Dấu ấn công trình khai thác Tứ giác Long Xuyên

Cập nhật, 23:33, Thứ Tư, 23/11/2022 (GMT+7)

 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát trước khi đào kênh T5. Ảnh tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát trước khi đào kênh T5. Ảnh tư liệu

“Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối... Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc” (trích Văn bia đầu kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5)).

Vùng đất “khỉ ho cò gáy”

Vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) thuộc ĐBSCL, được hình thành trên địa phận 3 tỉnh, thành phố: An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ (An Giang là 239.200ha, chiếm hơn 47% diện tích vùng TGLX; Kiên Giang 239.117ha). Bốn cạnh của tứ giác này là biên giới Việt Nam - Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu với 4 góc đô thị là TP Long Xuyên, TP Rạch Giá, TX Châu Đốc và TX Hà Tiên.

Vùng TGLX chủ yếu gồm 2 nhóm đất: đất phù sa và đồi núi chiếm gần 60% diện tích. Nhóm đất nhiễm phèn, mặn có cấu tạo từ trầm tích biển trẻ chiếm trên 40%, tập trung ở khu vực Bắc Hà Tiên. Thảm thực vật TGLX trước đây rất nghèo nàn, cây lúa nổi và rừng tràm chiếm ưu thế. Nhiều vùng đất hoang hóa phủ đầy cỏ năn, lác. Rừng tràm ở vùng Bắc Hà Tiên và An Giang bị tàn phá nhiều. Vùng đồi núi Tri Tôn, Tịnh Biên sau chiến tranh chỉ còn rừng thưa thớt, nghèo kiệt, bị xói mòn qua năm tháng. Nông nghiệp của vùng TGLX sau 1975 chậm phát triển, đời sống trong vùng gặp nhiều khó khăn.

Dưới tác động của dòng chảy sông Mekong cùng thủy triều biển Đông và biển Tây đã tạo ra chế độ thủy văn phức tạp của TGLX. Trong mùa khô, thủy triều biển Đông và nước sông Cửu Long được truyền khắp TGLX. Ngược lại, từ phía biển Tây, thủy triều cũng theo kênh rạch truyền sâu vào nội đồng TGLX. Vào mùa lũ, nước từ vùng trũng Campuchia tràn qua 7 cầu nằm trên lộ Châu Đốc đi Nhà Bàng, cùng với lượng nước lũ từ sông Hậu theo kênh, rạch chảy vào; làm cho TGLX ngập sâu từ 1 - 2,5m và kéo dài từ 3 - 5 tháng. Điều đáng quan tâm là lượng nước từ vùng trũng Campuchia tràn vào TGLX hơi chua và thường được gọi là “nước đen”, không mang theo phù sa, tạo thành sóng lũ dọc vận động theo hướng tây bắc- đông nam vuông góc với hướng dòng chảy từ sông Hậu ra biển Tây, tạo thành bức tường thủy lực ngăn cản dòng nước mang nhiều phù sa từ sông Hậu đổ vào TGLX.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với công trình thoát lũ ra biển Tây

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi xướng và để cả nhiệt tình, tâm huyết của mình vào các công trình vùng TGLX. Ông đã dành nhiều thời gian đi khảo sát thực địa, chủ trì nhiều cuộc tranh luận, hội thảo khoa học để đi đến quyết định mang tính đột phá và táo bạo là đào các hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây để xổ phèn, lấy nước ngọt và đẩy mạnh khai thác vùng TGLX. Đây là một quyết sách sáng suốt đầy trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Quyết định này đã làm thay đổi toàn bộ cục diện khai thác vùng đất phèn của TGLX. Và chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng, các công trình thoát lũ ra biển Tây đã phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội. Sau nhiều thời kỳ khó khăn, nước ngọt đã được dẫn về, lúa hai vụ, hoa màu, cây trái từng bước lấn dần cỏ dại, đồng hoang. Cũng nhờ có các con kênh, đường sá được mở mang, thị tứ, bệnh viện, trường học được xây dựng, bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân vùng TGLX khởi sắc. Có thể nói, hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây đã giúp khai phóng “rốn phèn”, biến vùng đất mà người dân vẫn thường gọi là “khỉ ho cò gáy” trở thành vựa lúa chính của ĐBSCL.

Việc khai thác vùng TGLX có thể phân thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 10 năm đầu (1988 - 1998) là thời kỳ tập trung khai thác vùng TGLX; trong đó từ 1988 - 1992 là thời kỳ đầu với nhiều khó khăn gay gắt, chủ yếu là khai hoang, phục hóa, tăng vụ. Nhiều chủ trương, giải pháp mới mang tính năng động, sáng tạo, đột phá, quyết liệt được các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ áp dụng. Giai đoạn 1993 - 1998 là giai đoạn khai thác vùng TGLX mang tính chiều sâu hơn, với việc Trung ương cùng với các địa phương đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, trong đó có các công trình thoát lũ ra biển Tây, các công trình thủy nông nội đồng, hệ thống giao thông và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng.

Giai đoạn thứ hai là từ 1999 đến nay, là giai đoạn đầu tư phát triển vùng TGLX theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhất là từ năm 2008 đến nay; tập trung cho việc thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thực hiện Quyết định 99/TTg (năm 1996) của Chính phủ, từ năm 1997, An Giang và Kiên Giang đã thực hiện nhiều công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương bị bồi lắng, phát triển giao thông nông thôn, tôn nền nhà vượt lũ nhằm khai thác vùng TGLX khi đó còn rất hoang hóa. Trong số các công trình thủy lợi thì các công trình thoát lũ ra biển Tây có ý nghĩa lịch sử và quan trọng, nhất là việc đào thêm các kênh T4, T5, T6… với tổng chiều dài hơn 100km băng qua khu vực Bắc Hà Tiên đổ vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên. Các con kênh T4, T5, T6 nối liền với kênh Vĩnh Tế để tăng cường khả năng thoát lũ ra biển Tây, giảm bớt chiều sâu và thời gian ngập lũ ở vùng TGLX, riêng kênh T5 dài 48km được khẩn trương khởi công và hoàn thành trong thời gian kỷ lục là 4 tháng. Con kênh này là trục chính trong số các công trình thoát lũ ra biển Tây, hạn chế ngập lụt đầu nguồn sông Cửu Long, đưa nước ngọt phù sa tưới tiêu, rửa phèn, khai mở vùng TGLX. Từ đó, đưa sản lượng lúa tăng gấp bội, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn trong vùng.

Trong số các công trình đó, kênh T5 - còn gọi là kênh Tuần Thống đã được người dân trong vùng thân thương gọi là “kênh Ông Kiệt”. Tại Kỳ họp lần thứ 14 năm 2009, HĐND tỉnh An Giang đã nhất trí đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt, nhằm tri ân công lao to lớn và tình cảm sâu đậm của ông với nhân dân trong vùng. Văn bia đặt tại đầu kênh Võ Văn Kiệt văn phong mộc mạc, ngắn gọn đậm chất Nam Bộ và lấp lánh ánh sáng của ân tình, ân nghĩa: “Nơi đây, ngày 25/7/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên đường đi khảo sát hướng thoát lũ ra biển Tây, đã lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân, trên dưới đồng lòng, hướng lớn tìm thấy. Ngay khi khai thông dòng kênh, nhân dân đã gọi là “kênh Ông Kiệt”; và: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối... Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc”.

Văn bia được ông Nguyễn Minh Nhị - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang lúc bấy giờ chấp bút với lòng biết ơn và xúc động sâu sắc. Cũng tại đầu kênh Võ Văn Kiệt, một công viên được xây dựng với bức tượng bán thân của vị Thủ tướng vì dân, vì nước. Nhớ ngày ông mất, chính quyền và nhiều gia đình ở đây đã tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ vị Thủ tướng đã tâm huyết với các công trình thủy lợi, giúp vùng TGLX giàu mạnh.

Năm tháng rồi sẽ trôi qua, nhưng tên tuổi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ luôn gắn liền với mảnh đất này, trong tim nhân dân vùng TGLX, với cuộc sống ở đây, của hôm qua - những khi ông dành nhiều thời gian, ngoài những công việc bề bộn của Chính phủ để thường xuyên đến An Giang, Kiên Giang trực tiếp chỉ đạo, của hôm nay và mai sau.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần về thăm Tứ giác Long Xuyên năm 1998.Ảnh: TL
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần về thăm Tứ giác Long Xuyên năm 1998.Ảnh: TL

Phấn đấu trở thành “nơi đáng sống”

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng TGLX luôn gắn với vai trò của nông dân, nhân tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Khi An Giang tiến hành chính sách “Tam nông” được coi là đầu tiên của cả nước thì nông dân được xác định là chủ thể của quá trình đổi mới, nên những chủ trương và giải pháp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn đã luôn gắn liền với việc phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo và quyền làm chủ của nông dân - lực lượng chiếm đa số ở nông thôn.

Các tỉnh trong vùng TGLX đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân thông qua việc tăng cường xây dựng lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực và năng suất tổng hợp của nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ một nền sản xuất mang tính truyền thống và bao cấp sang một nền nông nghiệp mang tính thị trường, sản xuất hàng hóa. Các tỉnh trong vùng đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng về kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, phòng chống thiên tai, đối phó với những rủi ro của thị trường. Để tăng thu nhập và tăng tính tích cực của nông dân, An Giang còn xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa “cấp” và “lấy” nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân, mối quan hệ của liên minh “công - nông” theo quy luật kinh tế, tạo mối liên kết trong quan hệ “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) nhằm phát huy tính năng động, tinh thần sáng tạo và quyền tự chủ của nông dân.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngày nay, với sản lượng trên 7 triệu tấn lúa/năm, TGLX đã thực sự trở thành vùng trọng điểm về lương thực của quốc gia. Vùng TGLX có biên giới hữu nghị với đất nước bạn Campuchia, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh của đất nước. Đã hình thành nhiều khu kinh tế biên giới với các cửa khẩu quốc tế và quốc nội, giao lưu kinh tế chính ngạch và tiểu ngạch; đã tạo ra mối liên kết gắn bó nhiều năm qua giữa vùng TGLX, ĐBSCL với thị trường Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Du lịch cũng là thế mạnh của vùng TGLX.

Ngoài ra, với vị trí địa lý (vùng thượng nguồn, biên giới và có biển, đồi núi) vùng TGLX còn có nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh - quốc phòng. Bộ mặt nông thôn vùng TGLX đã đổi thay, đời sống nông dân khởi sắc. Nhiều dự án, kế hoạch phát triển đã và đang được các tỉnh xây dựng, nhằm tiếp tục biến vùng TGLX thành “nơi đáng sống” để xứng đáng với công lao đóng góp của nhân dân và các bậc hiền nhân.

Những thành tựu về khai thác, phát triển vùng TGLX trong hơn 40 năm qua là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng bộ các tỉnh trong nhiều kỳ đại hội và phấn đấu không ngại gian khổ của nhân dân trong vùng; trong đó, ở giai đoạn đầu công lao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là vô cùng to lớn. Những thành tựu đó đã và đang tạo tiền đề cho vùng TGLX tiếp tục vươn lên, hòa cùng các vùng khác trong ĐBSCL như Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau, Nam Sông Hậu, chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Người dân về an cư bên dòng kênh Võ Văn Kiệt
Người dân về an cư bên dòng kênh Võ Văn Kiệt

Song cũng phải nhìn nhận thật rõ những hạn chế, tồn tại và thực trạng tình hình kinh tế - xã hội; dự báo sự tác động nhiều mặt, cả thuận lợi và khó khăn, của quá trình phát triển sắp tới; đòi hỏi các Đảng bộ và Nhân dân trong vùng phải phấn đấu thật cật lực, tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng để tiếp tục đưa vùng TGLX có bước phát triển đột phá mới; đúng như nguyện vọng và kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc sinh thời. Và chúng ta tin tưởng một cách chắc chắn rằng: Thế hệ con cháu của ông nhất định sẽ làm được, sẽ thực hiện được.

Thạc sĩ LÊ MINH TÙNG

(Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang)