Đối tượng cắt dán "biến" vé số trật thành trúng rồi đem đổi thưởng với những người bán vé số dạo.
(VLO) Đối tượng cắt dán “biến” vé số trật thành trúng rồi đem đổi thưởng với những người bán vé số dạo.
Tờ vé số được N. cắt dán ở dãy số hàng chục cho trùng khớp với kết quả số xố. |
Theo Công an huyện Trà Ôn, thời gian gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện một số đối tượng sử dụng vé số giả để lừa đảo đổi tiền hoặc vé số của những người bán dạo.
Đa phần “con mồi” các đối tượng nhắm đến là những người già, trẻ em, người khuyết tật. Thủ đoạn này tuy không mới nhưng gây ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình an ninh trật tự, thiệt hại kinh tế cho những người mưu sinh bằng công việc chân chính.
UBND xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,5 triệu đồng đối với L.T.N. (SN 1962, ngụ xã Bình Phước, huyện Mang Thít) do đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngày 24/7, N. đến ấp Phú Mỹ (xã Tân Mỹ) thì gặp N.D.P.L. (SN 2012) đi bán vé số dạo nên tìm cách tiếp cận. N. nói có tờ vé số trúng giải tám và muốn đổi thưởng.
Để đứa bé tin tưởng, N. mua thêm 5 tờ vé số mới và nhận thêm 50.000đ là đủ 100.000đ tiền đổi số trúng. Không chút nghi ngờ, L. làm theo yêu cầu của N., cho đến ngày hôm sau mới phát hiện đã gặp phải kẻ gian.
Ngay sau đó, L. cho người thân biết sự việc, đồng thời tìm kiếm N. đưa về Công an xã Tân Mỹ làm việc. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, N. phải thừa nhận hành vi sai trái và khai ra toàn bộ sự việc.
Theo đó, người phụ nữ này đã dùng thủ đoạn cắt dán, làm giả con số ở dãy số hàng chục cho trùng khớp với kết quả sổ xố Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 23/7 rồi tìm người bán vé số dạo để xin đổi thưởng.
Cũng với thủ đoạn tương tự, ông N.V.B (ngụ xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) bị 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 200 tờ vé số. Ông B. là người khuyết tật, cuộc sống khó khăn, hằng ngày phải ngồi xe lăn bán vé số.
Ông cho biết, ngày 2/8, ông đến khu vực gần vòng xoay Trà Ôn bán vé số thì có 2 thanh niên đến xin đổi 2 tờ vé số trúng thưởng giải năm (mỗi vé trúng 1 triệu đồng). Số tiền trúng thưởng quá lớn so với số tiền ông B. hiện có, vậy là 2 đối tượng gợi ý “đổi ngang” bằng cách mua lại 200 tờ vé số mới.
Tưởng gặp “khách sộp”, ông B. đồng ý và đem ngay đến đại lý đối thì tá hỏa khi biết 2 tờ vé số là giả. Tiếp nhận tin báo của ông B., cơ quan công an tiến hành điều tra, truy tìm đối tượng.
2 tờ vé số bị các đối tượng làm giả kết quả và đem đổi thưởng với ông B.. |
2 tờ vé số bị các đối tượng làm giả rất tinh vi, đầy đủ các kí hiệu dấu in chìm của các chữ số. Theo Công an huyện Trà Ôn, điều này cho thấy các đối tượng lừa đảo có sự chuẩn bị rất kỹ và và chọn thời điểm “ăn mồi” lúc trời mờ sáng hoặc buổi chiều tối vì khó phát hiện vé số giả.
Ngoài ra, còn có những thủ đoạn khác như các đối tượng chọn mức thưởng thấp, vé chỉ sai một hoặc hai số có nét gần giống với kết quả rồi dùng viết vẽ thêm nét “biến” thành số trúng.
Ví dụ số 3 được vẽ thêm nét thành số 8, số 1 vẽ thành số 4, số 5 thành 6. Hay thủ đoạn in 1 tờ kết quả xổ số đã được chỉnh sửa 1 giải khớp với tờ vé số định đổi, các đối tượng lợi dụng lúc người bán không để ý sẽ nhanh tay nhét tờ này chồng lên trên tờ kết quả xổ số đúng của người bán và báo mình trúng số, đề nghị đổi thưởng.
Các thủ đoạn này rất tinh vi, nếu người bán vé số mất cảnh giác, thiếu kiểm tra thì rất dễ bị lừa đổi vé số giả.
Đa số người bán vé số dạo có hoàn cảnh khó khăn, họ phải lặn lội khắp nơi bán từng tờ vé số, mong kiếm chút đồng lời trang trải cuộc sống nhưng lại gặp đối tượng nhẫn tâm lừa đảo.
Qua các sự việc vừa nêu, Công an huyện Trà Ôn khuyến cáo người bán vé số nên chú ý các đối tượng có biểu hiện nghi vấn và cần kiểm tra kỹ các thông tin vé số trúng. Nếu có nghi ngờ thì nhờ mọi người xung quanh hỗ trợ kiểm tra hoặc báo cho cơ quan công an gần nhất.
Bài, ảnh: N.THỊNH- P.THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin