Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn heo

03:12, 20/12/2022

Dịp Tết, nhiều hộ nuôi heo tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã tái đàn heo để phục vụ cho thị trường cuối năm. Tuy nhiên, giá con giống, giá thức ăn liên lục tăng cao, cộng thêm tình hình dịch bệnh dịch tả heo châu Phi còn đang diễn biến khá phức tạp khiến người chăn nuôi cũng cân nhắc, cẩn trọng khi tái đàn.

 

Người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh.
Người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Dịp Tết, nhiều hộ nuôi heo tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã tái đàn heo để phục vụ cho thị trường cuối năm. Tuy nhiên, giá con giống, giá thức ăn liên lục tăng cao, cộng thêm tình hình dịch bệnh dịch tả heo châu Phi còn đang diễn biến khá phức tạp khiến người chăn nuôi cũng cân nhắc, cẩn trọng khi tái đàn.

Đàn heo giảm 11,4%

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, trong năm 2022, ước tính đàn heo của tỉnh khoảng 196.618 con, giảm 11,4% (hay giảm 25.275 con) so với năm trước. Đàn heo giảm là do giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục (giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh so với năm trước). Đồng thời, giá heo hơi đang ở mức thấp so với giá thành sản xuất. Một số hộ nuôi không còn vốn để tái sản xuất do thua lỗ từ các vụ nuôi trước.

Nhiều người chăn nuôi heo cho hay, hiện giá một bao thức ăn tăng gần gấp đôi so với năm trước. Từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào cũng tăng, thậm chí có tháng tăng giá đến 2 lần. Giá thuốc thú y cũng tăng nhiều, nhưng giá heo chỉ ở mức 6 - 7 triệu đồng/tạ heo hơi nên người nuôi ngán ngại.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều ổ bệnh dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Theo ngành chức năng, diễn biến bệnh dịch tả heo châu Phi năm nay phức tạp hơn năm trước.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận xảy ra 39 ổ dịch tại 45 hộ chăn nuôi ở 24 xã với tổng số heo bệnh 1.660 con, tổng trọng lượng 85.100kg. Đáng chú ý, chỉ trong vòng khoảng 2 tháng gần đây đã xảy ra đến 13 ổ bệnh. Theo ngành chuyên môn, thời điểm hiện nay người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh này bởi nguy cơ bệnh bùng phát là rất cao.

Cách đây không lâu, trên địa bàn xã Bình Phước (Mang Thít) cũng đã xảy ra một ổ bệnh dịch tả heo châu Phi, phải tiêu hủy trên 100 con heo mắc bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho hộ nuôi hàng trăm triệu đồng.

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Bình Phước, huyện Mang Thít, cho hay: Địa phương cũng đã phối hợp thực hiện sát khuẩn, khử khuẩn theo đúng quy định.

Hiện nay trên địa bàn xã tổng đàn khoảng 2.670 con, qua tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn, địa phương cũng tiếp tục vận động những hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác khử khuẩn, sát khuẩn xung quanh chuồng trại, theo dõi sức khỏe đàn heo, nếu có phát hiện bất thường thì báo cáo kịp thời.

Ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: Khảo sát, lấy mẫu thịt heo để tìm virus dịch tả heo châu Phi thì có tới 15 - 20% mẫu hiện diện virus dịch tả heo châu Phi. Theo nhận định của ngành thú y, virus này chưa bao giờ mất đi trong thời gian qua. Nếu trong quá trình chăn nuôi không phòng chống tốt thì virus sẽ xâm nhập và gây thành bệnh.

Đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học khi tái đàn

Trước thực trạng nhiều ổ bệnh dịch tả heo châu Phi đã bùng phát, người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Bởi nếu xảy ra dịch bệnh thì người chăn nuôi bị thiệt hại kinh tế nặng nề. Mặt khác, còn mất thời gian dài để loại bỏ mầm bệnh mới có thể tái đàn.

Nuôi 4 con heo để bán dịp Tết, cô Nguyễn Thị Hai (TT Cái Nhum - Mang Thít), cho biết: “Khoảng vài năm trở lại đây tôi không dám nuôi nhiều như trước đây vì giá thức tăng cao, giá heo lên xuống bất thường, rủi ro rất cao. Dịp Tết tôi cũng cẩn trọng khi tái đàn, phần vì lo dịch bệnh, phần lo giá cả thị trường. Tôi cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn heo”.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, thời gian qua, người chăn nuôi cũng nâng cao ý thức chăn nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh, môi trường chăn nuôi, xóa bỏ dần chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện chăn nuôi để chuyển sang chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, sàng lọc, chọn lọc những con giống có phẩm chất, chất lượng, năng suất cao vào sản xuất chăn nuôi. Những hộ nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang phương thức nuôi công nghiệp, mở rộng quy mô tăng đàn, tái đàn, góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cũng như cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển chăn nuôi trang trại, đặc biệt trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ổn định thị trường và giá cả sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Hướng dẫn người dân ứng dụng mô hình chăn nuôi hữu cơ nhằm tạo sản phẩm chất lượng, an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị (chăn nuôi gia công), ứng dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, đảm bảo hài hòa giữa sản xuất chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Phối hợp tốt, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, tạo nền tảng phát triển chuỗi liên kết - tiêu thụ bền vững.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi lo lắng khi tái đàn.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi lo lắng khi tái đàn.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ heo rất cao nên giá heo hơi sẽ còn tăng cao hơn nữa. Ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con chăn nuôi không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt tái đàn heo, tránh tình trạng nguồn cung vượt cầu gây ra những biến động giá trên thị trường trong thời gian tới.

Đồng thời, khi tăng đàn cần chú ý khâu chọn mua con giống ở những cơ sở uy tín, giống nguồn gốc rõ ràng đã được tiêm ngừa. Trong quá trình chăn nuôi tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đó là tiêm phòng vaccine đầy đủ. Không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi heo, thường xuyên tiêu độc khử trùng hạn chế mầm bệnh lưu hành khu vực chăn nuôi.

Song song đó, người chăn nuôi cũng mong muốn ngành chức năng sớm có các giải pháp hạ giá thức ăn chăn nuôi, ổn định thị trường, hạn chế nhập khẩu heo đông lạnh để người chăn nuôi an tâm sản xuất.

Theo bà Huỳnh Kim Định - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh, trong năm 2022, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định. Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có tổng đàn heo 178.000 con (trong đó đàn heo nái sinh sản là 21.000 con), có khả năng cung ứng 305.000 tấn thịt/năm. Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh giết mổ khoảng 800 con heo. Từ đầu năm đến nay tỉnh đã nhập thêm 250.000 con heo thịt.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh