Vĩnh Long tập trung nâng cao chất lượng lúa

Cập nhật, 20:15, Thứ Tư, 17/08/2022 (GMT+7)

 

Nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới ở Vĩnh Long.
Nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới ở Vĩnh Long.

Sản xuất lúa theo cách truyền thống và sử dụng giống lúa chất lượng thấp thì khó mà cải thiện đời sống của nông dân. Từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã từng bước thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng lúa, đặc biệt là lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề trồng lúa. Năm 2015, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của tỉnh đứng thứ 11 trong vùng với 180.437ha. Trong thời gian qua, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hình thức canh tác lúa tiên tiến, hiệu quả cao, đầu tư cải tạo thủy lợi nội đồng... được triển khai áp dụng rộng rãi, đã góp phần tăng năng suất lúa từ 5,47 tấn/ha (năm 2010) và trong giai đoạn từ năm 2015- 2021 duy trì ở mức từ 6,07- 6,17tấn/ha, xếp thứ 5 vùng ĐBSCL, cao hơn năng suất trung bình của cả nước (5,77 tấn/ha). Năm 2015, toàn tỉnh có 8.933ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng suất bình quân 8,1 tấn/ha và có 180ha lúa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là những kết quả đáng ghi nhận của tỉnh về nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo.

Được triển khai thực hiện từ nửa cuối năm 2011, đến năm 2016, diện tích cánh đồng mẫu lớn tăng cao nhất hơn 13.500ha, có gần 13.000 hộ dân tham gia sản xuất. Song song đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện: Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, Long Hồ. Ở huyện Vũng Liêm, trong 3 năm qua, huyện này duy trì cánh đồng lúa chất lượng cao với diện tích trên 3.000 ha/vụ. Năm 2020 diện tích cánh đồng lúa chất lượng cao của huyện là 3.700 ha/vụ, đến năm 2021 tăng lên 4.100 ha/vụ (chiếm 38% diện tích sản xuất toàn huyện), tập trung ở 8 xã vùng trũng, mỗi xã từ 200- 700ha. Tuy nhiên những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức sản xuất, liên kết và tìm kiếm đầu ra bền vững đã hạn chế khả năng lan tỏa của các mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng như việc duy trì và mở rộng diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao.

Để nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa, công tác chọn, nhân giống lúa được tỉnh đặc biệt quan tâm và được xem là bước đột phá để nâng cao chất lượng lúa. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp- PTNT của tỉnh đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, lúa giống và đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó nổi bật nhất là đề tài “Khảo nghiệm, hỗ trợ công nhận giống lúa quốc gia (giống nông hộ LH8 và một số giống mới có triển vọng của tỉnh Vĩnh Long)”“Thử nghiệm sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng bằng phương pháp phục tráng giống OM4900/OM5451”… Các dự án, đề tài góp phần cung cấp lượng giống lúa chất lượng cao, từng bước xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu lúa đủ điều kiện tham gia chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực trong tỉnh.

Hiện, UBND tỉnh giao Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long liên kết với các doanh nghiệp thực hiện Dự án “Phát triển giống lúa gạo tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025”. Dự án đầu tư khảo nghiệm chọn lọc từ các giống lúa đã lai tạo có năng suất cao, phẩm chất tốt để công nhận chính thức 1- 2 giống lúa mang thương hiệu giống Vĩnh Long nhằm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Phát triển hệ thống nhân giống lúa cũng là giải pháp được tỉnh rất quan tâm để nâng cao chất lượng lúa gạo. Hiện nay, trong tỉnh đã hình thành hệ thống nhân giống rất đa dạng với 67 cơ sở sản xuất và 1 trại lúa giống của Trung tâm Giống nông nghiệp có quy mô sản xuất 690ha, trong đó diện tích sản xuất lúa nguyên chủng 85ha (sản xuất 1 vụ/năm, sản lượng khoảng 425 tấn/năm) và sản xuất lúa xác nhận 605ha (sản xuất 3 vụ/năm, năng suất bình quân 5 tấn/ha, ước sản lượng 9.075 tấn) có khả năng đáp ứng khoảng 41,3% nhu cầu lúa giống của tỉnh. Ngoài ra, còn có 136 cơ sở sản xuất và kinh doanh lúa giống có khả năng cung ứng 7.000 tấn/năm. Hệ thống nhân giống và các cơ sở kinh doanh trong tỉnh hiện tại đáp ứng được gần 80% nhu cầu lúa giống của tỉnh.

Bên cạnh, việc củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh cũng là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng lúa, nhất là lúa hàng hóa. Sản xuất lúa tại đây sẽ tạo nên một cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa bằng giống xác nhận chất lượng cao, sản xuất ra hạt lúa- gạo có độ thuần cao và được tiêu thụ với giá cao hơn các ruộng khác từ 50- 100 đ/kg, đồng thời còn thực hiện các khâu dịch vụ nông nghiệp: từ khâu giống, làm đất, gieo sạ đến thu hoạch.

Ngoài ra, đầu tư cơ giới hóa cũng được ứng dụng phổ biến trong sản xuất lúa. Đến nay, diện tích sản xuất lúa ở các khâu làm đất, bơm nước, thu hoạch đạt 100%; khâu gieo sạ, phun thuốc đạt 80% và khâu sấy lúa bằng máy trong 2 vụ Hè Thu, Thu Đông đạt khoảng 30%, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hao hụt từ 13% xuống còn khoảng 10%, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.

Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, nhưng sẽ điều chỉnh giảm diện tích chuyên canh 2- 3 vụ lúa để thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ- đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa. Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất lúa theo vùng (gồm: vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa thơm, vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và thực hành nông nghiệp tốt...), phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị hạt gạo. Trong đó, sẽ phát triển vùng nguyên liệu lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao đạt 70-80% diện tích canh tác, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết, liên doanh với TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL, liên kết với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để mở rộng thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất kinh doanh lúa gạo để việc trồng lúa chất lượng cao ở Vĩnh Long phát triển bền vững.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH