Kéo nhau ra tòa vì... hụi

Cập nhật, 14:32, Thứ Sáu, 10/03/2023 (GMT+7)

(VLO) Hụi là hình thức huy động vốn phổ biến trong nội bộ nhân dân, dựa trên sự tự nguyện giữa hụi viên và đầu thảo (chủ hụi).

Nhờ hụi, nhiều người tích lũy được vốn lo cho gia đình, đầu tư kinh doanh nhưng hụi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi khi chủ hụi hoặc hụi viên không thực hiện đúng cam kết hoặc cố tình thực hiện hành vi gian dối dẫn đến thưa kiện kéo dài.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp vốn, quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Đồng thời Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định quy định cụ thể hơn về hoạt động của hình thức này.

Dù vậy, thực tế vẫn diễn ra nhiều vụ tranh chấp do hụi viên không thực hiện đúng cam kết buộc chủ hụi phải nhờ đến tòa án giải quyết, như vụ “Tranh chấp hợp đồng góp hụi và đòi lại tài sản” của bà T. (ngụ huyện Vũng Liêm) vừa được TAND huyện Vũng Liêm xét xử. Bà T. là chủ hụi, còn bà G. là hụi viên.

Quá trình tham gia các dây hụi do bà T. làm đầu thảo, cũng vì không thể xoay xở tiền đóng hụi theo kỳ hạn nên bà G. nợ chủ hụi hơn 196 triệu đồng. Bà G. làm tờ cam kết sẽ trả số nợ trên cho bà T., có ông H. (chồng bà G.) cùng ký tên.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, bà G. chỉ trả cho bà T. được 14,9 triệu đồng, còn lại hơn 181 triệu đồng. Ngoài ra, bà G. còn nhờ chủ hụi mượn giùm 1 chỉ vàng 24K cũng không trả nổi.

Sự việc kéo dài, địa phương tiến hành hòa giải không thành, bà T. làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu vợ chồng bà G. phải có trách nhiệm trả cho bà số tài sản trên.

Tại buổi hòa giải, ông H. thừa nhận có nợ số tiền và vàng như vừa nêu, nhưng đến khi ra tòa, ông H. lại “trở mặt” nói không biết.

Ông cho rằng, bà G. là người trực tiếp chơi hụi và mượn vàng, ông chỉ biết sự việc khi chính quyền địa phương mời hòa giải. Khi đó, ông có ký cam kết cùng vợ trả nợ nhưng chỉ là “hỗ trợ một phần”.

Do đó, bà T. yêu cầu ông phải trả hơn 181 triệu đồng và 1 chỉ vàng 24K (tương đương 5 triệu đồng), tổng cộng hơn 186 triệu đồng thì ông không đồng ý.

Tại tòa, HĐXX nhận định việc ông H. thay đổi lời trình bày là không phù hợp nội dung biên bản hòa giải và tờ cam kết. Trong khi đó, bà G. thừa nhận có nợ số tiền này và đồng ý trả.

Do đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T., buộc vợ chồng bà G. phải có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn hơn 186 triệu đồng.

Tương tự là trường hợp của ông Đ.V.L. (ngụ huyện Bình Tân) do nể tình chỗ quen biết nên cho hụi viên nợ số tiền lớn dẫn đến tranh chấp.

Theo đó, bà T.T.T.V. là hụi viên nhưng không đóng “hụi chết” đầy đủ, ông L. thấy hoàn cảnh bà V. khó khăn nên đóng thay.

Mãn hụi, ông L. “kết sổ” thì bà V. nợ ông 151 triệu đồng. Chủ hụi làm biên nhận cho hụi viên ký tên và cam kết mỗi ngày trả 300.000đ đến khi hết nợ.

Sau đó, bà V. trả cho ông L. 26 triệu đồng, còn lại 125 triệu đồng đòi nhiều lần không trả nên ông L. làm đơn kiện ra tòa. Quá trình giải quyết vụ án, tòa nhiều lần triệu tập nhưng bà V. đều vắng mặt không lý do.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, trong đó có biên nhận nợ giữa chủ hụi và hụi viên, HĐXX nhận định việc bà V. thiếu ông L. số tiền trên là có thật.

Do vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà V. phải trả cho ông L. số tiền này.

Có thể thấy, hụi là hình thức đầu tư sinh lời nhưng sẽ rủi ro nếu chủ hụi không trung thực hoặc hụi viên không thực hiện đúng cam kết.

Do vậy, quá trình tham gia các dây hụi cũng cần có những giấy tờ mang tính ràng buộc pháp lý để khi xảy ra tranh chấp hay vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi có thể nhờ đến pháp luật giải quyết, không để xảy ra tình trạng “tiền mất, tức mang”.

TRUNG HƯNG