Nhiều doanh nghiệp không nhìn biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức, mà nó còn là một cơ hội. Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã phát biểu như vậy, tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam- Hà Lan diễn ra tại TP Cần Thơ, ngày 8/4 vừa qua.
Nước chính là một trong những thách thức của ĐBSCL hiện nay. |
Nhiều doanh nghiệp không nhìn biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức, mà nó còn là một cơ hội. Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã phát biểu như vậy, tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam- Hà Lan diễn ra tại TP Cần Thơ, ngày 8/4 vừa qua.
Cần mô hình phát triển mới
Theo VCCI Cần Thơ, Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam- Hà Lan nhằm mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại và kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Hà Lan và doanh nghiệp ĐBSCL, đặc biệt chú trọng vào các giải pháp tiên tiến và hữu hiệu thuộc thế mạnh của Hà Lan, cũng là những thế mạnh và thách thức của ĐBSCL như phát triển các sản phẩm nông thủy sản, nông nghiệp, hạ tầng quản lý nước và logistics, các giải pháp về thích ứng với BĐKH…
Theo Chủ tịch VCCI- Phạm Tấn Công, Hà Lan có thế mạnh xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 thế giới, có công nghệ sản xuất quy trình bền vững, được coi là cửa ngõ chính vào Châu Âu. ĐBSCL là vùng đồng bằng rộng lớn, là một khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế- xã hội, là trung tâm sản xuất lúa gạo thủy hải sản lớn nhất cả nước. “Dưới sự cạnh tranh, BĐKH, vùng đang gặp nhiều thách thức dẫn tới cần một thay đổi, cần có mô hình phát triển mới. Đất nước Hà Lan có công nghệ, ĐBSCL có tài nguyên. Hai bên có thể bổ sung cho nhau. Tôi tin rằng với hoạt động hợp tác kinh doanh sẽ giúp cho ĐBSCL chuyển đổi hiệu quả trong thời gian tới”- ông Phạm Tấn Công phát biểu.
Đại sứ Hà Lan, bà Elsbeth Akkerman cho biết: Để cụ thể hóa những dự án hỗ trợ ĐBSCL, Hà Lan đã đầu tư khoảng 50 triệu USD từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân cho các dự án và sáng kiến tại khu vực này. Tại Vĩnh Long, Chính phủ Hà Lan đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại 19,5 triệu USD cho dự án trị giá 202,2 triệu USD hỗ trợ tỉnh này thích ứng với BĐKH và bảo vệ người dân trước rủi ro lũ lụt. Khoản viện trợ không hoàn lại của Hà Lan trước hết sẽ được dành để xây dựng nhà máy xử lý nước của TP Vĩnh Long. Ngoài ra, dự án còn hướng đến mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận các công trình hạ tầng, kết nối và giảm thiểu rủi ro ngập lụt ở khu vực đô thị Vĩnh Long.
Ngoài những dự án đã và đang triển khai hỗ trợ các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL như nâng cao chất lượng trái cây Việt Nam; trữ nước ở ĐBSCL; chuyển đổi rác thải nông nghiệp thành năng lượng ở tỉnh Hậu Giang; dự án trung tâm logistics và cảng hạ lưu Cái Mép Hạ... các chuyên gia, nhà khoa học của Hà Lan cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân đồng bằng thuận thiên với BĐKH, phát triển nông nghiệp bền vững, nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường và giải pháp quản lý nguồn nước vừa đảm bảo sinh hoạt vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp...
TS. Vũ Thành Tự Anh- giảng viên Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng: Thách thức lớn nhất của ĐBSCL đó chính là nước, nước và nước. Ngoài ra, ĐBSCL cũng đang đứng trước những thách thức lớn về chuyển đổi nông nghiệp; chuyển đổi số và chuyển đổi về nhân khẩu. |
Để biến thách thức thành cơ hội
Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, thời gian qua Chính phủ Hà Lan đã rất quan tâm và hỗ trợ cho Việt Nam. Đặc biệt là trong năm 2021, VCCI Cần Thơ đã phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan để thực hiện một nghiên cứu Chương trình chuyển đổi nông nghiệp, cũng như những nhu cầu đầu tư phát triển giữa doanh nghiệp Hà Lan và doanh nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL.
Theo ông Lam, trong quá trình nghiên cứu, các doanh nghiệp hai nước đã nêu bật được vấn đề rút ra đó là các doanh nghiệp đều đánh giá quy hoạch thích hợp của ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/3 vừa qua sẽ là cơ hội rất lớn cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh, sự đầu tư của Chính phủ về cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL trong thời gian gần đây sẽ là những cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế, tiếp cận được những cơ hội đầu tư mới ở ĐBSCL.
Theo chuyên gia, cần hướng dẫn người dân tưới nước tiết kiệm thay thế cho tưới tràn. |
“Ngoài ra, có một đặc điểm mà chúng tôi đã ghi nhận được là cả doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan đều không nhìn BĐKH là một thách thức, mà nó còn là một cơ hội. Bởi lẽ, khi thích ứng với BĐKH thì cơ cấu nông nghiệp sẽ được thay đổi. Thay vì chỉ tập trung trồng một loại cây trồng thì nay chuyển đổi sang những vật nuôi thích ứng với nhiễm mặn”- ông Nguyễn Phương Lam nói.
Hơn nữa, theo ông Lam, các doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao các địa phương ở ĐBSCL. Bởi khi tham gia đầu tư vào khu vực này thì chi phí không chính thức rất thấp. Điều này chứng tỏ là chính quyền các địa phương ở ĐBSCL đã có sự tích cực trong điều hành. Tuy nhiên, ông Lam cũng cho rằng, ĐBSCL vẫn còn một số mặt hạn chế như: quy trình thủ tục về cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; về giao thông, đặc thù của ĐBSCL là giao thông thủy, nhưng doanh nghiệp cho rằng, giao thông thủy vẫn chưa khai thác được tối đa các lợi thế.
Theo ông Sepehr Eslami- Chuyên gia nước của Hà Lan: Xâm nhập mặn tăng cao trong thời gian ngắn; hệ thống nước ngầm bị sử dụng quá mức ở khu vực nông thôn là vấn đề cần sớm triển khai các giải pháp để hạn chế vấn nạn sụt lún đất hiện nay ở ĐBSCL. Ông cho rằng, cần phải hướng dẫn người dân thay đổi phương thức canh tác giúp thích ứng với xâm nhập mặn và sụt lún đất; tưới tiết kiệm thay thế cho tưới tràn; lưu trữ lượng nước ngọt sâu dưới lòng đất để vừa cung cấp được nước vào mùa khô vừa giảm được tình trạng sụt lún; lắp đặt hệ thống thẩm thấu nước ngọt (dự án đã và đang triển khai ở tỉnh Trà Vinh). |
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin