Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang phối hợp Sở VH-TT&DL Đồng Tháp vừa ký kết hợp tác phát triển lĩnh vực DL, văn hóa. Chương trình nhằm liên kết, hợp tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh DL của mỗi địa phương.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang phối hợp Sở VH-TT&DL Đồng Tháp vừa ký kết hợp tác phát triển lĩnh vực DL, văn hóa. Chương trình nhằm liên kết, hợp tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh DL của mỗi địa phương.
An Giang nổi tiếng với Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam |
Phát huy tiềm năng
Những năm qua, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL quan tâm đến việc liên kết, hợp tác phát triển DL trong và ngoài khu vực. Điển hình, chương trình liên kết, hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL giai đoạn 2020-2025, hoạt động hợp tác chủ yếu tập trung vào liên kết xây dựng sản phẩm DL đặc trưng của từng địa phương; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác để giới thiệu hoạt động văn hóa, DL của vùng đến cả nước; xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá DL chung tại các diễn đàn, sự kiện, hội nghị, hội chợ DL quốc tế, tạo sức lan tỏa, giúp du khách trong và ngoài nước biết đến DL vùng ĐBSCL.
“Tiếp nối đà này, UBND tỉnh An Giang và Đồng Tháp ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để triển khai chương trình đã ký kết, khai thác và phát huy, tiềm năng, lợi thế của 2 tỉnh, Sở VH-TT&DL An Giang tổ chức thành công lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển lĩnh vực văn hóa, DL giữa 2 tỉnh giai đoạn 2022-2025”- Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, An Giang và Đồng Tháp có nhiều nét văn hóa - lịch sử tương đồng, nhiều tài nguyên văn hóa, DL phong phú. Việc ký kết hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng địa phương; tạo sức mạnh tổng hợp phát triển văn hóa, DL. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp (DN), công ty lữ hành, tạo bước ngoặt mới trong việc hợp tác phát triển DL của 2 tỉnh.
An Giang có nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non huyền bí; có 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng sinh sống lâu đời; 88 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh; hơn 160 lễ hội truyền thống, nhiều làng nghề truyền thống và ẩm thực đặc trưng, đa dạng.
Đồng thời, An Giang có tín ngưỡng thờ mẫu với “Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa xứ Núi Sam - Châu Đốc” nổi tiếng cả nước. Với lợi thế đó, tỉnh tập trung phát triển thế mạnh sản phẩm DL đồng bộ về tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng, chú trọng loại hình văn hóa, giải trí về đêm… để thu hút, giữ chân du khách.
Đồng Tháp được xem là xứ sở của những cánh đồng sen, nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cùng lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với phát triển DL và hình ảnh địa phương. Tỉnh tích cực đẩy mạnh phát triển ngành DL với mô hình DL sinh thái - nghỉ dưỡng - trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn; DL chăm sóc sức khỏe - thưởng thức ẩm thực sen; DL đường sông; DL MICE (DL kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện…) kết hợp mua sắm đặc sản, sản phẩm OCOP…
Hợp tác phát triển
Hai bên đề ra nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng phát triển, trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau; có bước đi thích hợp từ thấp đến cao, theo từng giai đoạn. Những nội dung hợp tác cụ thể, tác động quan trọng đến sự phát triển của ngành và kinh tế - xã hội địa phương, gồm: Trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình phát triển lĩnh vực VH-TT&DL; liên kết xây dựng, phát triển sản phẩm DL mới, kết nối tour, tuyến DL tiêu biểu đặc trưng của 2 địa phương, kêu gọi đầu tư phát triển DL; liên kết xây dựng, khai thác sản phẩm DL có tính tương đồng để tạo sự hấp dẫn; phong phú sản phẩm, gia tăng giá trị của nhau; tránh trùng lắp gây nhàm chán…
Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) |
Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình phát triển sản phẩm DL, điểm đến DL, chương trình tour và dịch vụ DL mới để giới thiệu đến DN trong, ngoài nước và trên phương tiện thông tin đại chúng. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, lữ hành của 2 địa phương gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác xây dựng sản phẩm DL mới, kết nối tour tuyến DL với các điểm DL tiêu biểu, đặc trưng của 2 địa phương; hình thành tour, tuyến DL liên hoàn để gia tăng khả năng cạnh tranh.
Phối hợp triển khai chương trình liên kết, hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL; hỗ trợ đăng tải thông tin dự án kêu gọi đầu tư; hỗ trợ DN địa phương tìm hiểu và đầu tư khai thác phát triển DL; liên kết kêu gọi đầu tư dự án phát triển DL biên giới.
Phối hợp tổ chức các đoàn Farmtrip cho DN, lữ hành tìm hiểu đầu tư, xây dựng tour, tuyến, điểm DL. Tập trung phát triển loại hình DL sinh thái - nghỉ dưỡng, DL văn hóa - lịch sử - lễ hội - làng nghề, DL nông nghiệp, nông thôn... Đa dạng hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ; khai thác nguồn lực trong cộng đồng. Nhất là, liên kết, trao đổi chuyên môn xây dựng sản phẩm DL tương đồng (Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Vườn Quốc gia Tràm Chim - Điểm DL sinh thái rừng tràm Trà Sư; Di tích văn hóa nghệ thuật Óc Eo Thoại Sơn - di tích Gò Tháp)…
“Việc hợp tác, liên kết phát triển DL giữa An Giang và Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025 là bước đi cần thiết, nhằm đẩy mạnh khai thác và phát triển đa dạng loại hình DL hiện có của địa phương, cũng như định hướng chiến lược phát triển ngành DL trong thời gian tới”- Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp nhấn mạnh |
Theo THU THẢO (Báo An Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin