Tháng Tư ra thăm Trường Sa

Cập nhật, 06:01, Thứ Tư, 08/05/2019 (GMT+7)

Đúng 5 giờ chiều 14/4/2019, tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-490 hú 3 hồi còi chào đất liền rồi tiến về phía biển, khởi động hành trình hơn 1.000 hải lý từ Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Dưới cầu cảng, hai hàng chiến sĩ hải quân nghiêm trang đứng vẫy chào đến khi tàu xa dần.

Có người lần đầu đến với “Thủ đô biển, đảo Việt Nam”, có người đã năm bảy lần đến đây mà lòng vẫn đong đầy cảm xúc yêu thương, tự hào.

Kỳ 1: Tiếng gọi Trường Sa, tiếng gọi từ Tổ quốc

Trong đoàn, ngoài hơn 150 đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Y tế, tỉnh Yên Bái, tỉnh Vĩnh Long, các cơ quan báo chí, còn có 55 kiều bào từ 19 quốc gia như: Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Israel, Thái Lan, Lào, Campuchia,…

Chuyến đi mang hơi ấm hậu phương đến nơi đảo xa, kết nối người Việt trên toàn thế giới.

Chiến sĩ hải quân đứng ở cầu cảng chào tiễn đoàn ra khơi.
Chiến sĩ hải quân đứng ở cầu cảng chào tiễn đoàn ra khơi.

Kiều bào vì Trường Sa

Đối với phần lớn kiều bào, đây là lần đầu tiên được đến với Trường Sa. Có người phải vừa trải qua chuyến bay hàng chục ngàn cây số đã vội vã lên tàu ra Trường Sa mà “lòng vui như trẩy hội”.

Tranh thủ ghi lại khoảnh khắc đẹp khi tàu vừa nhổ neo.
Tranh thủ ghi lại khoảnh khắc đẹp khi tàu vừa nhổ neo.

“Tôi may mắn được đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng đến nay đã 70 tuổi rồi mới có cơ hội đến với Trường Sa. Dù vừa trải qua chuyến bay mấy chục giờ liên tục nhưng được ngắm nhìn biển trời Tổ quốc là quên hết mệt mỏi”- ông Vũ Hữu Nam (Việt kiều Cộng hòa Czech) chia sẻ.

Theo ông Lương Thanh Nghị- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Trong 8 năm qua, đã có gần 500 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới cùng tham gia hành trình đến Trường Sa, mang hơi ấm đất liền, tình cảm yêu thương đến với quân, dân đang ngày đêm bám biển,
giữ đảo.

Sau mỗi chuyến đi, cảm xúc thêm đong đầy, tình yêu quê hương càng nồng nàn, to lớn hơn. Qua đó, nhiều tổ chức về Trường Sa lần lượt ra đời như: CLB Trường Sa tại CHLB Đức, quỹ Vì biển đảo quê hương tại Cộng hòa Pháp, Hàn Quốc, Singapore,…

Việc lan tỏa tình yêu quê hương, tuyên truyền về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng ngày càng dày đặc, mạnh mẽ hơn.

Kiều bào trên khắp thế giới có thêm kênh thông tin để nắm rõ, hiểu hơn tình hình đất nước, về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó có những đóng góp thiết thực, chung tay cùng bà con cả nước hướng về biển, đảo.

Việc chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và Nhà giàn DK1 được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm sâu sắc. Không chỉ thực hiện chính sách quân đội, nhiều hoạt động chăm lo cho con em, người thân bộ đội hải quân cũng diễn ra thường xuyên hơn.

Ông Lương Thanh Nghị cho biết, sau chuyến đi vào cuối năm 2018, “CLB Trường Sa- Nhà giàn DK1- Hành trình của trái tim” ra đời và chính thức đi vào hoạt động. 5.000 cuốn lịch về Trường Sa vừa in xong đã bán hết. Số tiền dùng để hỗ trợ con em chiến sĩ vơi bớt khó khăn.

Trước chuyến đi này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tặng 30 suất học bổng cho con em chiến sĩ đang công tác tại các đảo và nhà giàn.

“Tôi yêu tiếng nước tôi”

Bà Kim Liên (bìa trái) thể hiện giọng hát của mình từ đài chỉ huy tàu.
Bà Kim Liên (bìa trái) thể hiện giọng hát của mình từ đài chỉ huy tàu.

Từ đài chỉ huy của tàu kiểm ngư, qua hệ thống phát thanh nội bộ, bà Nguyễn Thị Kim Liên (Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan) cất giọng hát ngọt ngào, da diết: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời…”- bà Kim Liên từng đoạt giải tại cuộc thi “Tôi yêu tiếng nước tôi” toàn ASEAN.

“Được hát trong một không gian đặc biệt, trong một hành trình đặc biệt như thế này là điều vô cùng hạnh phúc. Liên tưởng đến hình ảnh những người chiến sĩ hải quân vì nhiệm vụ phải xa gia đình nhưng vẫn kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, tôi vô cùng xúc động và tự hào”- bà Kim Liên nói.

Đoàn kiều bào Thái Lan gây ấn tượng với mọi người vì hầu hết thành viên tham gia hành trình đều là phụ nữ và đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”.

Đối với họ, đây thật sự là chuyến đi “để đời”, là giấc mơ đã trở thành sự thật. Bà Kim Liên cho biết, 4 năm nay, kiều bào ở tỉnh Udon Thani (Thái Lan) thường tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa.

Dù sống xa quê hương nhưng bà con luôn giữ gìn nét truyền thống của dân tộc, tự hào là “con Rồng cháu Tiên”, con cháu Bác Hồ.

Cũng như nhiều kiều bào sống xa quê hương khác, nữ giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde theo gia đình đến Mỹ định cư lúc 5 tuổi, nói: “Hòa nhập vào cuộc sống, môi trường giáo dục mới, có lúc tôi quên cả tiếng Việt Nam lẫn phong tục của mình. Đến lúc là sinh viên, tôi tự hỏi “nếu là người Việt Nam thì điều gì khiến mình nhận ra nguồn gốc bản thân?”

Nỗi nhớ quê hương như một lẽ tự nhiên đưa Giáo sư Kiều Linh đến với hành trình tìm lại nguồn cội bằng cách trở về Việt Nam tham gia vào nghiên cứu lịch sử, quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là kiều bào với quê hương.

Thành quả của hành trình đó là cuốn sách “Transnationalizing Vietnam” nói về cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Bà cũng tích cực tham gia vào các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam và đang có kế hoạch thành lập Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Đại học UC Davis.

Theo Giáo sư Kiều Linh, ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, có những gia đình gốc Việt chỉ 1 thế hệ sinh sống nhưng cũng có gia đình đã định cư ở đó đến 3- 4 thế hệ.

Dù vậy, các gia đình vẫn quan tâm giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, dạy cho con cái biết rành tiếng mẹ đẻ để giữ lại “gốc gác nguồn cội” nơi xứ người.

Hơn 40 năm sống xa quê hương, Giáo sư Kiều Linh luôn trăn trở vì các thông tin về biển đảo Trường Sa ở nước ngoài còn hạn chế.

Bà nói trên tàu được ở cùng nhiều nữ Việt kiều đến từ nhiều quốc gia. Mọi người chia sẻ đồ ăn, thức uống, kể chuyện cuộc sống, phong tục từng nơi cho nhau nghe làm bà ngạc nhiên và thích thú lắm! Vì thế, chuyến đi này có ý nghĩa lớn lao, là “cơ hội vàng” kết nối người Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là được “tai nghe mắt thấy” Trường Sa như thế nào.

Kỳ 2: Bình minh trên đảo Sơn Ca

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH