Phòng, chống ngập úng, bảo vệ cây trồng

07:06, 20/06/2023

Vào mùa mưa, vườn cây của tôi bị đọng nước nhiều, cây chậm phát triển. Xin Bạn Nhà nông cho biết cách phòng, chống ngập úng, bảo vệ cây trồng hiệu quả.

Vào mùa mưa, vườn cây của tôi bị đọng nước nhiều, cây chậm phát triển. Xin Bạn Nhà nông cho biết cách phòng, chống ngập úng, bảo vệ cây trồng hiệu quả.

Nguyễn Văn Bảy

(Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn)

Anh Bảy mến!

Vào mùa mưa đất bị ngập nước, lớp đất mặt bị oi nước nhiều ngày khiến hàm lượng oxy trong đất bị khuếch tán hầu hết vào nước. Lượng oxy lúc này giảm hơn 10.000 lần so với bình thường nên gây ra hiện tượng yếm khí cục bộ, khiến các chất như amoniac, hydro sunfua, sắt, mangan, metan, acetylen, ethanol gia tăng đột biến. Các hợp chất này dễ hòa tan trong nước tạo môi trường bất lợi, độc hại, gây tổn thương nghiêm trọng vùng rễ, làm nhiễm độc cả cây.

Đất bị ngập nước lâu ngày, nếu cây trồng trên đó không có các mô dẫn khí ở hệ thống rễ để tăng lượng oxy trong đất, sẽ khiến “đất bị ngộp thở” gây tổn thương và thối rữa bộ rễ một cách nhanh chóng khiến cây vàng lá thối rễ. Đáng lo ngại hơn, là sau khi nước rút, đất ẩm ướt, nấm bệnh phát triển nhiều, nếu không có giải pháp đúng cách cây sẽ phát bệnh rất nặng. Và dấu hiệu là sau mùa mưa, khi thời tiết bắt đầu nắng thì tình trạng cây bị vàng lá thối rễ xuất hiện rất nhiều.

Khi bị úng nước, màu sắc của lá bắt đầu thay đổi. Hãy quan sát xem lá cây có bị mất màu xanh, trở nên nhợt nhạt hoặc vàng không. Có thể để ý thấy các mảng màu vàng loang lổ trên lá. Đó là kết quả của việc quang hợp cây trồng không xảy ra bình thường. Nghĩa là cây không lấy được chất dinh dưỡng.

Để phòng oi nước, trước mùa mưa bão cần thiết kế lại mương, rãnh, cống thoát nước để vườn cây nhanh thoát nước khi có mưa lớn. Cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập. Bón phân cân đối đặc biệt là kali, không nên bón đạm làm cây ra nhiều chồi non. Hạn chế bón phân hữu cơ, đặc biệt phân hữu cơ chưa hoai vì sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy của cây trồng khi bị ngập úng. Hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị dí chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

Sau khi nước rút, cần tiến hành xới nhẹ nhằm phá váng ở lớp đất mặt giúp đất thông thoáng. Đào mương để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây. Để cỏ mọc tác dụng như những máy bơm sinh học trong vườn. Quan sát cây trong thật kỹ để nhận biết những biểu hiện trong thời gian nước rút để có biện pháp xử lý thích hợp.

BẠN NHÀ NÔNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh