Cây lác trên vùng đất nhiễm mặn Vũng Liêm

Cập nhật, 06:00, Thứ Tư, 13/04/2022 (GMT+7)

(VLO) Ở Vĩnh Long, cây lác là cây công nghiệp ngắn ngày được trồng duy nhất ở huyện Vũng Liêm. Đây cũng là nguồn nguyên liệu dùng xe lõi lác để dệt chiếu thảm xuất khẩu. Nghề trồng lác và xe lõi lác đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở đây.

Thu hoạch lác ở xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm).
Thu hoạch lác ở xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm).

Lác dễ trồng, dễ tiêu thụ, thu nhập khá

Cây lác thích nghi với đất thấp, ngập nông bởi thủy triều lên xuống và bị nhiễm mặn nhẹ. Nghề trồng lác đã hình thành khá lâu đời ở Vũng Liêm, vốn đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định.

Hàng năm, đến mỗi đầu mùa mưa là nông dân ở Vũng Liêm bắt đầu trồng lác, hình thức cấy là phổ biến, đến khoảng 3,5- 4 tháng sau là thu hoạch. Trước đây, mỗi năm thu hoạch 2 vụ rưởi, mỗi vụ thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng thường vào đầu và cuối mùa khô.

Nông dân bỏ vụ thu hoạch vào tháng 10 âl như trước đây vì gặp thời tiết mưa nhiều, khó phơi lác, nông dân dưỡng cây lác bằng cách cắt đọt, cắt bông để sang tháng Giêng năm sau thu hoạch.

Mùa khô, lác thu hoạch trễ hơn khoảng 4- 4,5 tháng sau khi cấy nhưng năng suất đạt khá cao, từ 1.000- 1.300kg lác khô/công, đây là vụ chính (vụ lác Đông Xuân) và cũng là vụ cho năng suất, chất lượng cao nhất trong năm.

Mùa mưa thời gian thu hoạch ngắn hơn, khoảng 3,5- 4 tháng sau khi cấy nhưng năng suất thấp hơn mùa khô từ 200- 300kg lác khô/công.

Sau khi thu hoạch, lác được phơi khô, rồi chọn những cọng dài để dệt chiếu (lác loại đặc biệt và loại I), cọng ngắn (lác loại II) để cán ép, xe lõi làm thảm.

Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, những năm 2000- 2005, nghề trồng lác ở đây phát triển mạnh mẽ. Năm 2005 là năm huyện có diện tích lác cao nhất với 1.142ha.

Các năm sau đó, do nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, rau màu và nuôi trồng thủy sản nên diện tích giảm dần, giảm mạnh nhất là vào năm 2015, chỉ còn gần 268ha.

Từ năm 2016 đến nay, nhờ tăng cường các chính sách hỗ trợ đầu tư cho cây lác nên diện tích trồng lác ổn định từ 300- 400ha/năm, sản lượng thu hoạch 9.000- 10.000 tấn/năm.

Cây lác được trồng ở 10 xã nằm ven sông Cổ Chiên và ở cù lao Dài, trong đó tập trung nhiều nhất là ở xã Trung Thành Đông (224ha) và Trung Ngãi (32ha). Sản lượng bình quân 7- 8 tấn/ha, lợi nhuận 45- 50 triệu/ha, cao gấp đôi so trồng lúa.

Tuy nhiên theo anh Nguyễn Hoàng Dũng- công chức văn phòng, thống kê của UBND xã Trung Thành Đông, ở xã này có hộ thu hoạch mỗi công lác cho doanh thu từ 25- 30 triệu đồng nếu chăm sóc tốt, lợi nhuận từ 8- 10 triệu đồng (30- 35% doanh thu), cao gấp 5- 6 lần trồng lúa.

Từ năm 2019- 2020, giá lác trong xã luôn ở mức cao, trong đó giá lác khô loại đặc biệt (cọng dài 2m) từ 19.000- 20.000 đ/kg, giá lác khô loại I từ 15.000- 16.000đ/kg, lác khô loại II (lác manh) từ 13.000- 14.000 đ/kg và lác xe thành lõi giá từ 18.000- 19.000 đ/kg.

Những tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, mua bán khó khăn nên thương lái chỉ đến mua xô ở mức từ 13.000- 14.000 đ/kg. Dù giá cả có biến động nhưng nguyên liệu lác vẫn được mua hết, không ứ đọng.

Phát triển làng nghề trồng lác, xe lõi

Năm 2010, UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết định công nhận ở Vũng Liêm có 5 làng nghề trồng lác, xe lõi lác truyền thống ở các ấp: Đại Hòa, Thành Đông, Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông), Phước Bình (xã Quới Thiện) và làng nghề ấp Bình Thủy (xã Thanh Bình). Đến năm 2020, giảm còn 4 làng nghề tại các ấp: (2 Phước Bình (xã Quới Thiện), Bình Thủy (xã Thanh Bình), Đại Hòa và Đại Nghĩa, (xã Trung Thành Đông).

Hiện các làng nghề trồng lác, xe lõi lác thu hút 443 hộ tại chỗ tham gia với 796 lao động, 462 máy xe lõi và diện tích trồng lác là 143ha.

Sản phẩm lác khô được xe lõi hoặc để nguyên cọng được thương lái mua tại chỗ, thu gom bán lại cho một doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh hoặc thương lái ở quanh vùng mua làm nguyên liệu dệt chiếu, thảm tiêu thụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Vì lợi ích và tiềm năng của cây lác mang lại, từ nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Long, của huyện Vũng Liêm đã tập trung đầu tư quy hoạch vùng nguyên liệu trồng lác, ban hành các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chế biến nguyên liệu lác; hỗ trợ tín dụng, máy móc thiết bị xe lõi, dệt chiếu thảm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho người trồng, xe lõi lác.

Các làng nghề đã được Sở Nông nghiệp- PTNT, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đầu tư hỗ trợ mô hình và chuyển giao kỹ thuật trồng lác, máy xe lõi, máy cắt, chẻ lác.

Trước sức ép của kinh tế vườn đang phát triển mạnh mẽ, nhưng huyện Vũng Liêm vẫn quy hoạch, giữ vững vùng trồng lác đến năm 2025 từ 300- 500ha và đang tiến hành xây dựng cụm, tuyến công nghiệp ven sông Cổ Chiên để phát triển cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ như gốm, dệt chiếu, thảm, đan đát từ nguyên liệu lác, xơ dừa...

Đây là cơ hội cho nghề trồng và chế biến sản phẩm từ lác phát triển bền vững, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân nơi đây.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG