Thiệt hại "kép" do dịch corona từ Trung Quốc

05:02, 04/02/2020

Chỉ tay vào vườn sầu riêng đang oằn trái nhưng đang rơi vào tình trạng "dội hàng" thê thảm nên vẫn chưa thu hoạch được, ông Nguyễn Văn Thảo (xã Thạnh Bình- Vũng Liêm) chua xót nói: "Tết năm rồi, với 5 công sầu riêng "9 Hóa", sau khi trừ chi phí lời hơn 200 triệu đồng.

Chỉ tay vào vườn sầu riêng đang oằn trái nhưng đang rơi vào tình trạng “dội hàng” thê thảm nên vẫn chưa thu hoạch được, ông Nguyễn Văn Thảo (xã Thạnh Bình- Vũng Liêm) chua xót nói: “Tết năm rồi, với 5 công sầu riêng “9 Hóa”, sau khi trừ chi phí lời hơn 200 triệu đồng.

Năm nay, thời tiết quá thuận lợi, sản lượng tăng cao, thương lái tới đặt cọc mua hết vườn với giá “sô” 72.000 đ/kg hẹn qua tết bẻ đi Trung Quốc. Ai dè bệnh corona xuất hiện bên đó, họ bỏ của chạy lấy người, bỏ luôn tiền đặt cọc chẳng đáng là bao. Giờ thì ôm hàng không biết bán ở đâu”.

Thu hoạch sầu riêng chín rộ ở Vũng Liêm nhưng không bán được.
Thu hoạch sầu riêng chín rộ ở Vũng Liêm nhưng không bán được.

Chỉ riêng huyện Vũng Liêm đã có cả ngàn héc ta đất trồng sầu riêng, tập trung ở 2 xã Quới Thiện và Thanh Bình.

Không chỉ nhà vườn “khóc ròng” vì chuyện thương lái “hô biến” mà những cơ sở sản xuất cây giống sầu riêng Vĩnh Long cũng “chết đứng” vì số lượng bán ra đã giảm từ 50- 70% so với cùng kỳ năm trước.

Đã vậy theo dự báo, lượng cây giống bán ra sẽ tiếp tục xuống thấp nếu dịch bệnh viêm hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona (gọi tắt là dịch bệnh corona) chưa có dấu hiệu bị khống chế.

Ông Võ Văn Thái- chủ một cơ sở cây giống sầu riêng, mít Thái ở huyện Long Hồ lo lắng kể: “Trước đây, qua tết tôi bán trên 100.000 cây giống các loại. Năm nay, bệnh corona bất ngờ xuất hiện, dù đã giảm giá 10- 15% nhưng lượng bán ra chỉ 20.000- 30.000 cây. Phen này lỗ nặng rồi”.

Tại huyện Bình Tân, Vũng Liêm, Long Hồ- những địa phương vốn được xem là vương quốc mít Thái ở Vĩnh Long- nay đã nhuốm màu ảm đạm khi giá mít tuột thê thảm do thị trường Trung Quốc “đóng cửa”.

Riêng tại huyện Bình Tân đã có trên 523ha mít Thái. Hiện giá bán đã rơi xuống khoảng 10.000 đ/kg trong khi trước tết giá bán 60.000- 70.000 đ/kg.

 Bình quân mỗi héc ta đất trồng mít Thái, nông dân lỗ từ 8- 10 triệu đồng. Trong khi đó mỗi héc ta trồng sầu riêng người trồng lỗ 100- 200 triệu đồng là chuyện đang rất phổ biến dù giá bán đang ở mức 35.000- 40.000 đ/kg.

Lo ngại nhất là sức mua đang giảm mạnh và đang đứng trước nguy cơ “dừng mua” vì không có thị trường tiêu thụ với số lượng lớn trong khi hàng chục ngàn héc ta sầu riêng ĐBSCL đang chín rực trên cành.

Giá mít Thái cũng đang lao dốc thảm hại.
Giá mít Thái cũng đang lao dốc thảm hại.

Cùng cảnh ngộ “dội hàng” quá thê thảm với sầu riêng, mít Thái là hàng chục ngàn héc ta trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu.

Nếu như trước Tết Canh Tý 2020, giá mua thanh long ruột đỏ tại vườn là 30.000- 35.000 đ/kg thì hiện nay giá lao dốc chỉ còn từ 5.000- 7.000 đ/kg nhưng rất hiếm khi bán được nhiều, bởi thương lái mua sang Trung Quốc đã “lặn mất tăm” ảnh hưởng của dịch bệnh corona.

Bức tranh cây ăn trái ĐBSCL đã và đang xuất hiện những gam màu không lạc quan mang theo nỗi lo của hàng triệu nông dân bởi vừa đối phó với hạn mặn xâm nhập lại đang “sốt” lên từng ngày khi dịch corona đang đe dọa sức khỏe người dân cả nước lại đang làm cho nhà vườn miền Tây điêu đứng bởi cung đã vượt cầu, mà nói chính xác là trái cây đang “tự chết” trên chính mảnh vườn của mình và hiện vẫn chưa có lời giải phù hợp với bài toán nan giải này.

Cần lắm “đầu ra” từ việc sơ chế, tinh chế trái cây để không bị lệ thuộc thị trường nếu cứ xuất thô.

Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh