Tặng nhà cho con trai có đòi lại được không?

07:04, 11/04/2023

Tôi có 3 con gái và 1 con trai. Trong các con, đứa con trai duy nhất này tôi rất vừa ý vì nó ngoan và chăm lo học hành nên tôi quyết định ở chung với nó khi về già. Các con gái lớn đã lập gia đình ở riêng. Vì thấy mình tuổi cao nên vợ chồng tôi đã làm thủ tục sang tên nhà đất cho đứa con trai từ khi nó chưa cưới vợ.

Tôi có 3 con gái và 1 con trai. Trong các con, đứa con trai duy nhất này tôi rất vừa ý vì nó ngoan và chăm lo học hành nên tôi quyết định ở chung với nó khi về già. Các con gái lớn đã lập gia đình ở riêng. Vì thấy mình tuổi cao nên vợ chồng tôi đã làm thủ tục sang tên nhà đất cho đứa con trai từ khi nó chưa cưới vợ.

Nhưng sau khi con tôi cưới vợ, vợ nó không quan tâm chăm lo cho gia đình và cha mẹ chồng. Vợ tôi bệnh không thể tự nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa nhưng con dâu tôi không ngó ngàng đến mẹ, không chăm lo nhà cửa, nó chỉ biết lo bản thân mà thôi. Vợ chồng tôi đang lo rằng mai này căn nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) không còn do vợ chồng tôi đứng tên, chúng tôi sẽ có thể không còn được ở yên trong nhà. Hiện giấy chứng nhận QSDĐ này vẫn còn một mình con tôi đứng tên. Vì vậy, tôi muốn kêu con trai tôi sang tên căn nhà trả lại vợ chồng tôi, sau đó tôi sẽ làm di chúc để lại cho nó. Nhưng không biết như vậy có được không?

L.V.T. (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Như ông trình bày, QSDĐ và căn nhà ông bà đang ở đã được ông bà tặng cho và sang tên cho con trai từ khi chưa lấy vợ. Theo khoản 1, Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Như vậy, QSDĐ và căn nhà nói trên được xem là tài sản riêng của con trai ông, nếu hiện tại con trai của ông chưa nhập tài sản riêng này vào tài sản chung của vợ chồng, QSDĐ và căn nhà vẫn được xem là tài sản riêng của anh ấy. Anh ấy có quyền định đoạt đối với tài sản riêng của mình.

Tuy nhiên, việc con của ông có chịu thực hiện thủ tục sang tên trả lại cho ông bà hay không còn tùy thuộc vào quyết định của anh ấy. Khi tặng cho QSDĐ cho con trai ông bà không đặt ra điều kiện gì và con của ông bà đã đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ ổn định nhiều năm. Theo khoản 16, Điều 3 Luật Đất đai: Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Do vậy, trước mắt ông bà nên trao đổi với con trai về ý định trên. Nếu anh ấy đồng ý thì tiến hành thủ tục tặng cho ông bà để ông bà đăng ký đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ, còn nếu anh ấy không đồng ý thì ông bà không thể đòi lại QSDĐ và căn nhà đã tặng cho con trai mình trước đây.

Khoản 1, Điều 459 Bộ luật Dân sự quy định: Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

HT tư vấn

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh