Được trồng trong môi trường hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động, mô hình trồng nấm mối đen ở xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) đã mang lại hiệu quả kinh tế, nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.
Mô hình trồng nấm mối đen mang lại thu nhập khá cao. |
Được trồng trong môi trường hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động, mô hình trồng nấm mối đen ở xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) đã mang lại hiệu quả kinh tế, nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.
Là loại nấm có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, tại TX Bình Minh, mô hình trồng nấm mối đen đầu tiên mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Văn Phương - chủ trại nấm mối đen Bình Minh (ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa) chia sẻ: “Trước đây tôi trồng nấm rơm nhưng thu nhập không cao. Nhờ được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nên tôi mạnh dạn đầu tư vào nhà nấm trồng nấm mối đen”.
Theo ông Phương, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nấm mối đen trên thị trường rất lớn, vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, ông đã chọn sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm nấm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nấm mối đen hoàn toàn sạch, không sử dụng phân, thuốc hóa học, lại có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe như: canxi, photpho, sắt, protein, các loại vitamin và khoáng chất khác,... nên giá bán khá cao và luôn giữ ổn định từ 200.000 - 350.000 đ/kg.
“Khó nhất là khâu canh nấm để thu hoạch vì chỉ cần trễ một lúc thôi là nấm bung dù, giảm giá trị. Do đó, phải canh thu hoạch đúng thời điểm để nấm đạt chất lượng tốt nhất, bán được giá nhất. Trung bình mỗi ngày 1.000 phôi nấm cho sản lượng từ 2 - 2,3kg nấm.
Với 10.000 phôi nấm tôi cũng rải ra, thu hoạch từ từ để không bị động khi thu hoạch và dễ tiêu thụ hơn” - ông Phương chia sẻ.
Là 1 trong 5 bạn trẻ lên ý tưởng trồng nấm mối đen, Nguyễn Tuấn Anh - hỗ trợ kỹ thuật cho trại nấm mối đen Bình Minh, chia sẻ: Cả nhóm dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi trên mạng internet về kỹ thuật nuôi phôi, trồng nấm mối đen và đi tham quan một số mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao và nhận thấy điều kiện khí hậu ở Vĩnh Long thích hợp trồng nấm, nên ấp ủ ý tưởng và bàn bạc với nhau để cùng nhau thực hiện.
Theo Tuấn Anh, nấm mối đen được trồng bằng cách ươm tạo sợi hoặc phôi, hình thành từ các nguyên liệu hữu cơ như gạo, mùn cưa, rơm rạ, cám bắp...
Tuy là nấm trồng, nhưng do áp dụng công nghệ hiện đại kết hợp với nguyên liệu hữu cơ nên nấm mối đen vẫn giữ được vị ngon đặc trưng và giá trị dinh dưỡng tương đương nấm mối tự nhiên.
Nấm mối qua công đoạn sơ chế, đóng gói để cung cấp cho người tiêu dùng. |
Nấm mối đen khi trưởng thành sẽ đạt kích thước khá lớn, cao khoảng 10 - 15cm và đường kính thân khoảng 1 - 3cm. Mũ nấm không xòe rộng như những loại nấm khác và nhỏ hơn. Loại nấm mối này có lớp ngoài màu đen nhưng thịt trắng và ăn rất ngọt thơm.
Tuy nhiên, nấm mối đen rất nhạy cảm với thời tiết nên để nấm phát triển tốt, trồng được quanh năm, cần phải đầu tư thiết bị, nhà xưởng và nắm rõ kỹ thuật trước khi trồng.
Chu kỳ trồng nấm theo phương pháp hữu cơ mất khoảng 4 tháng, đòi hỏi kỹ thuật khắt khe từ khâu xử lý phôi nấm đến nuôi trồng phải đảm bảo sạch hoàn toàn.
Sau khi thu hoạch, cần tiếp tục xử lý môi trường cho đợt trồng tiếp theo. Mô hình trồng nấm này sử dụng công nghệ thông minh, cảm biến để đo nhiệt độ và độ ẩm, từ đó có thể kiểm soát được môi trường sống cho cây nấm phát triển thuận lợi.
Để hạ giá thành sản phẩm, nhóm cũng đã tìm tòi, tự nghiên cứu thiết bị đầu tư, do đó, tính cạnh tranh sản phẩm cao hơn các trại nấm khác.
Hiện trại nấm có 10.000 phôi nấm với diện tích 120m2. Tuấn Anh cho hay, nấm mối đen trồng từ 3 tuần đến 1 tháng là cho ra nấm. Ban đầu thực hiện, nấm cũng bị mốc xanh nhưng dần dần nghiên cứu và khắc phục. Đến nay trại nấm cho ra thành phẩm tốt, chất lượng và đồng đều sản lượng.
Sản phẩm nấm mối qua công đoạn sơ chế, đóng gói để cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tùy theo chất lượng nấm mà phân loại 1, loại 2, loại 3 hay nấm mini để phục vụ theo nhu cầu của khách hàng.
Ông Phương chia sẻ: “Tôi nhận thấy tiềm năng phát triển sản phẩm này rất cao vì lúc nào cũng cung không đủ cầu. Dịp Tết này tôi cũng chuẩn bị trồng thêm phôi nấm để phục vụ thị trường”.
Mô hình trồng nấm mối đen của ông Phương còn tạo việc làm cho một số lao động nữ có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.
Đang gọt nấm, bà Nguyễn Thị Tư cho hay: “ Nhờ có trại nấm mà tôi có thêm công việc lúc nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt gia đình”.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình trồng nấm mối đen theo hướng hữu cơ góp phần cung cấp sản phẩm mới có giá trị, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đây được xem là mô hình tiềm năng có thể nhân rộng cho bà con nông dân trong thời gian tới. Do đó, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm dịch vụ tư vấn nhà trồng cho các hộ dân muốn đầu tư, mở rộng diện tích trồng và thu mua nấm từ các hộ dân để tiêu thụ” - Tuấn Anh chia sẻ.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin