Tính đến nay, điểm nấu cháo từ thiện mang tên Hồng Phước do vợ chồng ông Lữ Văn Thư (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) trực tiếp đứng bếp được duy trì đều đặn 31 năm.
Tính đến nay, điểm nấu cháo từ thiện mang tên Hồng Phước do vợ chồng ông Lữ Văn Thư (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) trực tiếp đứng bếp được duy trì đều đặn 31 năm. Bếp cháo đỏ lửa suốt năm, chỉ tạm nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán, còn lại phục vụ miễn phí cho thực khách là những bệnh nhân, thân nhân ở các bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Long Xuyên.
40 năm trước, ông Thư cùng với ba vợ của mình sáng lập ra chuyến xe chuyển bệnh miễn phí đầu tiên của An Giang với tên gọi Hồng Phước.
Chuyến xe chuyển bệnh miễn phí lăn bánh một thời gian, gian bếp nấu cháo từ thiện cùng tên gọi ra đời, hoạt động song hành, phục vụ những suất cháo nóng miễn phí tặng cho người bệnh đang điều trị ở bệnh viện trên địa bàn TP. Long Xuyên.
“Nối nghiệp” làm từ thiện của gia đình, ông Thư vừa phụ trách công việc làm tài xế lái xe chuyển bệnh, vừa cùng vợ hàng ngày nấu và phát những suất cháo miễn phí tặng bà con. Ban đầu, số lượng gạo để nấu cháo mỗi ngày còn ít, khoảng 4 - 5kg.
Sau đó, tăng thêm dần, đến năm 2000 trở về sau, nồi cháo được duy trì khoảng 50 - 55kg gạo/ngày. Thực đơn cháo được thay đổi từ cháo lá dứa, cháo đậu, cháo trắng… ăn kèm với đường, muối tiêu, dưa muối được chuẩn bị tươm tất cho từng phần ăn.
Ông Thư cho biết, chủ trương ngay từ đầu khi thực hiện điểm nấu cháo từ thiện là không kêu gọi, vận động sự đóng góp của mọi người. Tuy nhiên, nhìn thấy tấm lòng của vợ chồng ông, người dân gần xa muốn góp sức để chung tay hỗ trợ, duy trì nồi cháo từ thiện.
Từ đó, mặc dù không có lời kêu gọi nào, nhưng cách vài ngày là trước nhà ông Thư có vài chục ký gạo, bao đường, hoặc bọc dưa leo... Mọi người âm thầm đóng góp, đôi khi chẳng cần lưu lại tên tuổi người ủng hộ. Nhờ vậy, chẳng những được duy trì mà nồi cháo từ thiện mang tên Hồng Phước ngày càng tăng thêm số lượng gạo nấu mỗi ngày.
Trước đây, cháo được nấu bằng lò trấu nên khoảng 2 giờ sáng là vợ chồng ông Thư phải thức dậy nhóm bếp, để đến 4 giờ sáng là cháo chín kịp ra lò, vận chuyển phân phát ở 4 điểm: Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Tim mạch An Giang, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang và tại nhà ông Thư.
Từ năm 2018 đến nay, điểm nấu cháo từ thiện Hồng Phước được hỗ trợ nồi nấu cháo bằng điện, nên công việc đỡ vất vả hơn, số lượng cháo nấu ra nhiều hơn.
Theo ông Thư, lúc trước vất vả vì phải nấu bằng trấu, phải canh chừng lửa suốt đêm, nay nấu bằng điện nên khỏe hơn nhưng tốn nhiều kinh phí. May mắn là nhờ được các nhà hảo tâm đồng hành, hỗ trợ thời gian qua mà nồi cháo miễn phí được duy trì, số lượng phục vụ nhiều hơn.
Dù nói là khỏe hơn, nhưng chỉ ở công đoạn nấu cháo, còn tất cả những công đoạn chuẩn bị thức ăn phụ… vợ chồng ông Thư phải làm từ đầu giờ chiều cho đến tận đêm khuya.
Hơn 2 giờ sáng là lật đật chuẩn bị ra cháo để những thành viên trong tổ phát cháo ở các bệnh viện đến nhận và phát sớm.
“Công việc nhiều, chỉ mỗi vợ chồng tôi thì đâu cán đáng nổi, cũng nhờ mọi người hỗ trợ. Lấy cháo, phát cháo, làm muối tiêu, dưa muối… mỗi người phụ một công đoạn.
Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang là điểm phát đông nhất nên cần huy động đến 13 người phụ phát từ 4 giờ sáng đến khoảng 6 giờ sáng là hết” - ông Thư chia sẻ.
Thời điểm dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, dù hoàn cảnh rất khó khăn, điểm cháo từ thiện Hồng Phước duy trì đều đặn.
Ông Thư cho rằng, những lúc khó khăn như vậy, càng phải tiếp sức để bà con để vượt qua, khi tấm lòng được trao đi thì bản thân cảm thấy vui và thanh thản.
Hàng ngày, các nguyên liệu được người dân ủng hộ, như: Dưa leo, đu đủ… đều được ông Thư tích trữ lại, đem muối để sử dụng lâu hơn, được dùng như một món ăn kèm với cháo.
“Làm công việc thiện nguyện này cũng có duyên lắm, đôi lúc bếp hết thứ gì là có người ủng hộ, hôm thì gạo, đường, có khi là tiêu, muối… lai rai mà được hỗ trợ hoài.
Nhờ vậy, bếp cháo mới duy trì được lâu dài đến hôm nay với số lượng ngày càng tăng” - ông Thư giải thích. Dù đã qua tuổi 60, ông Thư vẫn miệt mài gắn bó với công việc thiện nguyện này, dù có cực khổ, dậy sớm thức khuya nhưng đó là niềm vui cuộc sống đối với ông.
“Tôi nguyện gắn bó với công việc nấu và phát cháo miễn phí cho bà con. Có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, bà con còn cần, còn đón nhận những suất cháo nóng mỗi ngày, vợ chồng tôi sẽ nhóm bếp nấu ra những nồi cháo thơm ngon, phục vụ miễn phí cho bà con” - ông Thư chia sẻ. |
Theo Ánh Nguyên (Báo An Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin