Thời điểm này, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã xuống giống, chăm sóc rau màu để phục vụ thị trường Tết.
Nông dân tất bật xuống giống màu phục vụ thị trường Tết. |
Thời điểm này, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã xuống giống, chăm sóc rau màu để phục vụ thị trường Tết.
Theo nhiều nông dân, vụ Tết năm nay, hầu hết những giống rau màu mà bà con chọn trồng để bán vào dịp Tết đều ngắn ngày, dễ trồng, mau thu hoạch.
Các loại rau màu được trồng nhiều như cải thìa, bắp cải, còn có rất nhiều loại rau, củ khác như củ cải, hành lá, ngò rí, đậu cove… Theo đó, từ khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12, nông dân sẽ xuống giống màu Tết, do rau màu từ 40 - 70 ngày là có thể thu hoạch.
Xuống giống 2 công dưa leo, anh Lê Thành Đạt (xã Xuân Hiệp - Trà Ôn) cho biết: Vụ Tết trồng dưa leo chi phí đầu tư không nhiều, nhẹ công chăm sóc, ít rủi ro và cho thu nhập cao hơn. Hiện nay, giá dưa leo trên thị trường tương đối ổn định. Mong rằng, khi vào Tết sẽ bán được giá.
Trồng hơn 1 công ớt, chị Phạm Thúy Hằng (xã Trung Hiếu - Vũng Liêm) cho biết: Ớt trồng khoảng 3 tháng là có trái, dự kiến sẽ thu hoạch kéo dài đến tháng 2/2023.
Nếu chăm bón tốt, đúng kỹ thuật, cây ớt có thể cho thu hoạch đến 9 tháng. Cây ớt có khả năng chịu nắng nóng tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Chỉ mong từ nay đến Tết thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, cây phát triển tốt để có vụ mùa đẹp.
Tuy nhiên, theo một số nông dân, bên cạnh lo lắng yếu tố thời tiết cuối năm thì giá phân bón, vật tư nông nghiệp cũng khiến nông dân đắn đo khi xuống giống. Anh Đạt cho hay: Giá phân bón lên cao, nên tôi cũng cân nhắc xuống giống ít hơn năm trước. Đồng thời, tiết kiệm phân bón hơn.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chọn giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng. |
Ông Dương Ái Đạo - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm cho biết: Thời vụ xuống giống màu vụ Đông Xuân 2022 - 2023 từ giữa tháng 11/2022 với diện tích 1.900ha.
Trong đó, sản xuất vụ màu Tết khoảng 500ha. Các xã trồng màu nhiều như Quới An, Trung Thành Tây, Trung Ngãi, Trung An,… với các loại màu chủ yếu là dưa hấu, ớt, dưa leo, khổ qua, rau thơm…
“Khuyến cáo nông dân tận dụng các diện tích còn trống trên đất trồng lúa mới chuyển sang trồng cây ăn trái, những vùng đất cao có điều kiện cung cấp, tiêu thoát nước tốt để sản xuất các loại rau màu có giá trị kinh tế cao phù hợp với thị trường tiêu thụ, sử dụng các giống lai F1 chống chịu tốt đối với dịch hại, trong điều kiện mùa mưa, áp dụng các giải pháp canh tác theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo hiệu quả sản xuất được gia tăng, ổn định, bền vững” - ông Dương Ái Đạo cho biết thêm.
Để có vụ màu thắng lợi, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Các địa phương cần chú ý chuyển dịch tăng diện tích sản xuất cây màu trên đất lúa, màu xen vườn cây ăn trái trong vụ Đông Xuân.
Tập trung xuống giống rau màu phục vụ Tết đồng bộ với xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 để kịp thời xuống giống vụ lúa Hè Thu 2023.
Đặc biệt chú ý đưa rau màu luân canh trên đất lúa nhằm giảm áp lực của dịch hại và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đồng thời, nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đạt năng suất cao và đảm bảo đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Chú ý những loại cây có khả năng cố định đạm, cung cấp chất hữu cơ, có thị trường tiêu thụ ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao nhằm phát triển cây màu an toàn và bền vững.
Khuyến cáo nông dân luân canh cây trồng khác họ, chọn giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng thích hợp, làm đất kỹ, trồng với mật độ thích hợp để tiết kiệm giống, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng để đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin