Lúa mùa nổi chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi (còn gọi mùa lũ), chiếm diện tích lớn nhất ở vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm tỉnh An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ) và Đồng Tháp Mười (gồm Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).
Lúa mùa nổi chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi (còn gọi mùa lũ), chiếm diện tích lớn nhất ở vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm tỉnh An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ) và Đồng Tháp Mười (gồm Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).
Thu hoạch lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. |
Hạt lúa sạch do nông dân trồng theo truyền thống. Từ những năm 1980, 1990 được người dân trồng nhiều, nhưng sau này giống lúa cao sản cho năng suất cao hơn, vòng đời ngắn nên đã đẩy bật lúa mùa.
Để bảo vệ nguồn gen lúa quý, Viện Biến đổi khí hậu, Trường đại học An Giang đã sưu tầm, bảo tồn thành công “Kho lúa” lưu giữ nét đặc thù một vùng văn hóa, sinh thái và môi trường ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long.
Hạt gạo phù sa
Tại tỉnh An Giang lúc trước diện tích trồng lúa mùa nổi là hơn 300.000 ha nhưng hiện nay còn khoảng 150 ha.
Ông Lê Tấn Nẫm, 64 tuổi, ngụ thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bồi hồi nhớ lại những bữa cơm hương vị gạo lúa mùa, hạt lúa mầu đỏ nhìn rất đẹp.
Khi vo gạo nấu cơm cho ra nước mầu đỏ lợt, phụ nữ không bỏ nước vo này mà dùng rửa mặt giúp da mặt mịn màng, ít mụn. Còn nước cơm rất bổ, người ta bỏ đường vào quậy lên cho trẻ em uống thay sữa.
Vụ lúa mùa năm 2023, chúng tôi về vùng Tứ giác Long Xuyên, từ một vùng bát ngát lúa sạch, nay chỉ còn rải rác.
Ông Nguyễn Văn Đông, ngụ xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn đang thong dong chống xuồng trên cánh đồng nước kiểm tra chiều cao thân lúa chia sẻ, ông trồng lúa mùa hơn 20 năm, hầu hết nông dân đều trồng giống lúa Nàng Tây Đùm, tháng 6 dương lịch bắt đầu xuống giống để chờ nước nổi vào.
Do đất ruộng còn nhiễm phèn nên cua, ốc bươu vàng không sống nổi, vì thế lúa non không bị chúng cắn phá. Khi phù sa vào, đất phèn bị lắng xuống, nước ngọt vun bồi cho cây lúa vươn lên.
Trong hơn 5 tháng chờ lúa chín, nông dân nhàn rỗi thời gian làm thêm các việc khác. Tháng 11 khi nước nổi từ đồng rút ra sông cũng là lúc thân lúa ngã rạp chín trổ vàng bông.
Ông Đông cho biết thêm: “Chúng có ưu điểm nước cao đến đâu lúa vẫn vươn lóng vượt qua, mấy tháng trời ngâm mình trong nước ngấm chất ngọt phù sa, ngậm sương trời nên gạo sạch lắm”.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng có 3 ha đất trồng lúa mùa phân tích, vùng Vĩnh Phước như lòng chảo gom nước lũ về, khi sạ lúa, nông dân chỉ bón ít phân giai đoạn đầu còn lại cứ bỏ cho cây lúa tự phát triển cùng nước trời, cho nên còn gọi là “lúa trời”.
Với kinh nghiệm lâu năm, ông Hoàng nói, năm nào cánh đồng này ngập sâu hơn 1,7m, thân cây lúa sẽ cao hơn 2m, cho hạt to và trổ bông nhiều hơn. Còn năm nào lũ nhỏ, lúa cho bông nhỏ, năng suất kém hơn.
Do thân lúa cao tạo thành vùng đệm êm ấm kéo theo cá, tôm trú ẩn, chúng ăn côn trùng, sâu rầy phá lúa, cho nên nông dân khỏi tốn công phun xịt diệt rầy. Cá nhiều, nên cách vài ngày ông Hoàng giăng lưới bắt ăn lai rai. Đến cuối vụ, ông thu gom cá đồng, cá linh bán cho thương lái kiếm được mớ tiền.
Giải bài toán tiêu thụ lúa mùa
Vụ lúa năm 2023, lúa mùa bán giá 16.000 đồng/kg, gần gấp đôi lúa thường, cho nên nông dân trồng lúa có thu hoạch khá, trừ chi phí còn lời hơn 2 triệu đồng một công (0,1 ha).
Ông Hoàng cho biết, lúa mùa cho năng suất không cao như lúa cao sản nhưng lợi nhuận vẫn cao, do suốt vụ nông dân không phải dùng phân bón, thuốc trừ sâu.
Nhưng theo ông, quan trọng khi thu hoạch xong, nhà nông đốt đồng và những gốc rạ của thân lúa mùa bị cháy thấm vào đất thành lớp màu mỡ.
Từ lớp đất tốt tươi này, ông cho xới lên, trồng khoai mì, số nông dân khác trồng hoa màu như kiệu, ớt, bí hồ lô... rất trúng. Năm nào khoai mì giá tốt, ông Hoàng thu lợi một công hơn 3 triệu đồng…
Những nông dân ở xã Vĩnh Phước cho biết, nhờ đó họ có thu nhập khá nhưng đáng lo là hiện nay lũ thất thường, có năm nước về chậm, có năm nước thấp ảnh hưởng tới vụ trồng.
Và tuy là lúa sạch nhưng khó bán do giá cao và cũng rất kén người ăn, do vậy phải có nơi bao tiêu sản phẩm thì nhà nông mới mạnh dạn trồng.
Nhưng không trồng lúa mùa thì không có rơm rạ tốt làm nền cho vụ hoa màu, bao đời nay nông dân vùng này quen làm một vụ lúa mùa cùng hoa màu, nhưng lợi nhuận không kém gì lúa ba vụ mà việc đồng áng lại thảnh thơi hơn.
Thạc sĩ Lê Thanh Phong, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu có hơn 10 năm nghiên cứu, lai tạo lúa mùa giải thích, lúa mùa nổi cho gạo sạch nhưng khó bán đại trà, doanh nghiệp chưa mặn mà do hạt gạo nấu ra cơm hơi khô cứng, khó ăn.
Vì thế, lâu nay viện đang nghiên cứu cho ra giống lúa mùa đáp ứng các tiêu chí: gạo sạch, mùi thơm, mềm cơm. Và qua thời gian dài thử nghiệm với bao vất vả cùng với nhiều hỗ trợ từ các nhà khoa học, ông Phong cơ bản tạo được giống mới có mùi thơm, đang nghiên cứu thêm độ mềm dẻo để hoàn thiện đưa ra cho nông dân trồng.
Ông lý giải, khi giải được bài toán khó này thì vấn đề tiêu thụ lúa mùa không đáng lo, gạo sạch và ngon vẫn được thị trường trong và ngoài nước quan tâm.
Khi đó diện tích trồng lúa mùa sẽ tăng lên không chỉ ở tỉnh An Giang mà cả các tỉnh, thành phố khác, tăng thêm thu nhập bền vững cho nông dân.
Thấy rõ tầm quan trọng của lúa mùa, từ năm 2013 tới nay, tỉnh An Giang đã phối hợp cùng Dự án Quản lý nước và thích ứng biến đổi khí hậu (CCCEP) An Giang, thông qua tổ chức GIZ đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển hệ thống canh tác lúa mùa nổi, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh mở rộng diện tích lúa mùa nổi lên hơn 500 ha.
Nông dân xã Vĩnh Phước quá quen thuộc hình ảnh các nhà khoa học Trường đại học An Giang lội khắp đồng ruộng, ăn ở cùng nông dân tìm tòi lúa mùa, chọn giống chắt lọc nguồn gen.
Gắn bó với nhà nông, ông Phong nhận thấy nông dân trồng lúa mùa năng suất thấp, do giống thoái hóa nên tìm hiểu, phục tráng thành công giống lúa Nàng Tây Đùm nguyên bản.
Nhờ đó, nông dân thu hoạch hơn 3,3 tấn/ha thay vì từ 2 đến 2,5 tấn như trước đây. Hiện nay, Viện Biến đổi khí hậu đang bảo tồn hơn 300 giống lúa mùa nổi vùng châu thổ gồm: Nàng Pha, Nàng Tây Đùm, Tàu Binh, Chệch Cụt, Nàng Chồi, Nàng Chi, Bông Sen, Hương Lài... và nhiều giống lúa mùa của các nước khác.
Thạc sĩ Phong so sánh, qua phân tích các chỉ tiêu cho thấy gạo lúa mùa chứa hàm lượng vitamin B1 và vitamin E cao hơn nhiều so với các loại gạo khác, chỉ số đường trong gạo cũng rất thấp.
Ngoài ra, chúng có chứa các hợp chất hữu cơ tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt, tim phổi, bệnh xơ cứng động mạch, chống lão hóa...
Ông nhấn mạnh: “Lúa mùa có nhiều gen phong phú, tôi đam mê nghiên cứu vì nếu bỏ đi hay để mai một rất uổng. Lúa có khả năng thích nghi rộng từ vùng phèn đến ngập lũ, chúng có đặc tính sinh trưởng mạnh, nảy rất nhiều chồi, bụi, chịu ngập.
Vùng trồng lúa mùa tạo ra một không gian sạch, một nguồn nước sạch, đất không nhiễm thuốc bạc màu, từ đó kiến tạo dịch vụ hệ sinh thái để làm nền tảng khôi phục thủy sản tự nhiên. Và quan trọng nhất, giữ được nguồn gen lúa mùa sẽ giữ được phần hồn của mùa nước nổi”.
Theo THANH DŨNG/Báo điện tử Nhân dân