Cân nhắc kỹ khi tái đàn heo

05:11, 05/11/2019

Hiện nay bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) đang tạm lắng, song ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi tính toán kỹ khi quyết định tái đàn, vì rủi ro rất cao khi chưa kiểm soát được nguồn lây nhiễm bệnh.

Hiện nay bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) đang tạm lắng, song ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi tính toán kỹ khi quyết định tái đàn, vì rủi ro rất cao khi chưa kiểm soát được nguồn lây nhiễm bệnh.

Hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi tạm lắng nhưng còn diễn biến khó lường. Trong ảnh: Siết chặt quản lý đàn heo thông qua hoạt động giám sát, kiểm dịch.
Hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi tạm lắng nhưng còn diễn biến khó lường. Trong ảnh: Siết chặt quản lý đàn heo thông qua hoạt động giám sát, kiểm dịch.

Dịch bệnh tạm lắng

Đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, sau khoảng 5 tháng xảy ra ổ dịch ASF đầu tiên trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống dịch đã được sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt nên hiện tại dịch bệnh đã tạm lắng nhưng vẫn chưa được khống chế và còn diễn biến khó lường.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, tính đến cuối tháng10, số lượng tiêu hủy chiếm trên 9% tổng đàn heo trong tỉnh (so với số liệu tổng đàn thống kê 1/4/2019).

Cụ thể, toàn tỉnh tiêu hủy gần 34.400 con heo nhiễm bệnh ASF, trọng lượng trên 2.000 tấn của trên 1.300 hộ thuộc 104 phường- xã. Hiện có 59 xã- phường có ổ bệnh ASF qua 30 ngày.

Kể từ khi xuất hiện ổ dịch ASF đầu tiên, ngành chuyên môn thống kê được một số trung gian lây nhiễm dịch hại chủ yếu như lây truyền qua thức ăn chăn nuôi, các lò giết mổ, các loại côn trùng, tụ điểm dân cư, nguồn nước mặt. Đặc biệt, việc cố tình giết mổ, tiêu thụ, bán chạy heo bệnh làm cho dịch bệnh phát tán nhanh.

Thống kê tiêu hủy heo bệnh ở các địa phương cho thấy các trại chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi trong chuồng hở, nuôi xen lẫn với khu dân cư, heo bị nhiễm dịch sớm, lây lan nhanh, chết nhiều. Các trại chăn nuôi khép kín, xa khu dân cư, tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn sinh học, heo ít bị chết dịch, nhiều trại không nhiễm dịch.

Theo đó, tại một số địa phương, vì lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh nên không ít hộ chăn nuôi đã “treo chuồng”, ngưng tái đàn để hạn chế rủi ro.

Đồng thời, cũng sửa chữa, nâng cấp lại chuồng trại, dần theo hướng chăn nuôi an toàn khép kín để hạn chế bệnh trên gia súc và không để bệnh dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm.

Cô Mai Thị Đồng (xã Bình Phước- Mang Thít) cho hay: “Nhờ hạn chế người ra vô chuồng, không cho heo ăn thức ăn thừa nên đàn heo của tui “tai qua nạn khỏi”, mới bán xong, cũng có lời do giá heo đang lên nhưng tôi không vội tái đàn mà sửa lại chuồng cho khép kín hơn. Khi nào thấy dịch bệnh lắng xuống mới dám nuôi tiếp”.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, nhằm tăng cường công tác kiểm soát tái đàn heo đề phòng chống bệnh ASF, thời gian qua, Sở Nông nghiệp- PTNT khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng trong việc tái đàn vì nguồn vi rút vẫn còn lưu hành và vẫn rất có thể tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Cẩn trọng việc tái đàn

Người chăn nuôi cần thận trọng và chắc chắn khi tái đàn heo.
Người chăn nuôi cần thận trọng và chắc chắn khi tái đàn heo.

Theo ngành chức năng, việc tái đàn heo được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện theo kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh ASF trên địa bàn tỉnh, khi nông hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Thời điểm tái đàn sau dịch được quy định là sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo hoặc sản phẩm heo bị nhiễm bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh ASF, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100%.

Việc tiếp nhận heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm nằm trong vùng dịch phải là cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi đã đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi có quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy định.

Trước khi tiếp nhận heo, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để được theo dõi, quản lý.

Đối với trường hợp vận chuyển heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm ra, vào vùng dịch trong địa bàn cấp tỉnh phải được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF.

Trường hợp heo có nguồn gốc từ địa bàn cấp tỉnh khác, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh ASF, heo phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định, đồng thời thực hiện thông báo kiểm dịch cho nơi đến trước khi vận chuyển heo về địa phương.

Trường hợp không thực hiện đúng theo quy định, cơ quan thú y có quyền từ chối việc tiếp nhận heo vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long có hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong chăn nuôi heo nông hộ để phòng chống bệnh ASF.

Theo đó, chuồng trại nuôi heo phải tách biệt với nhà ở và khu dân cư, nên có ô chuồng nuôi cách ly nuôi heo mới nhập hoặc heo bị bệnh, có khu vực thu gom và xử lý chất thải. Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8- 1m) để giảm thiểu heo giữa các ô chuồng tiếp xúc nhau. Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng hoặc ô chuồng. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín.

Heo giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Heo nhập ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch, trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Trước khi nhập, heo phải được tiêm phòng bệnh dịch tả heo cổ điển, lở mồm long móng. Chuồng đã có bệnh ASF nếu nuôi lại thì nên nuôi từ 5- 10 con khoảng hơn 1 tháng.

Thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, không bị hư hỏng, mốc. Lưu ý là không nên sử dụng thức ăn cặn, thức ăn thừa. Nguồn nước cho chăn nuôi heo phải đảm bảo an toàn. Nếu sử dụng nước giếng khoan hoặc nước sông phải có bể chứa và sát trùng nước bằng Cloramin B loại viên, mỗi viên 0,25g cho 25 lít nước. Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho heo.

Chăm sóc nuôi dưỡng áp dụng phương thức quản lý “cùng vào- cùng ra” theo thứ tự ưu tiên dãy chuồng, ô chuồng, có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại heo theo các giai đoạn sinh trưởng. Có thể chăn nuôi theo hướng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học trong nước uống. Chăn nuôi an toàn sinh học cũng cần đảm bảo về vệ sinh chăn nuôi, kiểm soát người ra, vào chuồng nuôi, kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi, xử lý chất thải và quản lý tốt dịch bệnh.

Bài, ảnh: THÀNH LONG- THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh