Hiện vụ lúa Hè Thu 2024 đã bước vào đợt 2 xuống giống. Để tránh thiệt hại do hạn, mặn, nông dân đã chủ động chuyển dịch cơ cấu vụ sản xuất, xuống giống lúa vụ Hè Thu theo lịch thời vụ tập trung "né rầy", "né mặn" đồng loạt trên từng khu vực.
|
Vụ lúa Hè Thu 2024, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 35.000ha. |
Hiện vụ lúa Hè Thu 2024 đã bước vào đợt 2 xuống giống. Để tránh thiệt hại do hạn, mặn, nông dân đã chủ động chuyển dịch cơ cấu vụ sản xuất, xuống giống lúa vụ Hè Thu theo lịch thời vụ tập trung “né rầy”, “né mặn” đồng loạt trên từng khu vực.
Theo ngành nông nghiệp, trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình sản xuất, đặc biệt là vào mùa khô, hạn, mặn.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung tuyên truyền đến người dân nắm rõ các diễn biến thời tiết trong vụ sản xuất; từ đó chủ động phòng, tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Trong đó, vụ lúa Hè Thu 2024, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân bố trí thời vụ theo hướng tập trung “né rầy”, đồng loạt trên từng khu vực. Vùng có nguy cơ nhiễm mặn cần xuống giống sớm hoặc muộn hơn để “né mặn” ở thời điểm cuối và đầu vụ.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương, hạn chế canh tác giống chất lượng thấp. Trong đó, nhóm giống lúa chủ lực có khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt: OM5451, OM4900, OM 6976, Đài thơm 8, OM18,… Nhóm giống lúa bổ sung thích ứng tốt với hạn, mặn: OM 2517, OM 9577, OM 9955…
Vừa xuống giống 4 công ruộng vụ lúa Hè Thu ngày 20/3, chú Nguyễn Văn Ba (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho biết: “Trước khi xuống giống lúa, tôi cũng tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, cày vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng kỹ, tuân thủ lịch thời vụ xuống giống để né rầy, né hạn”.
Anh Nguyễn Thanh Vũ (xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm) cũng cho hay: “Vụ lúa Hè Thu này tôi đã bố trí máy để túc trực bơm nước vào ruộng và các mương nội đồng. Hiện đang là mùa nắng nóng, lúa Đông Xuân thu hoạch xong thì đất ruộng cũng khô hạn, việc giữ nước chân trên ruộng vừa làm mềm đất vừa diệt các loại cỏ dại. Mặt khác, việc trữ nước này cũng phòng ngừa nếu hạn xảy ra cũng đủ bơm nước tưới cho ruộng lúa”.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, tình hình diễn biến thời tiết khí hậu năm nay nắng nóng khô hạn phức tạp nên rất thuận lợi cho sâu bệnh hại lúa giai đoạn mạ nhất là bọ trĩ sẽ gây hại nặng. Bọ trĩ gây hại làm lá bị cuốn lại ở chóp, lá héo, tóp lại và khô vàng đi. Đặc biệt nặng ở các ruộng khô nước.
Bên cạnh đó, nguy cơ ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ từ việc tranh thủ mùa vụ do gieo sạ cập rập có thể dẫn đến tỷ lệ nhiễm bệnh gia tăng. Ngoài ra cần chú ý chuột ở giai đoạn lúa mới gieo sạ, lúa cỏ, muỗi hành ở giai đoạn đẻ nhánh, rầy phấn trắng, bệnh đốm vằn, cháy bìa lá ở giai đoạn đòng trổ, ốc bươu vàng…
Để vụ lúa Hè Thu năm 2024 đạt thắng lợi, theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp- PTNT), đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống, sau khi đã thu hoạch lúa Đông Xuân, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ lúa rài, lúa chét và cỏ dại xung quanh bờ ruộng, xới trục kỹ và phải đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 14 ngày.
Đặc biệt, những vùng xuống giống lúa Hè Thu không đảm bảo thời gian cách ly cần phải phun nấm Trichoderma, bón lót phân lân ngay khi làm đất lần cuối nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Xử lý vôi, bơm và tháo nước rửa đất cho những diện tích có nguy cơ ngộ độc hữu cơ cao.
Đặc biệt, tăng cường công tác giám sát mặn, khuyến cáo sản xuất cây trồng ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, mặn. Đối với lúa dễ bị thiệt hại ở giai đoạn mạ và giai đoạn lúa trổ, nếu độ mặn trên 1‰ không cho nước vào ruộng; khi sử dụng nước pha thuốc phun xịt thì nên sử dụng nước không nhiễm mặn (nhỏ hơn 0,8‰).
Song song đó, theo nhận định, diện tích nhiễm lúa cỏ có chiều hướng tăng nhanh qua các vụ lúa, do đó, khuyến cáo bà con nông dân làm đất thật kỹ trước khi xuống giống để tránh thiệt hại đến năng suất lúa Hè Thu sắp tới.
Ngoài ra, cần theo dõi phát hiện sớm sự xuất hiện của các đối tượng như ốc bươu vàng, bọ trĩ; cần chủ động thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy, khuyến cáo nông dân chỉ nên xử lý thuốc đặc trị khi rầy đang tuổi 2-3 và mật số rầy >3.000 con/m2 cần sử dụng một trong những loại thuốc chống lột xác để phun trừ, chú ý không kết hợp với các loại thuốc phổ rộng để tránh nguy cơ bộc phát rầy ở giai đoạn sau.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, vụ lúa Hè Thu 2024, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 35.000ha, chia làm 3 đợt chính: đợt 1 là 4.000ha (từ 4/1-5/3) xuống giống ở những vùng ven QL54 của huyện Trà Ôn, TX Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm. Đợt 2 là 25.000ha (từ 19/3-18/4), đây là đợt xuống giống chính, phân bố hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 là 6.000ha (từ 1-31/5) xuống giống số diện tích còn lại, phân bố ở vùng trung tâm, vùng trũng, vùng có nguy cơ nhiễm mặn, vùng chưa chủ động bơm tát và vùng chưa có đê bao hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, cũng tùy vào điều kiện thực tế từng địa phương và nhất là cần có sự tính toán hợp lý căn cứ vào tình hình hạn, mặn và mưa, bão để xây dựng lịch thời vụ chặt chẽ theo từng tiểu vùng sinh thái của địa phương.
Hiện, vụ lúa Hè Thu 2024 toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 9.200ha, trong đó, có trên 7.300ha đang giai đoạn mạ.
|