Vĩnh Long có diện tích cây trái thứ hai vùng ĐBSCL với hơn 63.000 ha (sau tỉnh Tiền Giang hơn 79.000 ha). Những năm qua, địa phương đã phát triển mạnh các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản như: cam sành ở huyện Trà Ôn và Tam Bình, bưởi Năm Roi ở TX Bình Minh, chôm chôm ở huyện Long Hồ…
(VLO) Vĩnh Long có diện tích cây trái thứ hai vùng ĐBSCL với hơn 63.000 ha (sau tỉnh Tiền Giang hơn 79.000 ha). Những năm qua, địa phương đã phát triển mạnh các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản như: cam sành ở huyện Trà Ôn và Tam Bình, bưởi Năm Roi ở TX Bình Minh, chôm chôm ở huyện Long Hồ… Đồng thời, tích cực hỗ trợ sản phẩm đạt OCOP, truy xuất nguồn gốc, cũng như nâng chất các tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm, an toàn sinh học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
HTX cam sành Phương Thuý là một trong những HTX điểm của tỉnh chuyên về cây cam sành. |
Hợp tác xã (HTX) cam sành Phương Thuý (xã Vĩnh Xuân- huyện Trà Ôn) chỉ mới thành lập năm 2019, nhưng đến nay đã trở thành một trong những HTX điểm của tỉnh chuyên về cây cam sành. Khi mới thành lập, HTX chỉ có 25ha trồng cam sành, nhưng đến nay đã phát triển lên 65ha, sản xuất tập trung diện tích lớn, mỗi khu vực liền kề từ 20- 30ha.
Anh Nguyễn Tấn Phương- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cam sành Phương Thuý, cho biết: “Diện tích của hợp tác xã luôn được khép kín thành một khu riêng biệt, quản lý theo một quy trình sản xuất nhất định theo hướng VietGAP và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trong thời gian qua, số xã viên không tăng nhưng tăng cả về quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm.
Trong 2 năm qua, mỗi năm, hợp tác xã xuất hơn 2.000 tấn cam/năm. Hiện nay, sản lượng cam trong vườn đang tăng, ước vụ tới có thể xuất bán khoảng 4.000 tấn, với giá cả hiện nay, mỗi công (1.000m2) thu nhập hơn 100 triệu đồng. Sắp tới, hợp tác xã tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt hơn như cầu thị trường.”
Bưởi Năm Roi trồng ở TX Bình Minh- một trong những loại cây ăn trái nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long. |
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được nhiều mô hình được ký cam kết an toàn thực phẩm cùng với mô hình người dân tự thực hiện. Qua đó, đạt chứng nhận VietGAP hơn 260 ha trên nhiều loại cây trồng.
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đề án phát triển nông nghiêp̣ hữu cơ đến năm 2030.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, thực hiện từ 3- 5 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh; nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm trên một hécta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3- 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tỉnh Vĩnh Long có các vùng chuyên canh đặc sản, trong số diện tích cây cam sành toàn tỉnh hơn 16.000ha thì ở huyện Trà Ôn có hơn 7.000ha.
Mỗi vùng chuyên canh đều có hợp tác xã, các tổ hợp tác được chứng nhận các mô hình an toàn sinh học và có đầu ra tương đối ổn định.
Các sản phẩm cây ăn trái từng bước đảm bảo theo thị trường tiêu thụ. Mẫu mã, chất lượng ngày càng được nông dân quan tâm, nhất là khả năng vận chuyển theo hướng hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh.
Tới đây, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục khuyến cáo người dân nên áp dụng các biện pháp bón phân tiết kiệm, tăng cường bón phân hữu cơ, bao trái, sản xuất hướng an toàn để tiếp tục nâng cao giá trị nông sản.”
Bài, ảnh: BÁ HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin