Đồng bằng và sạt lở

08:08, 16/08/2023

Những chuyến khảo sát vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình trạng sạt lở ở ĐBSCL, đồng thời ngay lập tức người đứng đầu Chính phủ đã có những chỉ đạo cấp bách trước mắt. 

 

Đê biển Tây tiếp tục bị sạt lở ở Cà Mau.
Đê biển Tây tiếp tục bị sạt lở ở Cà Mau.

Những chuyến khảo sát vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình trạng sạt lở ở ĐBSCL, đồng thời ngay lập tức người đứng đầu Chính phủ đã có những chỉ đạo cấp bách trước mắt.

Sau đó, sẽ là những nghiên cứu của các cơ quan hữu quan đề ra những giải pháp lâu dài; đó là những động thái tối quan trọng để cứu lấy đồng bằng.

Một đồng bằng lớn thứ 3 trên thế giới, được hình thành muộn nhất nhưng được các chuyên gia thế giới đánh giá là nguy cơ “biến mất” sớm nhất, nếu mọi thứ vẫn không thay đổi và diễn tiến tình trạng như hiện giờ. 6.000 năm đồng bằng chìm nổi, chúng ta phải làm gì để cứu lấy đồng bằng?

Đồng bằng đang đối diện 2 vấn nạn là vừa sạt lở, vừa bị sụt lún. Về sạt lở trên dòng sông Hậu, sông Tiền và những con sông huyết mạch như: Vàm Cỏ, Chợ Gạo, xáng Xà No; cùng với độ sạt lở nghiêm trọng dọc phía Biển Đông và Biển Tây. Còn sụt lún của đồng bằng thì cần cộng thêm chỉ số nước biển dâng sẽ ra thời gian đồng bằng chìm lút dưới biển.

Cần số hóa và vẽ ra bản đồ sạt lở của đồng bằng, dự báo những nguy cơ và di dời cư dân hơn là khi xảy ra sạt lở rồi mới di dời.

Đặc biệt, trước khi xác định nguyên nhân của từng khu vực sạt lở, cư dân đồng bằng cần thay đổi tư duy: “Nhất cận thị, nhị cận giang”, chính quyền các địa phương phải quy hoạch hành lang an toàn dọc các dòng sông, trong khi xây dựng các công trình, nhà ở ngày càng đồ sộ là áp lực tác động trực tiếp lên độ sạt lở cùng với các nguyên nhân khách quan khác.

Phải thay đổi ngay tập quán xây dựng nhà cửa sinh sống ôm sát các mé sông, các đầu cồn; chủ động phòng hơn là chống theo kiểu: “Mất bò mới lo làm chuồng”.

Khôi phục hệ thống rừng ngập mặn, rừng ngập ngọt của đồng bằng, các “túi nước tự nhiên” của Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười cùng với việc kiểm soát nghiêm ngặt khai thác cát sông và khai thác nước ngầm là những giải pháp cấp bách trước mắt cứu lấy đồng bằng đang chìm lún dưới mực nước biển.

Cùng những nghiên cứu khảo sát nội vùng, chúng ta cần có những cuộc khảo sát kết nối xuyên quốc gia và thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa vai trò trong Ủy hội sông Mekong, tạo nên những ràng buộc pháp lý của các quốc gia thụ hưởng chung hệ sinh thái dòng sông hùng vĩ này.

Một hệ sinh thái nhạy cảm dòng Mekong, nếu các quốc gia thượng nguồn không tôn trọng những quy luật tự nhiên, thì trước tiên là hạ nguồn ĐBSCL nhưng trước sau gì hậu quả cũng sẽ xảy ra dần ngược lên phía thượng nguồn.

Cần thiết những đoàn khảo sát chung giữa các quốc gia có dòng sông chảy qua, cần có những cảnh báo tổng thể và những giải pháp tổng thể mới mong giải quyết hiệu quả, triệt để vấn đề.

Những con đập thủy điện lấy đi lượng nước, lượng trầm tích cùng với đó hủy hoại cả hệ sinh thái dòng sông là những hậu quả không có con số lợi nhuận kinh tế nào có thể bù đắp nổi. Không thể xây dựng, phát triển những dự án kinh tế kiểu đánh đổi môi trường sinh thái một cách thô bạo được.

NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh