Trường Sa Lớn là điểm "áp chót" của hành trình trước khi đến thăm Nhà giàn DK1/20 và "thẳng tiến" về đất liền vào sáng hôm sau. Đây cũng là điểm đảo duy nhất tàu có thể cặp bến và là 1 trong 2 điểm đảo có dân cư sinh sống.
Các tin liên quan |
Trường Sa Lớn là điểm “áp chót” của hành trình trước khi đến thăm Nhà giàn DK1/20 và “thẳng tiến” về đất liền vào sáng hôm sau. Đây cũng là điểm đảo duy nhất tàu có thể cặp bến và là 1 trong 2 điểm đảo có dân cư sinh sống.
Những đứa trẻ vừa bập bẹ tiếng nói đầu đời đã tạm xa đất liền, theo cha mẹ ra đảo sinh sống, trở thành những công dân đặc biệt nơi đầu sóng ngọn gió, chứng minh cho sự kiên cường của dân tộc Việt Nam trong gian khổ, hy sinh.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền. |
“Quê em ở Trường Sa”
“Quê em ở Trường Sa, những đảo chìm đảo nổi, quê em có biển trời, bốn mùa xanh bao la, sinh ra ở Trường Sa, em là con của biển,…”- tiếng hát trong veo của bé Nguyễn Trần An Thuyên (10 tuổi) như lời “giới thiệu bản thân” ngọt ngào gửi đến người hậu phương, xua tan cái nóng rát da của Trường Sa những ngày tháng Tư.
Gần đó, vài đứa trẻ hồn nhiên chạy nhảy, ríu rít nói lời cảm ơn khi nhận được từng viên kẹo ngọt. “Hôm nay có khách đến thăm, tụi nhỏ vui hơn mọi ngày, chạy nhảy om sòm, chứ dưới cái nắng như cháy da này, người lớn còn hổng chịu nổi chứ nói chi mấy đứa nhỏ”- chị Bùi Thị Em nói.
Gia đình chị Em ra đảo sinh sống khoảng 1 năm, chồng chị là anh Phan Văn Thanh, tham gia lực lượng dân quân bảo vệ đảo. Anh chị có 2 đứa con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ vừa lên 4.
Ngoài gia đình chị Em, còn có 6 gia đình khác đều là dân Khánh Hòa, tổng số 23 nhân khẩu, trong đó có 9 trẻ em. Như gia đình anh Phan Văn Thanh, Lâm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Chương,… đều tình nguyện đưa vợ con ra đảo sinh sống.
Bé An Thuyên nói dù rất nhớ đất liền, nhớ bạn bè nhưng sẽ cố gắng học thật giỏi để lớn lên quay lại đảo làm “cô bộ đội hải quân”. An Thuyên là đứa trẻ lớn nhất ở đảo, đứa nhỏ nhất là con của chị Bùi Ngọc Em.
Trên đảo có trường tiểu học nên các bé được đến trường đàng hoàng, hết lớp 5 thì vào đất liền học tiếp. Ngôi trường tiểu học khang trang nằm kế bên doanh trại bộ đội hàng ngày vang tiếng ê a trẻ nhỏ, lời dạy của thầy về tình yêu quê hương, biển đảo.
Trên đảo, mỗi hộ dân được cấp nhà riêng theo số thứ tự, chế độ sinh hoạt cũng được Nhà nước chu cấp như bộ đội. Phụ nữ thì ở nhà lo việc nội trợ, chăm sóc con cái, chăn nuôi, trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn.
Chị Nguyễn Thị Phương Dung có chồng cũng là dân quân, cho biết, sống ở đảo chỉ xa người thân thôi chứ điều kiện sinh hoạt không thiếu thốn gì nhiều, máy quạt, tivi,… đều có đủ. Xung quanh còn khoảng đất trống trồng rau, nuôi thêm vài con gà, vịt cho vui
cửa vui nhà.
Duyệt đội ngũ chào mừng đoàn công tác. |
Theo anh Phan Văn Thanh, nhiệm vụ của dân quân tự vệ là phối hợp cùng bộ đội thường trực tuần canh, canh gác để bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhận thức rõ niềm vinh dự đó, anh Thanh và anh em dân quân luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, vất vả để sát cánh với bộ đội tạo nên thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
“Trên đảo, người dân và bộ đội sống chan hòa, đoàn kết. Trẻ em thì yêu thương nhau như anh em ruột. Ở đây, chỉ có khoảng cách địa lý giữa biển đảo và đất liền”- anh Thanh nói.
Theo quy định, mỗi hộ dân được ở đảo 5 năm. Những đứa trẻ như bé An Thuyên và gia đình của mình rồi cũng sẽ đến lúc phải rời đảo về đất liền, trở lại với cuộc sống trước kia, mang theo hương vị mặn mòi của biển cả, cùng nỗi nhớ Trường Sa da diết.
Lời thề ở Trường Sa
Cách đất liền khoảng 254 hải lý, đảo Trường Sa Lớn giống như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông.
Xung quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, giá trị cao nên nhiều tàu cá của bà con ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên,… ra đánh bắt. Vì thế, nơi đây đã in đậm dấu tích của người Việt Nam xưa, là căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
So với các điểm đảo khác, Trường Sa Lớn có quy mô khá bề thế, bờ kè chắn sóng được xây dựng kiên cố ở xung quanh đảo có thể chống chọi bão lớn, nổi bật là đường băng chạy dài hết đảo.
Cầu cảng dài hơn 150m như cánh tay vươn ra biển, hướng về đất liền, chào mời người hậu phương đến thăm. Trải qua hơn 3 thập kỷ sau ngày giải phóng, bộ đội và người dân đã xây dựng Trường Sa Lớn thành hòn đảo xinh đẹp, rợp bóng cây xanh, khẳng định ý chí và nghị lực kiên cường trong điều kiện khó khăn, gian khổ.
Những năm gần đây, Trường Sa Lớn đã được đầu tư nhiều công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như: sân bay, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm xá, trường học.
Theo Trung tá Trần Văn Quyển- Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, trên đảo còn có âu tàu neo được khoảng 90 tàu cá, bảo vệ bà con ngư dân và tàu cá an toàn trước những cơn bão dữ. Bên cạnh là các công trình như: nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà truyền thống, góp phần giáo dục lịch sử, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước của cán bộ, chiến sĩ và người dân.
Cạnh nhà tưởng niệm Bác Hồ là một công viên nhỏ, ở giữa là 4 câu thơ của bài “Nam quốc sơn hà” được khắc trên đá- như lời tuyên ngôn, khẳng định đanh thép về chủ quyền “sông núi nước Nam” đã “rành rành định phận tại sách trời” không thể thay đổi.
Người dân tập trung đón đoàn từ đất liền ra thăm. |
Xúc động nhất có lẽ là lễ chào cờ và duyệt đội ngũ tại khu vực đường băng, có sự tham gia của các lực lượng biên phòng, hải quân, dân quân tự vệ. Từng bước chân của người chiến sĩ hiên ngang giữa biển trời Tổ quốc, trong cái nắng như thiêu đốt. 31 năm trước, đảo Trường Sa Lớn vinh dự đón Đại tướng Lê Đức Anh ra thăm và dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955- 7/5/1988).
Vẫn còn nghe vang vọng lời Đại tướng: “Hải quân ta ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng sức lao động thông minh và sáng tạo, từ những chiếc thuyền gỗ có gắn máy mà đi lên, Hải quân ta đã tích cực trên các mặt trận chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Và không quên lời thề của Đại tướng: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa- một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Trời về khuya, cuộc chia tay Trường Sa Lớn rồi cũng phải diễn ra để kịp lúc tàu nhổ neo tiếp tục hành trình đến thăm nhà giàn. Trong giây phút lưu luyến, bịn rịn đó, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo tập trung đông đủ ở phía cầu cảng đưa tiễn bà con đất liền. Trong tiếng vỗ tay liên tục, mọi người cùng hát vang những bài hát hừng hực khí thế hành quân.
Trên tàu, mọi người tranh thủ từng chỗ trống để đứng ngắm trọn vẹn hòn đảo thân yêu của Tổ quốc thật lâu. Tiếng ai đó bắt nhịp rồi cùng nhau hô vang “Trường Sa vì kiều bào”, “Trường Sa vì cả nước”, “Cả nước vì Trương Sa” lẫn trong tiếng sóng, gió biển thổi rì rào.
>> Kỳ cuối: Cột mốc chủ quyền giữa biển khơi
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin