Tận dụng chất thải trồng nấm phá gỗ để trồng nấm rơm

12:04, 02/04/2017

Mùn cưa thải đã được trồng trên một loại nấm phá gỗ khác như: Nấm bào ngư, linh chi, nấm mèo... sau khi thu hoạch xong được tận dụng để trồng nấm rơm. Mô hình này đang được người dân trên địa bàn tỉnh nhân rộng vì mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Mùn cưa thải đã được trồng trên một loại nấm phá gỗ khác như: Nấm bào ngư, linh chi, nấm mèo... sau khi thu hoạch xong được tận dụng để trồng nấm rơm. Mô hình này đang được người dân trên địa bàn tỉnh nhân rộng vì mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Theo ông Huỳnh Văn Hiền, Phó Xưởng Công nghệ sinh hóa, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, chất thải sau khi trồng các loại nấm phá gỗ chỉ cần bổ sung thêm nước vôi để sát trùng và cân bằng độ pH nhằm tăng độ ẩm phù hợp với độ ẩm mà nấm rơm cần.

Chất thải sẽ được xếp thành từng luống và sau đó rải meo nấm rơm. Trong khi đó, nếu người dân trồng nấm rơm bằng rơm tươi thì cần phải có thời gian ủ rơm, còn làm từ mùn cưa thải không cần mất thời gian để ủ.

Mô hình trồng nấm rơm từ tận dụng chất thải trồng nấm phá gỗ.
Mô hình trồng nấm rơm từ tận dụng chất thải trồng nấm phá gỗ.

Theo đánh giá của Trung tâm, trồng nấm rơm từ mùn thải của các loại nấm phá gỗ sẽ cho hiệu quả hơn nếu như có nguồn nguyên liệu để trồng.

Bởi thực tế cho thấy, các trại trồng nấm bào ngư sau khi thu hoạch xong sẽ tiếp tục sử dụng chất thải để trồng nấm rơm chứ không bán ra bên ngoài.

Theo tính toán, nếu tận dụng khoảng 10.000 phôi thải bỏ ra, với diện tích trồng khoảng 150 m2, người trồng có thể thu lãi từ nấm rơm khoảng 6 - 7 triệu đồng.

Thời gian trồng nấm rơm từ khi đặt meo cho đến thu hoạch xong khoảng 20 - 25 ngày, với mức lãi như thế cũng tương đối khá so với thu nhập của người nông dân bình thường.

Điều quan trọng là người trồng phải bảo quản nấm một cách tốt nhất, chẳng hạn trời nắng cần che bớt nắng, giữ nhiệt độ hợp lý thì năng suất trồng nấm rơm ngoài trời sẽ cao hơn so với trồng trong nhà.

Hiện nay, việc tận dụng bã thải để trồng nấm rơm đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Trung, xã Tân Trung, TX. Gò Công cho biết, với 10.000 phôi thải, người trồng nấm rơm có thể thu hoạch từ 200 - 250 kg nấm.

Với giá bán tại vườn hiện tại dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, nếu cùng diện tích trồng, người dân trồng bằng rơm cũng cho năng suất tương tự nhưng chi phí đầu tư ban đầu (mua rơm nguyên liệu, nhân công) sẽ cao và khó trồng hơn.

Bởi khi trồng nấm rơm bằng nguyên liệu rơm tươi, điều quan trọng là phải chọn được loại rơm tốt, kế đến là kỹ thuật ủ rơm; trong khi trồng bằng phôi thải thì nguyên liệu trồng gần như đã được ủ sẵn.

Chưa kể, nhờ biết được quá trình sinh trưởng của nấm rơm nên người trồng có thể chủ động được thời gian thu hoạch, đặc biệt là chọn vào thời điểm ngày lễ, ngày rằm để bán được giá cao.

Ông Huỳnh Văn Hiền cho biết thêm, meo giống trồng nấm rơm hiện đã được thuần chủng và chất lượng ổn định do Trung tâm cung cấp. Mỗi bịch meo giống khoảng 300g hiện có giá bán tại xưởng là 3.500 đồng. Mỗi bịch meo có thể cấy ra được khoảng 1,7 m chiều dài của luống trồng nấm.

Với 1.000 bịch phôi thải ra để tận dụng trồng nấm rơm, người trồng sử dụng khoảng 17 bịch meo giống.

Trung tâm sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng nấm rơm trên mùn cưa thải, kể cả trồng bằng rơm. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hướng dẫn miễn phí cho bà con kỹ thuật trồng các loại nấm nhiệt đới khác như: Linh chi, nấm mèo, bào ngư...

Thực tế cho thấy, hầu hết người dân trồng nấm bào ngư hiện nay ai cũng biết là sau khi thu hoạch xong sẽ tận dụng được để trồng nấm rơm.

Sau khi trồng nấm rơm xong, chất thải còn lại tiếp tục được tận dụng làm phân bón. Tuy nhiên, trước khi sử dụng chất thải này làm phân bón cần có thời gian ủ lại khoảng 1 tháng trước khi bón cho cây trồng.

“Hiện nay trên địa bàn tỉnh, mô hình trồng nấm rơm tận dụng từ mùn cưa thải đã được trồng trên một loại nấm phá gỗ đang phát triển song song với trồng nấm bào ngư.

Bên cạnh đó, nấm rơm được trồng trên bã thải của nấm mèo cũng cho năng suất rất cao. Nói chung, tất cả các chất thải của nấm phá gỗ có thể tận dụng để trồng nấm rơm. Kỹ thuật trồng nấm rơm cũng rất đơn giản, chỉ cần cán bộ kỹ thuật hướng dẫn là người dân có thể thực hiện.

Tuy nhiên, trong kỹ thuật trồng nấm rơm cũng có một số điểm cần lưu ý là chế độ ẩm. Nếu dư ẩm nấm không phát triển được hoặc tưới không đủ nước, bảo quản nấm không tốt cũng làm cho nấm bị chai...” - ông Huỳnh Văn Hiền cho biết thêm.

Theo Báo Ấp Bắc

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh