Giữa hương hoa ngào ngạt, trái ngọt oằn sai, mứt Tết xuất hiện như một lẽ dĩ nhiên cho mùa xuân càng thêm đậm sắc hương, tròn phong vị.
Sên mứt ngày Tết là truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. |
(VLO) Giữa hương hoa ngào ngạt, trái ngọt oằn sai, mứt Tết xuất hiện như một lẽ dĩ nhiên cho mùa xuân càng thêm đậm sắc hương, tròn phong vị. Qua bao đời nay, các bà, các mẹ với đôi tay khéo léo đã nâng niu và gìn giữ mứt Tết là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, nếu miếng trầu là đầu câu chuyện thì mứt Tết hẳn là lời chào xuân ngọt ngào nhất, dù đã thân quen nhưng chẳng bao giờ thiếu trong những buổi chuyện trò đầu năm.
Giản đơn như mứt tết
Chừng giữa tháng Chạp, chỉ cần một làn gió se lạnh, một cánh én chao nghiêng hay đơn thuần là một chồi non xanh biếc cũng đủ gợi cho người xa quê nỗi nhớ khôn nguôi và cảm giác bồn chồn sắp chực trào trong ánh mắt.
Mứt dừa dẻo thơm hấp dẫn cho ngày Tết. |
Riêng cái Tết của người cần lao nơi đồng ruộng lại đến sớm hơn, qua rằm tháng 10 thì người ta đã chộn rộn vì như ngửi được mùi của Tết đang len lỏi trong hơi thở của đất trời.
Những ngày chuẩn bị đón Tết luôn rộn ràng đến lạ, có chợ Tết tấp nập, có công việc trang hoàng nhà cửa, cắt cây tỉa cành, quết bánh phồng, gói bánh tét, kho thịt, muối dưa, sên mứt... khiến ai ai cũng háo hức.
Ngày Tết cũng là cơ hội để các cô gái nông thôn trổ tài khéo léo, người ta thường rủ nhau làm các loại mứt từ đủ loại trái cây, củ quả: mứt dừa, mứt gừng, mứt chuối, mứt bí, mứt đu đủ...
Như gia đình chị Tạ Thanh Trước ở ấp An Lạc Tây (xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm), Tết là dịp để chị em xúm xít trổ tài làm mứt. Kinh nghiệm làm mứt được gói ghém qua nhiều thế hệ đã làm nên tiếng thơm của món mứt “nhà làm” Tố Thiên, không chỉ để đãi họ hàng mà còn giúp gia đình có thêm thu nhập khá.
Chị Thanh Trước luôn tìm tòi học hỏi cách biến tấu nhiều loại mứt khác nhau để bắt kịp thị hiếu của thực khách. Đâu chỉ có mứt dừa sợi truyền thống, mà có cả mứt dẻo, mứt dừa non, mứt tạo hình hoa, nhiều màu, bắt mắt.
Để sên được một mẻ mứt dừa đúng vị, chị Thanh Trước cho rằng, phải lựa những trái dừa cứng cạy và dừa rám, cơm dừa cứng cạy làm ra mứt dừa sẽ có độ giòn dai sần sật, còn như cơm dừa rám còn non và mỏng hơn thì được chế biến thành món mứt dừa có độ dẻo dai, thơm mềm.
Cơm dừa rửa sạch được cắt sợi hay bào mỏng rồi ngâm màu và sẽ sên với đường cho đến khi đường bám vào từng sợi mứt.
Màu mứt cũng chính là màu hoa lá vườn nhà như màu xanh lá dứa, tím lá cẩm, màu đỏ của gấc... Người sên mứt phải nắm giữ kỹ thuật canh lửa, lửa lớn quá thì đường bị cháy, mứt bị tối màu, lửa nhỏ quá thì đường không thể kết tinh, mứt không khô sẽ dễ bị hỏng.
Liên tục đảo đều tay hàng giờ đồng hồ thì đường mới đạt độ “tới”, mứt mới thơm ngon. Ngoài ra, tận dụng ánh nắng để phơi mứt sẽ càng làm cho màu mứt thêm sáng và tăng độ dai.
Món quà ngọt ngào của quê hương
Câu chuyện làm mứt Tết còn được viết tiếp qua nhiều thế hệ của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) với mứt vỏ bưởi và mứt hạnh - đặc sản trái cây Vĩnh Long.
Mứt vỏ bưởi truyền thống là sản phẩm mang hương vị mùa xuân. |
Chị Thu Hà đưa sản phẩm mứt vỏ bưởi Nguyễn Gia đến với thị trường chỉ mới vài năm nhưng thời gian nó “sống” cùng gia đình chị thì “đã không còn nhớ nổi nữa vì đây là sản phẩm truyền thống của gia đình tôi từ rất lâu đời”.
Lớn lên trong ngôi nhà cổ với nhiều thế hệ, từ rất sớm chị Thu Hà đã hiểu được giá trị tinh thần của việc làm ra những món mứt, không khí đầm ấm khi được quây quần bên nhau, cùng làm các món mứt để đãi họ hàng và làm quà tặng trong nhiều dịp lễ tết, đám tiệc.
Theo chị Thu Hà, lợi thế của việc khởi nghiệp từ sản phẩm mứt truyền thống của gia đình là kinh nghiệm và phương pháp chế biến đã được đúc kết. Bên cạnh, nguyên liệu làm nên mứt Nguyễn Gia chính là những cây trái có sẵn như bưởi Năm Roi Mỹ Hòa ở TX Bình Minh và vùng trồng trái hạnh ở Bình Tân.
Từ nguồn tài nguyên bản địa và kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều thế hệ, mứt vỏ bưởi trở thành sản phẩm đặc trưng của quê nhà. |
Với kinh nghiệm làm mứt vỏ bưởi, chị Thu Hà tin rằng, chất lượng mứt phụ thuộc nhiều vào chất lượng của nguyên liệu.
Chị Thu Hà cho biết, đầu tiên là phải chọn những trái bưởi nhẹ ký, có da xanh bóng, không quá non cũng không quá già, không sần sùi và sâu bệnh; bưởi Năm Roi là phù hợp nhất vì có phần vỏ dày rất thích hợp làm mứt, thành phẩm sẽ có độ dai và giòn vừa phải.
Sản phẩm mứt vỏ bưởi Nguyễn Gia của chị Thu Hà vẫn ưu tiên giữ gìn phương pháp thủ công như sên mứt bằng bếp than và phơi mứt bằng ánh nắng mặt trời, như là lời hứa sẽ giữ gìn giá trị truyền thống từ đời của bà, của mẹ.
Mặc dù sản xuất mứt Tết thiên về thủ công nên hạn chế về số lượng, chi phí lao động, điều kiện thời tiết... nhưng sản phẩm mứt vỏ bưởi Nguyễn Gia đang dần có những bước cải tiến như nghiên cứu thiết kế bao bì, đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Mứt gừng cay nồng, ấm lòng người xa xứ. |
Chị Thu Hà cho biết, chương trình OCOP của tỉnh đã mang đến cơ hội cho mứt vỏ bưởi Nguyễn Gia được trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương và là món quà lưu niệm ý nghĩa gửi đến du khách gần xa, giúp họ hiểu hơn về vùng đất và con người Vĩnh Long.
Mứt Tết là món quà thảo hiền con cháu dâng cúng tổ tiên, là lời chào ngọt ngào đầu năm của những người phụ nữ đã lưu giữ vị xuân cho quê nhà.
Mứt Tết nhắc nhớ về một vùng đất có vườn cây trái ngọt quanh năm và những đôi tay dịu dàng đã mang đến vị ngọt cho mùa xuân, khéo léo rót vào lòng lữ khách tình quê chan chứa.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin