Thời gian qua, việc luân canh khoai mỡ- lúa trên đất ruộng tại Mang Thít được xem là kỹ thuật canh tác có nhiều ưu điểm, góp phần ngăn chặn các đối tượng dịch hại trên ruộng lúa lây lan từ vụ này sang vụ khác, đồng thời tái tạo độ phì nhiêu cho đất. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, việc luân canh khoai mỡ- lúa trên đất ruộng tại Mang Thít được xem là kỹ thuật canh tác có nhiều ưu điểm, góp phần ngăn chặn các đối tượng dịch hại trên ruộng lúa lây lan từ vụ này sang vụ khác, đồng thời tái tạo độ phì nhiêu cho đất. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết,... thì hiện nay, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm này còn gặp không ít khó khăn.
Luân canh khoai mỡ- lúa giúp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. |
Góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, trong những năm gần đây phong trào sản xuất rau màu ở Mang Thít phát triển mạnh trên đất ruộng lúa thay thế dần những ruộng lúa kém hiệu quả. Trong đó nổi bật có mô hình trồng luân canh khoai mỡ- lúa trên đất ruộng tại xã Mỹ An, Long Mỹ. Đây là hướng đi thích hợp đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích vừa đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ngành nông nghiệp, khoai mỡ là loại dây leo, thân mềm có sức sống mạnh, thích hợp trên đất tơi xốp, ở Mang Thít có 2 giống khoai mỡ được nông dân trồng nhiều nhất là khoai thục linh ruột trắng và khoai muống bởi 2 giống khoai này vừa có chất lượng ngon, được người tiêu dùng ưa thích vừa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, phát triển tốt cho năng suất cao. Trước đây khoai mỡ được trồng với diện tích nhỏ lẻ, không tập trung nhưng giờ đây được nông dân trồng phổ biến hơn.
Nhiều nông dân trồng khoai mỡ cho hay, cây khoai mỡ dễ trồng, không kén đất, mùa vụ chính là vào tháng 2- 3 âl. Sau vụ Đông Xuân, bà con có thể dọn đất, lên liếp để xuống giống khoai và khoảng 6 tháng sau là thu hoạch. Sau khi thu hoạch khoai mỡ, nông dân làm tiếp tục vụ lúa Đông Xuân.
Đặc biệt sau vụ khoai, việc làm lúa ít tốn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại góp phần ngăn chặn các đối tượng dịch hại trên ruộng lúa lây lan từ vụ này sang vụ khác, tái tạo độ phì nhiêu cho đất.
Trung bình, khoai mỡ cho năng suất từ 2,7- 3 tấn/công, ruộng trúng có thể cho năng suất 4 tấn/công, với mức giá từ 10.000 đ/kg là nông dân có lời. Để sản xuất khoai mỡ đạt hiệu quả cao, bà con cũng đã thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, thay vào đó bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiến bộ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng khoai mỡ, anh Nguyễn Thành Vinh- Hợp tác xã Khoai mỡ Long Mỹ (Mang Thít), cho hay: “Tôi trồng 2 loại khoai mỡ thục linh và muống để đa dạng thị trường tiêu thụ.
Trồng khoai mỡ tốn thời gian 6 tháng mới cho thu hoạch, nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ trồng lúa. Vụ khoai năm trước, khoai cho năng suất 2,5 tấn/công, giá khoai ổn định nên tôi cũng có lời. Vụ này còn khoảng 1,5 tháng nữa là thu hoạch. Sau vụ này tôi sẽ chuyển sang trồng lúa vụ Đông Xuân. Việc trồng luân canh lúa- màu sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Cần tìm hướng liên kết, tìm đầu ra ổn định
Để giải quyết tình trạng nông dân trồng nhỏ lẻ không tập trung, chưa liên kết, ngành nông nghiệp huyện Mang Thít cũng đã kết hợp với địa phương trồng khoai mỡ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất cây màu luân canh trên nền đất lúa- cánh đồng mẫu khoai mỡ theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.
Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, ảnh hưởng của giá vật tư nông nghiệp, dịch bệnh, thời tiết, giá cả thị trường,… khiến nhiều nông dân lo lắng về đầu ra tiêu thụ khoai mỡ. Bởi hiện nay khoai mỡ chỉ chủ yếu tiêu thụ trong nội địa, chưa có liên kết sản xuất theo chuỗi.
Anh Võ Văn Mừng- công chức địa chính- nông nghiệp- xây dựng- môi trường xã Mỹ An (Mang Thít), cho hay: Những năm trước diện tích trồng khoai mỡ toàn xã có khoảng 40ha, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp, bệnh trên khoai,… nên diện tích khoai mỡ đã giảm khoảng 50%.
Theo anh Mừng, so với các loại rau màu khác, khoai mỡ tốn khá nhiều chi phí, nhất là về chi phí nhân công, khâu làm đất bởi cơ giới hóa trong sản xuất khoai mỡ còn rất ít. Bên cạnh đó, vài năm nay, dịch bệnh xuất hiện trên khoai mỡ cũng phổ biến hơn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khoai mà việc phòng trừ cũng gặp nhiều khó khăn do củ nằm trong đất, khó xử lý.
“Hiện nay ngoài những đối tượng sâu bệnh hại quen thuộc như sâu ăn tạp, sâu xanh da láng, bệnh thối thân, thán thư… thì bệnh mục đầu củ do tuyến trùng gây ra rất đáng quan tâm. Khi bệnh xuất hiện thì không thấy có triệu chứng nào trên thân lá mà vết bệnh chỉ xuất hiện ở đầu củ khoai rồi lan dần đến cuối củ, tấn công vào vỏ củ và bên trong làm thối củ, giảm giá trị thương phẩm”- anh Mừng cho biết.
Để khoai mỡ tiếp tục là loại màu chủ lực, tạo thu nhập ổn định cho nông dân trong thời gian tới, anh Mừng kiến nghị: “Ngành chức năng cần nghiên cứu, hỗ trợ khắc phục bệnh hại trên khoai mỡ để đảm bảo chất lượng, năng suất. Đồng thời, trước nay nông dân trồng khoai từ giống cũ năm trước nên tiềm ẩn bệnh cao, do đó, mong muốn, ngành nông nghiệp hỗ trợ, tạo giống mới, an toàn, sạch bệnh.
Quan trọng hơn hết đó là hỗ trợ liên kết, tạo chuỗi giá trị sản xuất, tìm thêm nhà phân phối, chế biến để đa dạng mặt hàng,… Từ đó, giúp nông dân an tâm sản xuất, mở rộng diện tích. Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, cho hay: Vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp huyện cũng đã quan tâm đến mô hình luân canh khoai mỡ- lúa này.
Cần kiểm soát, xử lý dịch bệnh hiệu quả trên khoai mỡ và tìm hướng liên kết ổn định đầu ra. |
Trong đó, sản phẩm khoai mỡ An Hưng của Hợp tác xã Nông nghiệp An Hưng (xã Mỹ An) đã được Hội đồng OCOP cấp huyện họp đánh giá và phân hạng đạt hạng 3 sao cấp huyện. Ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến nông dân trồng khoai. Bên cạnh đó, cũng đang có hướng nghiên cứu tạo giống khoai sạch cung cấp cho nông dân để hạn chế tình trạng thoái hóa giống, bệnh hại tồn dư và phát triển.
Khi phát hiện bệnh trên khoai, phòng nông nghiệp cũng đã phối hợp khảo sát, đánh giá tình hình bệnh, đồng thời gửi mẫu sang Trường ĐH Cần Thơ để phân tích tìm tác nhân gây bệnh và tìm cách xử lý và triển khai các biện pháp phòng bệnh cụ thể để người dân áp dụng. Bên cạnh đó, để gỡ khó về đầu ra sản phẩm, ngành chức năng, địa phương cũng đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp liên kết, tìm nhà phân phối, tiêu thụ, giúp nông dân tìm đầu ra ổn định.
Đối với bệnh mục đầu củ (thối khô)- ngành nông nghiệp khuyến cáo, bệnh này do tuyến trùng- là đối tượng nguy hiểm, có thể lây truyền qua củ giống và đất. Vì vậy, khuyến cáo bà con nên chọn giống kỹ, làm đất phơi khô, nên trồng luân canh với cây khác và sử dụng phân hữu cơ. Bên cạnh, việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây khoai mỡ, bà con cần sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật và nên phun vào lúc chiều mát thì mới mang lại hiệu quả cao. |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin