Nhãn Edor Đồng Tháp trước cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc

07:08, 21/08/2016

Tập đoàn In Jea Hàn Quốc đã khảo sát thực tế và đánh giá cao chất lượng trái nhãn Edor mở ra cơ hội xuất khẩu vào thị trường này.

Tập đoàn In Jea Hàn Quốc đã khảo sát thực tế và đánh giá cao chất lượng trái nhãn Edor mở ra cơ hội xuất khẩu vào thị trường này.

Nhãn Edor đặc sản được trồng chiếm xấp xỉ 1.000 ha ại huyện Châu Thành. (Ảnh minh họa: KT)
Nhãn Edor đặc sản được trồng chiếm xấp xỉ 1.000 ha ại huyện Châu Thành. (Ảnh minh họa: KT)

Ngoài lúa gạo và ngành hàng xoài, thời gian gần đây, trái nhãn Đồng Tháp đã từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và dần được thị trường nước ngoài chấp nhận.

Cùng với thị trường Mỹ, việc tập đoàn lớn của Hàn Quốc quan tâm đầu tư cơ sở tại Đồng Tháp để sản xuất với nguồn nguyên liệu nhãn phong phú đã mở ra nhiều cơ hội mới cho nhà vườn. Đây được xem là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp Đồng Tháp trên bước đường thực hiện liên kết phục vụ đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Gần đây, Tập đoàn In Jea Hàn Quốc đã đến khảo sát thực tế tại nhiều vườn nhãn Edor tại xã An Nhơn huyện Châu Thành. Qua khảo sát, đoàn đánh giá cao chất lượng trái nhãn Edor tại đây nhất là về mẫu mã, chất lượng và độ đồng đều.

Là tập đoàn lớn về cung cấp thực phẩm cũng như các mặt hàng nông sản, Tập đoàn In Jea Hàn Quốc hứa hẹn sẽ là kênh tiêu thụ đầy tiềm năng cho nhãn Châu Thành, sau khi HTX nhãn đã xuất được nhãn Edor sang thị trường Mỹ vào năm ngoái.

Ông Jo Hyung Tea, Giám đốc Công ty TNHH In Jae Đồng Tháp đánh giá cao về các mặt hàng trái cây của tỉnh Đồng Tháp khi so với các quốc gia khác trong khu vực như Philippines hay Thái Lan. Đặc biệt, chất lượng và sản lượng của nhãn Edor đảm bảo là nguồn cung cấp phong phú cho công ty để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Châu Thành hiện có hơn 3.200 ha nhãn, chiếm trên 50% diện tích vườn cây ăn trái của huyện. Trong đó, nhãn Edor đặc sản được trồng chiếm xấp xỉ 1.000 ha. Từ tín hiệu tích cực này khi trái nhãn có thêm nhiều cơ hội xuất ngoại, hầu hết bà con nhà vườn trồng nhãn và HTX đều rất phấn khởi.

Thấy được những lợi thế nhất định về sản xuất, HTX nhãn Châu Thành đã triển khai lấy ý kiến nhà vườn để thống nhất cách làm trong quá trình đàm phán ký kết với Tập đoàn In Jea Hàn Quốc.

Cụ thể, HTX nhãn Châu Thành đang nắm lại diện tích sản xuất của thành viên HTX, giai đoạn cây hiện tại, dự đoán năng suất… để có bước chủ động trong việc nắm tình hình sản xuất. Bên cạnh đó, HTX cũng triển khai nhắc nhở, đôn đốc nhà vườn tích cực triển khai ghi chép sổ sách theo tiêu chuẩn VietGap trong sản xuất nhãn.

Ông Trương Văn Rồi, Giám đốc HTX nhãn Châu Thành cho biết, HTX vận động bà con cố gắng làm theo quy trình sạch, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu từ phía đối tác với chủ trương “làm ra mặt hàng người ta cần mua, không làm thứ mình cần bán”.

Về phía nhà vườn, hầu hết bà con đều đồng thuận trong việc hợp tác với đối tác nước ngoài để đưa nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới. Vấn đề được bà con quan tâm nhiều là giá cả khi ký kết hợp đồng. Bởi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của bà con.

Bà Phan Thị Bé Sáu, xã An Nhơn cho rằng, khi có HTX đứng ra làm đầu mối kí kết với đối tác xuất khẩu, người dân yên tâm hơn về mặt giá cả cũng như sản lượng nhãn tiêu thụ ổn định.

Trong khi đó, ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc trái nhãn Đồng Tháp có đủ điều kiện xuất ngoại sẽ vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn. Bởi nhà vườn đã vốn quen với cách sản xuất theo mùa vụ tập trung, ít mặn mà với sản xuất rải vụ.

Do đó, khi triển khai liên kết cung cấp hàng hóa với đơn vị thu mua theo hợp đồng, đặc biệt là đối tác nước ngoài thì vấn đề cung cấp thường xuyên là một trở ngại lớn. Bởi trung bình mỗi vụ nhãn kéo dài 7 tháng từ lúc làm bông cho đến lúc thu hoạch. Vì thế yêu cầu cung cấp lượng nhãn hàng tháng vẫn cần phải được tính toán thận trọng.

“Một số mặt hàng như nhãn Edor của Đồng Tháp được thị trường Hàn Quốc rất quan tâm và đây tiềm năng rất lớn và cũng là cơ hội để nông sản Việt Nam mở rộng thêm nhiều thị trường. Vì vậy, cần phải tổ chức sản xuất để đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của đối tác có tiềm năng”, ông Sa nói.

Hiện nay. hàng nghìn tấn trái cây an toàn của Đồng Tháp đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trong đó, nhiều loại trái cây đặc sản như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành đã có mặt tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) đã góp phần khẳng định hướng đi đúng của tỉnh Đồng Tháp trên con đường làm giàu từ nông nghiệp sạch.

Từ phía địa phương, theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không thể chỉ có được từ sự cần cù, cần phải kết hợp chặt chẽ với ứng dụng khoa học, công nghệ và sự đổi mới sáng tạo. Tất cả điều này phụ thuộc rất lớn vào sự sẵn lòng thay đổi tư duy của bà con nông dân.

Theo Thanh Tùng(VOV.VN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh