Dịch COVID- 19 kéo dài, giá thức ăn- thuốc thú y tăng cao, đồng thời, việc xuất hiện và bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; khiến người chăn nuôi gặp khó. Do đó, ngành nông nghiệp đã chủ động, nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
(VLO) Dịch COVID- 19 kéo dài, giá thức ăn- thuốc thú y tăng cao, đồng thời, việc xuất hiện và bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; khiến người chăn nuôi gặp khó. Do đó, ngành nông nghiệp đã chủ động, nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Vẫn còn tình trạng thả rông trâu, bò, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục. |
Nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh
Theo Cục Thú y, thời gian qua nguy cơ bệnh dịch tả heo Châu Phi tái phát và phát sinh là rất cao, do đặc điểm của vi rút dịch tả heo Châu Phi rất nguy hiểm đối với heo, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Hiện chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh.
Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo gia tăng mạnh vào các tháng đầu năm,…
Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao, bởi một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, xử lý dứt điểm và tiêu hủy gia súc khi mới xuất hiện dịch bệnh. Đường truyền lây đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt lây lan thông qua các véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh,…).
Tình trạng chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến; thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến cực đoan làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Giá trị kinh tế của trâu, bò là khá cao, do đó đã có tình trạng người chăn nuôi ở một số địa phương bán chạy, giết mổ gia súc bệnh.,…
Tại Vĩnh Long, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt góp phần ổn định sản xuất trên lĩnh vực chăn nuôi. Trong năm 2021, trên toàn tỉnh có xảy ra một số ổ dịch thuộc bệnh nguy hiểm nhưng được kiểm soát tốt, không lây lan diện rộng.
Trong đó, có 14 ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi tại 30 hộ chăn nuôi của 6 huyện với tổng số 856 con heo bị tiêu hủy; có 4 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò tại 6 hộ chăn nuôi của 2 huyện với tổng số 9 con bò bị bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) Lê Thanh Tùng, cho hay: Thời gian qua, nhận thức về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, thu gom, sơ chế, chế biến ngày càng được nâng cao.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ giảm dần trong khi chăn nuôi quy mô trang trại tăng, điều đó cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và năng lực tài chính trong sản xuất chăn nuôi.
Tỷ lệ trang trại được chứng nhận các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh gia tăng, góp phần nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi bền vững.
Tuy nhiên, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh đưa đến tăng giá thành chăn nuôi. Nhiều loại giá sản phẩm động vật giảm ảnh hưởng đến tái đàn và hoạt động sản xuất. Hiện tại chăn nuôi heo, gia cầm và cá tra đang trong tình trạng không có lợi nhuận.
Bên cạnh đó, bệnh dịch tả heo Châu Phi tái phát và đặc biệt bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xâm nhập vào địa bàn tỉnh, nguy cơ tái phát bệnh cúm gia cầm cao.
“Trong khi đó, việc thống kê tổng đàn vật nuôi tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa nhất quán đưa đến việc lập kế hoạch tiêm phòng tại một số thời điểm không khả thi.
Hoạt động vận chuyển, kinh doanh giết mổ gia súc gia cầm vẫn còn phức tạp; việc tái đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở giết mổ chưa đúng mức”- ông Tùng cho biết thêm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm cho hay: “Tỉnh chỉ có thể xây dựng được cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (18 cơ sở) nhưng chưa xây dựng được các vùng nuôi an toàn dịch bệnh do tình hình chăn nuôi của các xã trong cùng huyện khác nhau.
Bên cạnh đó, tiền công tiêm phòng các loài động vật theo quy định rất thấp, điển hình là đối với trâu, bò: 4.400- 4.800đ, chó: 5.300- 5.900đ, không còn phù hợp với tình hình hiện nay”- ông Liêm cho biết thêm.
Chủ động, kiểm soát tốt
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngành nông nghiệp đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định.
Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, ông Lê Thanh Tùng, cho hay: Chi cục sẽ tăng cường tuyên truyền người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có động vật bị tiêu hủy.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn vật nuôi; quan tâm đặc biệt đến các bệnh Dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móm, viêm da nổi cục và cúm gia cầm, dại chó, tổ chức xác minh và dập tắt kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xây dựng dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Liêm kiến nghị: Bộ Nông nghiệp- PTNT xem xét điều chỉnh thông tư quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế.
Có thể chấp nhận vùng là cụm một xã liền kề với nhau, có phương thức chăn nuôi và các điều kiện khác tương tự nhau, không nhất thiết là huyện vì địa bàn quá lớn. Đồng thời, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh phí tiêm phòng (tiền công tiêm phòng) để phù hợp với giá thị trường hiện nay và thu nhập của thú y viên cơ sở.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, đàn heo của tỉnh giảm 6,95% so với năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, đồng thời do bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, giá thức ăn tăng cao khiến cho người nuôi không muốn tái đàn. |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin