Lúa Đông Xuân đang vào giai đoạn đòng trổ đến chín, giai đoạn xung yếu cần được bảo vệ trước những loại sâu bệnh hại, cũng như đề phòng ảnh hưởng của đợt xâm nhập mặn thứ 2 vào kỳ triều cường rằm tháng Giêng để đảm bảo năng suất.
Lúa chất lượng cao ngày càng được nhiều nông dân lựa chọn xuống giống. |
Lúa Đông Xuân đang vào giai đoạn đòng trổ đến chín, giai đoạn xung yếu cần được bảo vệ trước những loại sâu bệnh hại, cũng như đề phòng ảnh hưởng của đợt xâm nhập mặn thứ 2 vào kỳ triều cường rằm tháng Giêng để đảm bảo năng suất.
Giống lúa chất lượng cao trên 70%
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tổng diện tích xuống giống vụ Đông Xuân 2020- 2021 trên 47.652ha, đạt trên 90,3% kế hoạch, giảm 4.493ha so với cùng vụ năm trước. Tính đến thời điểm hiện tại, đã thu hoạch 5.658ha lúa Đông Xuân tại các huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và TX Bình Minh với năng suất trung bình đạt 6,2 tấn/ha, trà lúa trên đồng còn lại chủ yếu giai đoạn đòng trổ đến chín.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Vui- cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua, lúa Đông Xuân được xuống giống tập trung trong 3 đợt chính. Trong đó, diện tích xuống giống đợt 1 và đợt 2 chưa đạt kế hoạch do một phần diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang các loại cây trồng khác như rau màu và cây ăn trái, tập trung ở các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Bình Tân. Bên cạnh, một số vùng do ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn vụ Hè Thu 2020 nên không thể xuống giống như kế hoạch mà phải chuyển sang đợt 3.
Cơ cấu giống lúa trong vụ lúa này có sự chuyển dịch tích cực trong việc giảm tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng thấp (29,2%) chuyển sang sử dụng giống lúa chất lượng cao (70,8%). Giống có khả năng chống chịu hạn- mặn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giống lúa. Ngành nông nghiệp có khuyến cáo các địa phương không sử dụng quá 20% một giống lúa trên cùng một cánh đồng để hạn chế dịch bệnh tấn công. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng giống lúa OM 5451 để gieo sạ khá cao (chiếm 36,42% trong cơ cấu giống) do giống này thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của tỉnh, ngắn ngày, cho năng suất khá, ít sâu bệnh và dễ tiêu thụ nên được nhiều người dân lựa chọn xuống giống.
Tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên toàn tỉnh tính đến cuối năm 2020 là trên 28.315ha, trong đó cây hàng năm 24.953ha gồm bắp, khoai lang, đậu nành, đậu phộng, rau cải các loại. Riêng cây lâu năm chủ yếu là cam sành với trên 2.550ha tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm, bên cạnh các loại cây lâu năm khác như: bưởi, thanh long, sầu riêng, dừa, mít,… Tuy nhiên, khó khăn lâu nay một số hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát, không theo quy hoạch của địa phương. Chưa kể việc nông dân xuống giống chưa theo khuyến cáo lịch thời vụ của ngành chuyên môn gây khó khăn cho công tác quản lý.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thực tế nhiều địa phương người dân luân canh màu xuống ruộng đã nhiều năm nhưng chủ yếu chuyển đổi 1 vụ màu trên đất lúa và chưa đăng ký với chính quyền địa phương. Trong năm 2020, hạn, mặn đã ảnh hưởng đến mùa vụ gieo trồng cây màu xuống ruộng vụ Hè Thu nên diện tích gieo trồng cây mè, đậu nành và một số cây trồng khác rất thấp do không xuống giống được. Trong năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là 29.000ha diện tích gieo trồng, trong đó cây hàng năm là 26.500ha và cây lâu năm là 2.500ha.
Khuyến cáo thường xuyên kiểm tra độ mặn
Nước mặn đang có chiều hướng tăng trở lại theo kỳ triều cường rằm tháng Giêng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương phải thường xuyên kiểm tra độ mặn, chủ động đóng các cống bộng khi độ mặn vượt quá 1‰, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, đảm bảo tích trữ nước phục vụ sản xuất.
Cụ thể, đối với trà lúa Đông Xuân chính vụ dễ bị thiệt hại ở giai đoạn mạ và giai đoạn lúa trổ, nếu độ mặn trên 1‰ không cho nước vào ruộng. Do đó, khi sử dụng nước pha thuốc phun xịt người dân nên sử dụng nước không nhiễm mặn (hoặc độ mặn nhỏ hơn 0,8‰). Đối với rau màu hoa kiểng cần thận trọng hơn, có kế hoạch trữ nước ngọt để tưới. Đối với cây ăn trái, sầu riêng, chôm chôm là cây nhạy cảm nhất đối với mặn nên cần theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới trong thời gian mặn xâm nhập. Các cây ăn trái khác cũng chú ý không nên dùng nước nhiễm mặn để pha thuốc phun hoặc tưới nhiều lần trong lúc mặn xâm nhập.
Hiện nay tiết trời se lạnh về đêm, sáng sớm xuất hiện nhiều sương mù kết hợp trà lúa Đông Xuân bước vào giai đoạn xung yếu là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, cổ bông phát sinh phát triển. Để phòng ngừa bệnh đạo ôn lúa hiệu quả trong điều kiện hiện nay nên áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ thì cần bón phân cân đối kết hợp thăm đồng thường xuyên khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh, người dân cần ngưng bón phân đạm- phân bón lá. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, đối với ruộng trồng giống nhiễm, có thể kết hợp phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt khi lúa trổ lác đác và lần 2 khi lúa trổ đều.
Hiện tại ngoài đồng phổ biến lứa rầy tuổi 3- 4 chủ yếu nhiễm với mật số thấp 500-800 con/m2. Cần chủ động thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu trên các trà lúa giai đoạn xung yếu. Khuyến cáo nông dân chỉ nên xử lý thuốc đặc trị khi rầy đang tuổi 2- 3 và mật số rầy hơn 3.000 con/m2 cần sử dụng một trong những loại thuốc chống lột xác để phun trừ, chú ý không kết hợp với các loại thuốc phổ rộng để tránh nguy cơ bộc phát rầy ở giai đoạn sau.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong vụ lúa Đông Xuân, diện tích sử dụng lượng giống trên 150 kg/ha còn rất cao. Cụ thể: trên 150 kg/ha là 31.774ha, chiếm 66,7%, tăng 13,2% so với cùng kỳ; từ 100- 150 kg/ha là 15.000ha, chiếm 31,5%; dưới 100 kg/ha chỉ 874ha. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận, nguyên chủng đạt 79,2% trên tổng diện tích xuống giống vụ Đông Xuân nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn 2,8% so với cùng vụ năm trước. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin