Hụi là hình thức huy động vốn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau tích lũy vốn và được pháp luật bảo vệ. Dù vậy, nhiều hụi viên do thân thiết với chủ hụi nên chỉ giao dịch dựa vào lòng tin mà không cần giấy tờ chứng minh, đến khi phát sinh tranh chấp phải kéo nhau ra tòa đòi quyền lợi thì đã quá muộn.
(VLO) Hụi là hình thức huy động vốn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau tích lũy vốn và được pháp luật bảo vệ. Dù vậy, nhiều hụi viên do thân thiết với chủ hụi nên chỉ giao dịch dựa vào lòng tin mà không cần giấy tờ chứng minh, đến khi phát sinh tranh chấp phải kéo nhau ra tòa đòi quyền lợi thì đã quá muộn.
Năm 2016, chị Th. (ngụ Vũng Liêm) tham gia dây hụi trị giá 2 triệu đồng do vợ chồng anh X. và chị M. làm “đầu thảo”. Dây hụi này có 28 phần, chị đăng ký hốt ở lần khui hụi thứ 26.
"Trừ 800.000đ hoa hồng cho đầu thảo, phần tôi được lãnh là 51,2 triệu đồng. Vậy mà chị M. chỉ giao cho tôi được 34 triệu rồi nín luôn”- chị Th. kể và cho biết đã nhiều lần đòi 17,2 triệu đồng còn thiếu nhưng chủ hụi vẫn không thực hiện đúng cam kết nên làm đơn kiện ra tòa.
Tại tòa, vợ chồng chị M. tham gia với tư cách là bị đơn, thừa nhận việc chị Th. tham gia dây hụi trên là thật nhưng hốt hụi ở lần khui thứ 26 là không đúng.
“Tôi không nhớ lúc chị Th. kêu hốt hụi thì còn bao lâu nữa mới mãn hụi. Tôi đã giao hết tiền hụi cho chị Th. từ năm 2018, còn chị Th. kêu hụi và hốt hụi được bao nhiêu, đã nhận được bao nhiêu tiền thì tôi không nhớ”- chị M. trình bày, đồng thời không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Về phần mình, chị Th. cung cấp cho HĐXX danh sách hụi, cùng tờ giấy ghi vỏn vẹn mấy chữ: “26 phần chết = 52.000.000, còn lại 29.200.000”.
Căn cứ vào các tình tiết, nội dung trong quá trình giải quyết vụ việc, HĐXX khẳng định hợp đồng góp hụi giữa chị Th. và vợ chồng chị M. là có thật. Như vậy, theo quy định tại khoản 2, Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, đây là những tình tiết, sự kiện nguyên đơn không phải chứng minh.
Tại biên bản đối chất, chị M. thừa nhận tờ giấy có nội dung như vừa nêu là do chị viết, ngoài ra không có bất cứ chứng cứ gì chứng minh cho ý kiến của chị là có căn cứ và hợp pháp.
Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng, quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ và gửi các tài liệu chứng cứ nhưng chị M. không cung cấp, có nghĩa chị đã từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình.
Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc vợ chồng chị M. phải có trách nhiệm trả cho chị Th. 17,2 triệu đồng. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà chưa thi hành án xong thì hàng tháng phải trả lãi theo quy định tại khoản 2, Điều 468 Bộ luật Dân sự.
Cuối cùng, vụ việc cũng được giải quyết thỏa đáng dựa vào quy định của pháp luật với những tài liệu, chứng cứ rõ ràng. Đây cũng là bài học để người dân cân nhắc khi tham gia hụi, tránh trường hợp giao dịch dựa vào lòng tin, rất dễ phát sinh tranh chấp phải thưa kiện kéo dài làm mất thời gian, quyền lợi đôi bên.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin