Khuyến công góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cập nhật, 17:43, Thứ Năm, 09/03/2023 (GMT+7)
Các hoạt động khuyến công góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: TL
Các hoạt động khuyến công góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: TL

(VLO) Thời gian qua, hoạt động khuyến công tỉnh Vĩnh Long được thực hiện hiệu quả thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại… phục vụ sản xuất. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp.

Nâng cao hiệu quả công tác khuyến công

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), năm 2022, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành và các cấp chính quyền tại địa phương và các cơ sở, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia thực hiện hoạt động khuyến công đã tạo thuận lợi cho các hoạt động được hiệu quả.

Qua đó công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các đề án có chuyển biến tích cực. Các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp cũng được tăng cường, tạo thêm nguồn thu và góp phần quan trọng trong công tác nâng cao năng lực cho hoạt động khuyến công.

Trong năm 2022, trung tâm đã tổ chức triển khai thực hiện 27 đề án thuộc các nhóm đề án: hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa;

tuyên truyền về hoạt động khuyến công; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp đối với cơ sở công nghiệp nông thôn; tham gia hội chợ triển lãm trong nước để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương. Tổng kinh phí giải ngân được gần 2,15 tỷ đồng (đạt trên 80%).

Qua đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo ông Lê Hùng An- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, năm 2022, công tác khuyến công đã theo sát tình hình thực tế, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, hiểu rõ hơn tầm quan trọng của thương hiệu trong kinh doanh và nắm được thông tin về quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, cũng như những cơ hội, thách thức và yêu cầu đặt ra cho quá trình hội nhập.

“Việc hỗ trợ đầu tư, ứng dụng, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ tạo một bước chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và hàm lượng công nghệ của sản phẩm. Từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường...”- ông An chia sẻ.

Nâng chất lượng sản phẩm hàng hóa

Công tác khuyến công địa phương góp phần động viên tinh thần khởi nghiệp.
Công tác khuyến công địa phương góp phần động viên tinh thần khởi nghiệp.

Là một trong những cơ sở được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công địa phương, Cơ sở Sản xuất bún Ba Khánh (TP Vĩnh Long) đã vận dụng và vận hành hiệu quả các gói hỗ trợ.

Cơ sở đã được chọn để tư vấn, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cũng như hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Qua đó, cơ sở đã từng bước khẳng định tên tuổi trên thị trường, nhất là sự tin tưởng của khách hàng đối với một sản phẩm sạch, hương vị truyền thống nhưng mang yếu tố sản xuất hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Bà Lưu Kim Phụng- chủ cơ sở, cho biết hiện sản phẩm có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn và đi đến được các tỉnh miền Trung. Công tác khuyến công nhìn chung đã góp phần lớn trong việc động viên tinh thần, kích lệ cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới trong sản xuất. Từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh cao.

Trong khi đó, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, Cơ sở Sản xuất Tảo xoắn Mê Kông đã có sự đồng hành, tư vấn từ khuyến công địa phương. Năm 2022, cơ sở được hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói với kinh phí 35 triệu đồng.

Anh Văn Hữu Tài- chủ cơ sở cho biết, thành lập từ năm 2019, những bước đầu khởi nghiệp đã được hỗ trợ rất nhiều từ các chương trình, trong đó có khuyến công địa phương.

“Sự hỗ trợ tuy có nguồn vốn không lớn nhưng cũng góp phần động viên tinh thần khởi nghiệp của người trẻ trên mảnh đất quê hương mình. Đồng thời khuyến khích tư duy sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm”- anh Tài cho biết.

Năm 2023, nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác khuyến công, các hoạt động khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất gắn với các nội dung của Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh.

Theo đó, sẽ hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu;

tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; tư vấn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, thông tin thị trường, phổ biến kinh nghiệm, mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.

Theo kế hoạch khuyến công năm 2023, các hoạt động khuyến công sẽ góp phần hỗ trợ tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, khuyến khích, hỗ trợ thực hiện sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên, nhiên, vật liệu; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường;… Kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công năm 2023 được dự toán trên 4,7 tỷ đồng.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN