Từ cuối năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định về phân cấp quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh. Điểm nổi bật của quyết định này là đã quy định rõ 3 cấp quản lý- điều mà trước đây chưa làm được- kỳ vọng tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác này.
Từ cuối năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định về phân cấp quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh. Điểm nổi bật của quyết định này là đã quy định rõ 3 cấp quản lý- điều mà trước đây chưa làm được- kỳ vọng tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác này.
Theo đó, Sở Nông nghiệp- PTNT quản lý các công trình, hệ thống CTTL có quy mô lớn và vừa. UBND cấp huyện quản lý các CTTL có quy mô nhỏ. Riêng cấp xã do UBND huyện giao cho tổ chức thủy lợi cơ sở (đối với các địa phương chưa thành lập được tổ chức này thì giao cho UBND cấp xã trực tiếp quản lý)...
Phân định rõ 3 cấp quản lý giúp nâng cao hiệu quả khai thác, công trình thủy lợi. |
Kỳ vọng tạo chuyển biến
Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), từ thực tiễn công tác quản lý, khai thác và bảo vệ thời gian qua cho thấy việc phân cấp quản lý, vận hành và bảo vệ CTTL ở cả 3 cấp sẽ giúp giải quyết tốt một số hạn chế, vướng mắc.
Nhất là đối với công tác đầu tư xây dựng CTTL, bởi nhu cầu này theo quy hoạch được duyệt là rất lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước thường chỉ đáp ứng được khoảng 30- 40% nhu cầu. Do đó, cấp huyện, xã, tổ chức, cá nhân thường đề nghị cấp tỉnh đầu tư kể cả công trình nhỏ, nội đồng.
Việc phân cấp quản lý sẽ quy định rõ trách nhiệm của các cấp, tổ chức, cá nhân trong thực hiện đầu tư. Đặc biệt là đầu tư cho duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình được kịp thời, đúng đối tượng công trình đã phân cấp, tránh tình trạng đầu tư chồng chéo, dàn trải, kém hiệu quả cũng như tâm lý trông chờ vào hỗ trợ.
Bên cạnh, việc phân cấp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập lại tổ chức, bộ máy quản lý khai thác CTTL trên địa bàn tỉnh, trong đó có tổ chức thủy lợi cơ sở.
Bộ máy quản lý có tổ chức tốt, đủ năng lực, tính chuyên nghiệp cao mới có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Qua đó sẽ góp phần làm tăng tính liên kết vùng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu một cách bền vững.
Thực tế đã cho thấy, kể từ khi Công ty Khai thác công trình thủy nông tỉnh Vĩnh Long hết nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL từ năm 2006, công tác này được tỉnh chuyển giao về cho UBND cấp huyện.
Việc quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ các CTTL trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công trình lớn, liên huyện, liên tỉnh.
Các công trình được đầu tư, đưa vào sử dụng do không có đơn vị quản lý, khai thác đủ năng lực nên xuống cấp nhanh.
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có hệ thống CTTL rất lớn, với trên 4.397 tuyến kinh (dài 5.331km), 404 tuyến đê bao (dài 3.633km), 17 trạm bơm điện, 6.131 cống, bộng các loại,...
Trung ương, tỉnh đang và sẽ triển khai thi công hàng loạt công trình thủy lợi lớn như cống Vũng Liêm, cống Tân Dinh, kinh Mây Phốp- Ngã Hậu, các dự án thủy lợi tiếp ngọt, ngăn mặn cho vùng Nam Măng Thít,... Vì vậy cần có tổ chức quản lý, khai thác chuyên nghiệp mới đủ khả năng quản lý, khai thác hệ thống CTTL này.
Có thể nói, bảo vệ CTTL tốt góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng công trình, tác động tích cực đến công tác quản lý, vận hành và ngược lại.
Việc phân cấp quản lý, vận hành và bảo vệ CTTL tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh- kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm, qua đó có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Ngoài ra, việc phân cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng khoa học công nghệ thủy lợi, các chính sách phát triển thủy lợi mới như thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường, nguồn nước và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy lợi được chặt chẽ, đi vào chiều sâu, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đối tượng quản lý, sử dụng CTTL.
Khó khăn trước mắt
Ông Lưu Nhuận cho biết thêm, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác quản lý, khai thác CTTL cũng sẽ gặp những thách thức nhất định khi thực thi phân cấp.
Do ngân sách đầu tư cho thủy lợi ngày càng ít đi, trong khi nhu cầu đầu tư cho thủy lợi theo quy hoạch là rất lớn, nên nguồn lực thực hiện sắp tới sẽ gặp khó, nhất là ở cấp huyện. Do đó cần tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, người hưởng lợi từ CTTL mới đảm bảo nhu cầu.
Về nguồn nhân lực quản lý, khai thác CTTL sẽ khó khăn hơn khi phải thành lập lại tổ chức, bộ máy theo quy định, trong đó có tổ chức thủy lợi cơ sở.
Vì vậy nhu cầu tăng thêm biên chế, lực lượng chuyên môn về thủy lợi là rất khó khăn khi thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trong khi đó, hiện ở tỉnh chưa có đơn vị quản lý, khai thác CTTL chuyên nghiệp. Công tác này được lồng ghép vào công tác quản lý nhà nước về khai thác CTTL.
Ở cấp huyện, lực lượng quản lý CTTL quá mỏng, ở xã hầu như không có cán bộ thủy lợi. Chưa kể các cơ chế, chính sách hiện có thực sự chưa thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào xây dựng và quản lý, khai thác CTTL do khả năng sinh lợi rất thấp.
Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai thực hiện việc phân cấp quản lý, vận hành và bảo vệ CTTL. Trước mắt cần rà soát lại danh mục cụ thể hệ thống CTTL hiện có, xác định rõ quy mô, loại, cấp công trình để đưa vào phân cấp đúng cấp quản lý, khai thác.
Đây là cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo về phân cấp đầu tư, phân cấp quản lý (giải quyết, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình, nguồn nước), phân cấp vận hành và hình thành tổ chức quản lý, khai thác CTTL chuyên nghiệp.
Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, nhờ các dự án thủy lợi, giao thông đã được đầu tư khá lớn nên cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trước những ảnh hưởng của lũ, triều cường.
Tuy nhiên, hàng năm Vĩnh Long vẫn còn khoảng 200- 300km đê bao, bờ bao kém an toàn để ngăn lũ lớn. Trong khi đó, hiện tỉnh chưa có bộ máy quản lý CTTL sau đầu tư nên khó khăn trong vận hành, khai thác, bảo vệ CTTL trong điều kiện biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai.
Tại buổi làm việc với BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai gần đây, ông Nguyễn Minh Tho cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL, cùng đó là hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Quyết định cũng quy định cụ thể thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ CTTL do 3 cấp quản lý. UBND tỉnh là cấp có thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ CTTL do Sở Nông nghiệp- PTNT quản lý. UBND cấp huyện phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ CTTL trên địa bàn, trừ công trình thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác CTTL có trách nhiệm lập phương án và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ CTTL đã được phê duyệt. Ngoài ra, quyết định cũng quy định rõ phạm vi bảo vệ đối với từng loại CTTL như: kinh, bờ bao, cống hở, trạm bơm, kè,... trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện quyết định. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin