Kỳ cuối: Phát huy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

11:03, 23/03/2018

Để ngăn ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã ra đời và nhân rộng tại nhiều địa phương. Nhiều vụ án đã nhanh chóng được đưa ra ánh sáng cũng nhờ sự cảnh giác, tố giác của người dân.

Để ngăn ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã ra đời và nhân rộng tại nhiều địa phương. Nhiều vụ án đã nhanh chóng được đưa ra ánh sáng cũng nhờ sự cảnh giác, tố giác của người dân.

Nhiều mô hình, cách làm hay góp phần đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm. Trong ảnh: Mô hình cổng rào an ninh trật tự.Ảnh: TL
Nhiều mô hình, cách làm hay góp phần đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm. Trong ảnh: Mô hình cổng rào an ninh trật tự.Ảnh: TL

Bảo đảm an ninh trật tự

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh thời gian qua được giữ ổn định.

Có được thành quả này, một phần do phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được duy trì và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng chống tội phạm.

Nhiều nơi đã tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng chống tội phạm, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật và vận động gia đình, người thân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng hộ gia đình, khu dân cư an toàn.

Từ năm 2012 đến nay, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an trên 10.000 nguồn tin có giá trị, giúp điều tra, làm rõ trên 6.000 vụ vi phạm an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, bắt và xử lý trên 7.300 đối tượng, chuyển hóa thành công 17 địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, cảm hóa trên 14.000 người lầm lỗi, vận động 125 đối tượng truy nã ra đầu thú.

Riêng năm 2017, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an trên 2.500 tin báo tố giác tội phạm phục vụ tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Thực hiện Thông tư 23 của Bộ Công an về xây dựng khu dân cư, xã- phường- thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, cơ sở thờ tự đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Đại tá Huỳnh Thanh Mộng- Phó Giám đốc Công an tỉnh- cho rằng, việc áp dụng các tiêu chuẩn theo Thông tư 23 đã kịp thời giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở, chuyển hóa được những địa bàn phức tạp, nhất là những trường hợp phát triển đạo trái luật, khiếu kiện đông người, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm

Theo BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, sau hơn 10 năm xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng công an đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo, củng cố và duy trì hoạt động của 19 mô hình phòng chống tội phạm, thành lập mới 82 mô hình, nhân rộng 78 mô hình.

Hoạt động của các mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phòng chống tội phạm như: đèn trước ngỏ, mõ trong nhà; tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer đoàn kết phòng chống tội phạm ở địa bàn dân cư; CLB xe honda khách phòng chống tội phạm; phòng chống bạo lực học đường; trường học an toàn không có tội phạm, không có ma túy; quản lý, giúp đỡ người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng,…

Theo ông Sơn Tài- Trưởng Ban Quản trị chùa Hạnh Phúc Tăng (chùa Săngkhamăngcol, ấp Trung Trạch, xã Trung Thành- Vũng Liêm), từ khi mô hình “Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer đoàn kết phòng chống tội phạm ở địa bàn dân cư” đi vào hoạt động đã nêu cao được tinh thần đoàn kết, đấu tranh phòng chống tội phạm trong đồng bào dân tộc.

Bà con đã nêu cao ý thức trong việc theo dõi, giám sát các đối tượng nghi vấn, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh, bà con còn hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc quản lý các đối tượng được tha tù, cải tạo không giam giữ và đối tượng gây rối trật tự, giúp họ tự tin tái hòa nhập vào cộng đồng.

Anh Danh Hoàng Giỏi (ấp Trung Trạch) từng có tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, sau khi mãn hạn tù trở về địa phương được chính quyền và bà con hàng xóm thường xuyên gặp gỡ, động viên nên anh dần xóa bỏ mặc cảm và tìm được việc làm ổn định.

Anh Danh chia sẻ: “Lúc mới ra tù chỉ quanh quẩn ở nhà không dám gặp ai vì mắc cỡ lắm. Cũng nhờ mọi người thương, giải thích cho mình hiểu cái sai nên phải cố gắng hoàn lương, chí thú làm ăn để giúp đỡ gia đình”.

BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng tổ chức xây dựng phong trào tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Theo đó, tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đến nay, đã có 532 cơ quan, 227 doanh nghiệp và 300 trường học đăng ký tiêu chí an toàn về an ninh trật tự. Những nơi này còn củng cố lại lực lượng bảo vệ, tự vệ cơ quan và xây dựng mô hình “Tự phòng, tự quản”.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động của BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- yêu cầu lực lượng công an và cơ quan chức năng tiếp tục mở các đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm và củng cố các mô hình phòng chống tội phạm.

Bên cạnh, vận động các đối tượng bị truy nã ra đầu thú; cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ,… góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và tái phạm.

Bài, ảnh: NHÓM PV NỘI CHÍNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh