Trong vòng một tuần nay, nước mặn đã tròm trèm tại các cửa sông. Thông tin về độ mặn được cập nhật liên tục nên nhờ đó mà người dân không khó tiếp nhận các cảnh báo sớm để chủ động trữ ngọt sinh hoạt, tưới tiêu. Mặn không còn bất ngờ nhưng vẫn chưa thể nói trước điều gì khi độ mặn chưa vượt ngưỡng và kéo dài.
Trong vòng một tuần nay, nước mặn đã tròm trèm tại các cửa sông. Thông tin về độ mặn được cập nhật liên tục nên nhờ đó mà người dân không khó tiếp nhận các cảnh báo sớm để chủ động trữ ngọt sinh hoạt, tưới tiêu. Mặn không còn bất ngờ nhưng vẫn chưa thể nói trước điều gì khi độ mặn chưa vượt ngưỡng và kéo dài.
Ông Trần Văn Luyến (ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách- Bến Tre): Cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo và kiểm tra mẫu nước để đề phòng nước mặn xâm nhập. |
Ngăn mặn cục bộ và trữ nước mặt
Hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2016, Bến Tre chịu thiệt hại nặng nề do mặn bất ngờ xuất hiện sớm hơn thường kỳ. Diện tích lúa thiệt hại khoảng 20.356ha, rau màu khoảng 458,31ha, cây ăn trái 5.240,48ha, 151.357 cây giống.
Tỷ lệ mất trắng khoảng 60- 70%. Ngoài ra, diện tích cây công nghiệp cũng thiệt hại 1.302ha và 1,38 triệu cây cảnh, hoa kiểng chết do nước mặn. Tổng giá trị thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp lên tới 1.497 tỷ đồng.
Cùng với việc ngăn mặn thì trữ ngọt được xem là giải pháp hữu hiệu để sống chung với mặn.
Ông Lê Văn Hừng- cán bộ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách cho biết, tỉnh Bến Tre hay huyện Chợ Lách nói riêng khó có thể khoan giếng nước ngầm để lấy nước tưới tiêu vì trong đất rất giàu sắt, nếu tưới thì cây sẽ bị nhiễm độc mà chết dần.
Do đó, việc trữ nước ngọt chủ yếu là vận động người dân tận dụng lu, kiệu, xây bể chứa dùng cho sinh hoạt.
Đối với vườn cây trái, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương vận động người dân thường xuyên đem mẫu nước đến đo mặn để có thể tưới cho cây. Đến nay, các xã cũng đã được cấp phát máy đo mặn để phục vụ người dân. Nếu như năm rồi chỉ có 3 điểm đo mặn thì năm nay tất cả các xã đều được trang bị máy đo.
Theo ông Trần Văn Luyến- chủ cơ sở cây giống Tư Luyến tại ấp Nhơn Phú (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách- Bến Tre)- để chống chọi qua đợt hạn, mặn năm ngoái, ông đã phải thường xuyên đem mẫu nước đến Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện để đo độ mặn về tưới cho cây giống. Thời điểm hiện tại, độ mặn vẫn ở mức cho phép nên ông cũng đỡ lo hơn.
Còn bà Lê Thị Nhì- hộ nhân giống và kinh doanh giống bưởi da xanh và sầu riêng ở ấp Long Huê (xã Long Thới, huyện Chợ Lách- Bến Tre) cho hay, năm rồi khu vực này đều nhiễm mặn. Nhiều hộ chủ quan nên vẫn tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng, dẫn đến bị thiệt hại.
Mặc dù hiện tại độ mặn vẫn chưa cao nhưng bà rất lo vì cây giống sầu riêng rất mẫn cảm với nước mặn, nếu không kỹ sẽ rất dễ chết giống. Rút kinh nghiệm, năm nay bà cho biết, sẽ thường xuyên đem kiểm tra mẫu nước để an tâm hơn.
Để ứng phó với xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre đã đầu tư khẩn cấp 5 đập tạm ngăn mặn xung yếu để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, sửa chữa 30 vị trí cửa cống ngăn mặn bị hư hỏng, xuống cấp, lắp đặt nắp cống và tiến hành thả phao ngăn mặn tại một số vị trí.
Bên cạnh, ngành chuyên môn tỉnh xác định việc ngăn mặn cục bộ, trữ nước mặt là giải pháp hiệu quả nhất và không còn giải pháp thay thế.
|
Nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân trong thời gian hạn, mặn xâm nhập, huyện Vũng Liêm kiến nghị tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến ống nước chính cho các xã. Đồng thời huyện phối hợp với Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long xây dựng điểm tích trữ nước ngọt (1,5ha) để đảm bảo cung cấp nước sạch trong thời gian độ mặn trên 3‰. |
Vĩnh Long- hạn, mặn sẽ bớt gay gắt hơn
Ông Bùi Phan Trí Hải- Giám đốc Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, nhận định hạn- mặn năm nay sẽ không gay gắt bằng đầu năm 2016, chỉ tương đương năm 2013- 2014.
Tính đến ngày 15/2, ranh giới mặn 1‰ vẫn chưa xâm nhập đến Vĩnh Long. Tuy nhiên từ ngày 21/2, ranh giới mặn 1‰ đã vượt qua khỏi vàm Vũng Liêm trên sông Cổ Chiên.
Tháng 3, 4/2017 là các tháng cao điểm mùa khô tại Nam Bộ, tuy nhiên vẫn tiếp tục có khả năng xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa.
Mùa mưa 2017 tại Vĩnh Long có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm, do vậy từ nửa cuối tháng 4/2017 lượng mưa có xu hướng tăng dần. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2017 có khả năng xuất hiện vào tháng 2 và 3.
Dự báo trong các tháng mùa khô 2017, độ mặn tại Vũng Liêm (vàm Vũng Liêm, sông Cổ chiên) 3- 5‰, cống Nàng Âm (rạch Nàng Âm) 3- 5‰ và Tích Thiện (vàm Rạch Chiếc, sông Hậu) 2- 4‰.
Đặc biệt, các đợt xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện trong các kỳ triều cao và trùng với những đợt gió Đông Bắc mạnh.
Vũng Liêm chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt hạn- mặn năm ngoái và năm nay mặn cũng đã đe dọa huyện này đầu tiên.
Ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cho biết, từ 21/2 huyện chỉ đạo đóng tất cả các cống, bộng ở các xã ven sông Cổ Chiên, đặc biệt là 2 xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện. Đến nay huyện đã cấp 20 máy đo mặn cho 20 xã- thị trấn để chủ động đo mặn, hỗ trợ người dân bảo vệ sản xuất.
Bà Lê Thị Nhì (ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách- Bến Tre): Mặc dù hiện tại độ mặn vẫn chưa cao nhưng năm nay tôi cũng sẽ thường xuyên đem kiểm tra mẫu nước để an tâm hơn. |
Để thiết thực phòng chống hạn, mặn, trong năm 2016, Vũng Liêm đã phối hợp với tỉnh thi công 8 công trình thủy lợi, đạt 93,7% khối lượng. Huyện triển khai thi công 35 công trình chống hạn, mặn (đến nay đạt trên 90% khối lượng). Riêng các xã- thị trấn thực hiện 245 công trình thủy lợi nội đồng.
Riêng trong năm 2017, Vũng Liêm tiếp tục phối hợp triển khai thi công 7 công trình phòng chống thiên tai và 8 công trình bức xúc khác.
Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã- thị trấn tổ chức nạo vét kinh nội đồng, vận động nhân dân đóng góp kinh phí đóng mới nắp cống ngăn mặn, trữ ngọt, tích trữ nước mưa, nước phục vụ sản xuất trong mương vườn. Đối với các xã- thị trấn, huyện chỉ đạo thường xuyên kiểm tra độ mặn để đóng, mở cống đảm bảo trữ nước ngọt và ngăn mặn hiệu quả.
Tuy thiệt hại do hạn, mặn trên địa bàn huyện Mang Thít thời gian qua không lớn nhưng ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện Mang Thít lo rằng người dân rất hoang mang khi thiếu nước sinh hoạt, lúa, cây ăn trái nhiễm nước mặn chết lần hồi.
Đến nay, nhiều hộ dân đã tự trang bị máy đo mặn để chủ động lấy nước tưới. Huyện Mang Thít hiện đã lên kế hoạch trữ nước ngọt bằng cách thuê lại 4 ao cá tra (hiện đã treo ao) để trữ nước với tổng diện tích 10.500m2.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, việc trữ ngọt phải lựa chọn mô hình cụ thể đầu tư và có khả năng nhân rộng. Việc thuê ao cá để trữ ngọt như cách làm của huyện Mang Thít thì không thể nhân rộng được nên chưa thật sự khả thi.
|
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long thông báo từ nay đến cuối tháng 3/2017, độ mặn sẽ giảm mạnh trên các vùng ven biển ĐBSCL. Các vùng ven biển Đông, trên các sông chính cách biển từ 25- 35km có khả năng xuất hiện nước ngọt nhất là vào lúc triều thấp, chân triều. Vùng Nam Mang Thít xuất hiện nước ngọt khá dồi dào. Đề nghị các địa phương gia tăng việc lấy nước ngọt trong thời gian trên. Từ cuối tháng 3/2017 trở đi, mặn có khả năng lên lại và duy trì ở mức cao. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin