Áp lực chi phí đầu vào tăng mạnh, nhất là phân bón, nhiều nông dân gặp khó khăn trong sản xuất, thậm chí tỏ ra e ngại không dám đầu tư vì sợ thua lỗ. Với những nông dân đã xuống giống vụ Hè Thu này, tâm lý vừa làm vừa lo nhiều hơn.
Nông dân tại một số ấp của xã Tân An Luông xuống giống vụ Hè Thu muộn hơn mọi năm gần 2 tháng. |
Áp lực chi phí đầu vào tăng mạnh, nhất là phân bón, nhiều nông dân gặp khó khăn trong sản xuất, thậm chí tỏ ra e ngại không dám đầu tư vì sợ thua lỗ. Với những nông dân đã xuống giống vụ Hè Thu này, tâm lý vừa làm vừa lo nhiều hơn.
Vừa làm vừa… lo lỗ
Nhiều nông dân bày tỏ chưa bao giờ sản xuất lúa lại phải đắn đo, phải đối mặt với nhiều cái lo như vụ lúa Hè Thu này. Thường ở các vụ trước chỉ lo 2 cái chính là: thiếu nước và thời tiết, nhưng vụ này còn có thêm giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao.
Vừa xuống giống vụ Hè Thu muộn 35 công ruộng cách đây ít ngày, anh Võ Quốc Phong (ấp Bờ Sao, xã Tân An Luông- Vũng Liêm), cho biết: “Vụ lúa này tôi xuống giống trễ hơn vụ năm trước hơn 1 tháng. Năm nay chi phí đầu tư nặng quá, sạ lúa mà nhát tay. Bây giờ phân DAP đã lên 1,4- 1,5 triệu đồng/bao 50kg, còn phân U rê cũng 980.000- 1 triệu đồng/bao 50kg”. Từ vụ lúa Đông Xuân trước, anh Phong cho hay đã lỗ 40 triệu đồng do chi phí sản xuất tăng mạnh, mà giá lúa thì đứng yên. “Đầu vụ mà mưa nhiều quá, phân cứ lên giá hoài. Biết là lỗ nhưng cũng phải đeo cây lúa, vì không làm ruộng thì biết làm gì bây giờ”- anh Phong nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Tâm (xã Tân An Luông- Vũng Liêm), cũng cho hay: “Vật tư nông nghiệp lên giá quá nên vụ này tôi “lơi vụ” vừa để giảm chi phí đầu tư, phần cũng để nhử lúa cỏ, nên năm nay chỉ làm 2 vụ”. Anh Tâm tính nhẩm: 1 công lúa từ lúc sạ đến lúc thu hoạch, nếu xài tiết kiệm lắm cũng 25- 30kg phân, sử dụng 20- 25kg lúa giống, rồi thêm tiền cày, xới, xịt thuốc, thu hoạch… 3 công lúa nếu có làm công nhà thì lời được hơn 1 triệu đồng/công, còn mướn nhân công thì chỉ lời chừng vài trăm ngàn đồng!
Làm ruộng cạnh anh Phong ở ấp Bờ Sao, chú Nguyễn Trung Phương (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) cũng nơm nớp lo, bởi: “Giá phân bón tăng quá cao trong khi giá lúa bán ra không tăng. Chưa kể những rủi ro về sâu bệnh, thiên tai. Rồi không biết có thu được đồng lãi nào không, nhưng nông dân chúng tôi không làm ruộng thì biết làm gì được?”.
Theo chú Phương, từ trước đến nay chưa bỏ vụ lần nào, năm nào cũng sạ 3 vụ nhưng năm nay chỉ sạ 2 vụ mà còn vừa làm vừa lo. Vì chi phí đầu vào cao quá mà không biết giá lúa sẽ ra sao. Do vậy, dù bỏ vụ nhưng chú Phương không tiếc vì lo càng làm sẽ càng lỗ, bỏ vụ sẽ bớt chi phí hơn. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết cũng thay đổi thất thường, mưa sớm cũng… càng thêm lo. “Bây giờ thương lái quy định giá cả lẫn thời gian cắt lúa, đợi lúa khô trên cây mới chịu cắt, khiến lúa mất ký. Nông dân là người phải chịu thiệt”- chú Phương than vãn và đề nghị: “Tôi mong muốn các ngành chức năng có chính sách kìm giá phân bón để bà con yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cũng mong được tham gia liên kết sản xuất, để có đầu ra ổn định. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư vào nông nghiệp, nông dân”.
Ông Âu Trọng Hữu- cán bộ nông nghiệp xã Tân An Luông (Vũng Liêm), cho hay: Vụ lúa Hè Thu này có 6/12 ấp thực hiện “lơi vụ”. Một trong những nguyên nhân là do ngán chi phí đầu tư và do sạ liên tiếp nhiều vụ khiến năng suất, chất lượng lúa cũng giảm hơn trước, đồng thời còn để nhử lúa cỏ.
Chủ động phòng trừ lúa cỏ, tiết kiệm chi phí sản xuất
Bên cạnh áp lực giá phân bón tăng, nhiều nông dân “lơi” vụ lúa Hè Thu này cho hay còn để nhử lúa cỏ. Bởi, lúa cỏ xuất hiện và phát triển không chỉ khiến người nông dân phải vất vả tỉa bỏ mà còn kéo theo chi phí canh tác tăng cao, gây thiệt hại về kinh tế. Một số nông dân chia sẻ, với những diện tích có lúa cỏ, chi phí này cao gấp từ 2- 3 lần. Lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, trổ sớm, hạt dễ rụng, sức nảy mầm cao. Khi xuất hiện, lúa cỏ sinh trưởng khỏe lấn át lúa thường và không chịu ảnh hưởng của các loại thuốc trừ cỏ. Sau khi hạt rụng xuống gặp điều kiện thuận lợi thì nảy mầm luôn, nếu gặp điều kiện bất lợi hạt ngủ nghỉ, nhưng vẫn có sức sống duy trì sức nảy mầm trong vài năm, do vậy lúa cỏ tồn tại, tích tụ và tăng dần qua các vụ.
Anh Võ Quốc Phong chuẩn bị sạ lúa Hè Thu ở cánh đồng ấp Bờ Sao. |
Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Vụ lúa Hè Thu này, có nhiều xã trong huyện thực hiện giãn vụ như xã Tân An Luông, Hiếu Thuận, Hiếu Nhơn, Trung Hiệp,… Nguyên nhân là do chi phí vật tư nông nghiệp cùng các chi phí sản xuất khác cũng tăng mạnh khiến nông dân ngán ngại sản xuất. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng hạn mặn đầu năm, khiến việc xuống giống gặp khó khăn, khiến nông dân xuống giống trễ, nên chỉ làm 2 vụ. Đồng thời, tình trạng lúa cỏ, lúa lộn cũng xuất hiện nhiều.
“Việc phòng trừ lúa cỏ, lúa ma đối với người nông dân đang gặp nhiều khó khăn vì chưa có thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, lúa cỏ thường trổ bông sớm, hạt dễ rụng và khi có điều kiện thuận lợi là chúng nảy mầm phát triển. Để bảo vệ năng suất, chất lượng lúa, khuyến cáo bà con nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa đủ tiêu chuẩn chất lượng (giống nguyên chủng, giống xác nhận), hạn chế việc tự để giống qua các vụ; làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt và bón lót cân đối, đầy đủ theo quy trình để cây lúa hút đủ chất dinh dưỡng; chăm sóc, tỉa giặm, bón phân thúc sớm để cây lúa phát triển khỏe. Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, nông dân nên sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, tuân thủ nguyên tắc 1 phải 5 giảm...”- ông Dương Ái Đạo cho biết.
Bài, ảnh: PHƯỚC- LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin