) mà còn nhiều đoạn đứt khúc như vậy, còn đa số là không có đường đi mà đi trên bờ mẫu (là ranh giới giữa những thửa ruộng trồng lúa, trồng lác); đường thủy phổ biến là dùng xuồng chèo, nhà nào khá lắm mới sắm được tam bản gắn động cơ. Cù lao giống như hòn đảo. Sự kết nối với đất liền hết sức khó khăn. Nếu ở trung tâm xã như Rạch Vọp thì có đò chạy Vũng Liêm, Vĩnh Long nhưng cũng mỗi ngày một chuyến. Do đó, nếu khách phương xa có qua Quới Thiện thì phải nghĩ ngay đến phương án ở lại qua đêm, đợi hôm sau mới trở qua được đất liền.

Đối với nơi xa trung tâm xã như đầu cù lao thì đò từ Quới An qua rước khách. Đò khởi hành lúc ba giờ sáng tại chợ Quới An, chạy băng sông qua cù lao, thường khách tập trung ở vàm Phước Lý và cầu Đình. Rước xong khách cù lao đò chạy băng qua sông trở lại bên Trường Thọ (Quới An) rước khách dọc xuống Vũng Liêm. Tùy theo con nước, xuôi dòng hoặc ngược dòng mà đò tới sớm hoặc trễ, nhưng vẫn trong khoảng năm giờ rưỡi đến sáu giờ sáng, để kịp cho người dân trao đổi bán ít trái cây nhà vườn, mua vài nhu yếu phẩm cần thiết, khám chữa bệnh, tám giờ đò về, hơn mười một giờ trả xong khách ở cù lao, chủ chạy đò về bến Quới An neo đậu.

Tuyến đường Vĩnh Long cũng vậy, đò bên Quới An qua cù lao rước khách, tuyến đường xa nên đò khởi hành khoảng một giờ sáng, đến Vĩnh Long cũng khoảng từ năm đến sáu giờ. Nhưng rất ít khách cù lao đi chợ “Vãng Long”, đôi khi qua rước không có khách, vừa tốn nhiên liệu, vừa mất thời gian nên chủ đò cũng không mặn mà qua cù lao rước khách. Gặp những lúc đò không qua rước, nếu khách có việc cần thiết không thể hoãn lại được, khách phải chờ thêm vài tiếng đồng hồ nữa đi đò qua Vũng Liêm hoặc đi xuồng vô Minh Đức (Cái Nhum) mới có tuyến xe lên Vĩnh Long.

Thương nhất là các em học sinh. Hết cấp hai, muốn học lên cấp ba phải đi qua huyện hoặc lên tỉnh. Ở độ tuổi mới lớn, mỗi lần về thăm nhà phải thức khuya để đi đò, thường là ba má canh giờ kêu dậy. Ba má biết ý, phải kêu sớm trừ hao, miệng thì “dạ, dạ” nhưng vẫn chưa tỉnh ngủ, thế là xuống đò cứ ngủ gà, ngủ gật.

Thỉnh thoảng cũng có xuất hiện những chiếc đò ngang và người lái đò “bất đắc dĩ”. Đó là những khi khách phương xa đến đây nhưng có việc cần phải về trong ngày. Những lúc ấy khách thường hay ra vàm sông để đón xuồng quá giang qua đất liền. Nắng chiều sắp tắt dần mà chưa quá giang được, khách nóng lòng, mạo muội gợi ý nhờ chủ nhà gần đó đưa qua sông. Chủ nhà tốt bụng thương cho khách “bị kẹt” bên cù lao nên đưa giúp. Khách qua sông gửi chút tiền công để tạ ơn, chủ nhà từ chối coi như “làm phước”.

Có những cô gái tận Rạch Giá, Cà Mau có chồng về làm dâu xứ này, sau cưới ở nhà chồng được vài hôm là khóc sưng cả mắt. Cù lao hẻo lánh, đêm buông xuống leo lét ngọn đèn dầu, đường về cha mẹ thì xa hun hút. Mẹ chồng động lòng trắc ẩn, cám cảnh thương con dâu cũng giống mình ngày xưa, thôi thì cho con trai theo về ở quê vợ. Đường xa cách trở, một hai năm con dâu mới về nhà chồng một lần, gặp nhau mừng rối rít nhưng câu cửa miệng vẫn là: “Từ Rạch Giá về đây “ngán” nhất là ngồi đò từ Vũng Liêm về cù lao”.

(1) Sông Cổ Chiên

(Mời xem tiếp trên VLCN)

Bài, ảnh: THANH HUYỀN