Việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đã đem đến cho người chăn nuôi nhiều lợi ích rõ rệt, gắn với nhu cầu tiêu thụ. Từ đó, góp phần quan trọng bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.
|
Chăn nuôi theo hướng an toàn đem lại nhiều lợi ích. |
Việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đã đem đến cho người chăn nuôi nhiều lợi ích rõ rệt, gắn với nhu cầu tiêu thụ. Từ đó, góp phần quan trọng bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.
Thay đổi nhận thức chăn nuôi an toàn
Theo ngành nông nghiệp, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi. Nhận thức được những lợi ích này, thời gian qua, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi đã chủ động áp dụng biện pháp an toàn sinh học, mở rộng quy mô tái đàn sau dịch bệnh đi qua.
Trong đó, đối với chăn nuôi heo và bò, người chăn nuôi cũng đã chú trọng áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học hơn, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát và dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên bò.
|
Đàn bò tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng. |
Để đảm bảo an toàn cho đàn heo, cô Trịnh Thị Hai (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) chia sẻ: “Thời gian qua, tôi áp dụng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc chất lượng con giống đầu vào, xây dựng chuồng trại đúng quy cách, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ và khu vực chăn nuôi, thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi bằng các biện pháp thích hợp, cung cấp nguồn thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi và tiêm phòng định kỳ. Nhờ đó, heo sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, lại giảm ô nhiễm môi trường”.
Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhiều hộ dân cũng đã có cơ hội tiếp cận với phương thức chăn nuôi tiên tiến.
Nuôi 500 con gà, chị Võ Thị Tú Quyên (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) chia sẻ: Trước đây, gia đình nuôi gà với quy mô nhỏ theo hình thức thả vườn, không tiêm ngừa cũng chưa chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường. Sau khi tăng số lượng gà, được cán bộ thú y hướng dẫn đổi mới chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống ăn uống tự động, xử lý chất thải, dụng cụ chăn nuôi, con giống, chăm sóc, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Qua 3 lứa xuất chuồng, đã cho thấy đây là hướng đi đúng.
|
Chăn nuôi theo hướng an toàn đem lại nhiều lợi ích. |
Song song đó, việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học cũng đã được nhiều hộ, cơ sở nuôi thủy sản áp dụng và xem đây là hướng đi bền vững cho ngành thủy sản.
Nuôi cá tra hơn 20 năm, anh Phan Văn Danh (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho biết: “Tôi chủ động áp dụng nhiều biện pháp quản lý ao như sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước ao, định kỳ hàng tháng trộn thuốc vào thức ăn cho cá để phòng bệnh, nuôi cá hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp viên nổi... Ao được xử lý đáy kỹ trước khi nuôi để đảm bảo an toàn vệ sinh, hạn chế nguồn gây nhiễm bệnh cho cá. chăn nuôi an toàn sinh học giúp môi trường ao nuôi được đảm bảo hơn”.
Phát triển theo chuỗi liên kết
Xác định chăn nuôi là lĩnh vực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp đã tập trung khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung.
Bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm, cho hay: Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm. Đồng thời, nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển đàn vật nuôi của huyện.
|
Người chăn nuôi chú trọng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. |
Để khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang chăn nuôi tập trung theo mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Cụ thể, khi tham gia mô hình, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua con giống, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Người chăn nuôi đối ứng 50% chi phí mua con giống, đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi, cơ sở cũng đã thực hiện liên kết sản xuất với các công ty, doanh nghiệp, ngoài việc giảm được rủi ro trong chăn nuôi cũng như yên tâm về đầu ra.
Định hướng phát triển ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại ngành chăn nuôi, khuyến khích chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, tập trung, đảm bảo tốt các biện pháp an toàn sinh học, hiệu quả, bền vững, kết nối thị trường tiêu thụ.
Thực tế thời gian qua cho thấy các trang trại chăn nuôi trong tỉnh đã tiếp cận và áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi tiên tiến, trong đó quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, liên tục, đầy đủ trong suốt quá trình sản xuất chăn nuôi.
Hầu hết các trang trại đều có thể “đứng vững” và an toàn trước các đợt dịch bùng phát vừa qua. Bên cạnh đó, với xu hướng chăn nuôi an toàn sinh học có thể thấy người chăn nuôi cũng đã dần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất chăn nuôi, đã nắm bắt, tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Tống Xuân Chinh- Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi: Phải xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi
Ngành chăn nuôi cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình và hướng dẫn về chăn nuôi an toàn sinh học cho chăn nuôi quy mô trang trại lẫn nông hộ. Xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng phát triển các chuỗi sản phẩm theo tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ, hướng đến thực hiện các giải pháp về chuyển đổi số trong chăn nuôi.
|
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin