Giải pháp phòng trị bệnh vàng lá chết cây ổi

Cập nhật, 16:42, Thứ Ba, 14/03/2023 (GMT+7)
Nông dân trồng ổi cần canh tác cây trồng đúng quy hoạch, xây dựng mô hình trồng ổi bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp.
Nông dân trồng ổi cần canh tác cây trồng đúng quy hoạch, xây dựng mô hình trồng ổi bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp.
Cây ổi được đánh giá là cây dễ chăm sóc, mang lại năng suất cao giúp người dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng vàng lá chết cây ổi xuất hiện tại một số địa phương khiến nhà vườn lo lắng bởi đây là một bệnh hại và gây tổn thất rất đáng kể. 
 
Thiệt hại nặng cho nhà vườn
 
Tại Vĩnh Long, ổi được trồng chuyên canh hoặc xen canh. Do ổi tương đối dễ trồng, có thể trồng xen, chi phí đầu tư và kỹ thuật chăm sóc không cao, thích nghi với nhiều loại đất nên trồng được ở nhiều nơi và là một trong các loại cây ăn trái có khả năng tăng trưởng nhanh, sớm ra hoa và đậu trái sau khi trồng cũng như cho thu hoạch nhiều vụ trong năm.
 
Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu và tăng hiệu quả kinh tế khác được ngành nông nghiệp và người dân quan tâm chú trọng; thì ổi được đánh giá là cây dễ chăm sóc, mang lại năng suất cao giúp người dân có thu nhập ổn định.
 
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp- PTNT), toàn tỉnh có gần 940ha trồng ổi, chủ yếu ở Trà Ôn gần 520ha; Bình Tân trên 130ha; TP Vĩnh Long trên 65ha; Tam Bình 46ha...
 
Năng suất ổi trồng chuyên canh từ năm thứ hai trở đi từ 25- 50 tấn/ha/năm, đối với ổi trồng xen canh khoảng 5- 10 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng vàng lá chết cây ổi đã xuất hiện. Đây là một bệnh hại liên quan đến các mầm bệnh trong đất và khó quản lý.
 
Qua điều tra, chi cục ghi nhận bệnh vàng lá chết cây ổi xuất hiện quanh năm nhưng phổ biến hơn vào mùa khô từ tháng 1-5 và gây hại chủ yếu ở các vườn ổi từ 2 năm tuổi trở lên. Đáng chú ý nông dân sản xuất ổi đã tìm nhiều cách ngăn chặn, khắc phục hiện tượng trên như: cắt tỉa, tiêu hủy cành xuất hiện triệu chứng, đốn bỏ và trồng mới, vệ sinh vườn, phun thuốc BVTV,… nhưng không ngăn chặn được sự phát triển của bệnh vàng lá chết cây ổi do chưa có thông tin, hiểu biết về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên cũng như cách khắc phục và phòng trị. 
 
Có 2 công trồng ổi, chú Phạm Văn Sáu (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) cho hay: “Tôi trồng ổi được 3 năm thì thấy cây ổi bị héo từ từ. Tôi đã đốn bỏ một số cây bị héo để trồng lại nhưng vẫn bị héo tiếp. Dù đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục nhưng chưa thấy có hiệu quả triệt để và tôi cũng không biết được nguyên nhân tại sao tình trạng này xảy ra”.
 
Cần áp dụng tổng hợp  các giải pháp
 
Ngay sau khi bệnh xuất hiện, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã nhanh chóng nắm bắt được thông tin về bệnh vàng lá chết cây ổi, phối hợp cùng viện trường, kết hợp địa phương ghi nhận và thu thập thông tin hiện trạng, diễn biến và triệu chứng của bệnh vàng lá chết cây ổi, đồng thời tiếp xúc trực tiếp và lắng nghe ý kiến từ người dân, nhằm tìm hiểu, nghiên cứu xác định nguyên nhân và định hướng giải pháp khắc phục. 
 
Theo đó, cán bộ kỹ thuật của chi cục ghi nhận tại các vườn ổi xảy ra bệnh vàng lá chết cây ổi pH đất từ 3- 4 thấp, gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng và sự phát triển của rễ làm cho cây ổi trở nên suy yếu, còi cọc, tạo điều kiện cho mầm bệnh dễ dàng tấn công gây hại. Bệnh xuất hiện trên cả những cây mới trồng và cây đã cho trái. Tuy nhiên, cây ở giai đoạn cho trái ổn định (3- 4 năm) dễ bị nhiễm hơn. Trên cây con và cành ghép có thể xuất hiện nhiều triệu chứng trong đó có 2 triệu chứng chính là: héo từ từ (héo chậm) hoặc đột nhiên héo (héo nhanh). 
 
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Theo nhận định ban đầu, bệnh vàng lá chết cây ổi do nhiều yếu tố tác động: tập quán canh tác, điều kiện môi trường đất, pH, tuyến trùng và các bệnh hại hiện diện trong đất do đan xen các triệu chứng xuất hiện trên cây.
 
Qua thực trạng sản xuất và tình hình xuất hiện hiện tượng vàng lá chết cây ổi tại các địa phương trong tỉnh, chi cục đã đề xuất các giải pháp quản lý để phòng trị bệnh. Cụ thể, tập huấn tuyên truyền những giải pháp kỹ thuật canh tác hiệu quả để nông dân áp dụng chăm sóc tốt cho các vườn ổi hiện có, giảm tỷ lệ bệnh chết cây từ đó dẫn đến năng suất giảm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân.
 
Theo ông Phúc, với hiện trạng trên trong canh tác ổi cần áp dụng tổng hợp các giải pháp như: cải tạo nâng cao độ pH, độ phì của đất (làm đất tơi, phân hữu cơ,…); xử lý mầm bệnh (nấm bệnh, tuyến trùng, vi sinh vật gây hại …) trong đất; trồng cây với mật độ phù hợp…
 
Song song đó, “để cây ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, cần canh tác cây trồng đúng quy hoạch, xây dựng mô hình trồng ổi bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, áp dụng VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng... để từ đó nâng cao giá trị, chất lượng trái ổi Vĩnh Long”- ông Phúc cho biết thêm.
Toàn tỉnh có 184,5ha ổi xuất hiện triệu chứng vàng lá chết cây ổi, chiếm gần 20% diện tích canh tác ổi toàn tỉnh. Cụ thể: Trà Ôn 133ha, Long Hồ 27ha, TP Vĩnh Long 20ha, huyện Bình Tân 4,5ha. Trong đó 40,5ha có mức độ thiệt hại dưới 15%; 134ha thiệt hại từ 15- 50%; 10ha thiệt hại từ 50% trở lên. Bệnh xuất hiện và gây thiệt hại nghiêm trọng 98ha ở xã Tích Thiện; 15ha ở xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn); 20ha ở phường Tân Hội (TP Vĩnh Long) và 15ha ở xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ).
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Các tin khác: