Tiền Giang hiện xây dựng được vùng trồng chuyên canh sầu riêng khoảng 7.000 ha tập trung ở các xã phía nam quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và vùng lân cận.
Tiền Giang hiện xây dựng được vùng trồng chuyên canh sầu riêng khoảng 7.000 ha tập trung ở các xã phía nam quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và vùng lân cận.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng đặc sản, nhiều hộ nông dân không chỉ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học mà còn định hình các tổ hợp tác, tổ chức thâm canh theo tiêu chí VietGAP.
Thành công với mô hình sầu riêng VietGAP, mỗi năm thu tiền tỷ có nông dân Đặng Văn Nữa, sinh năm 1962, cư ngụ tại ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy.
Gia đình ông Nữa có 1,3 ha sầu riêng trồng các giống chất lượng cao: Ri6, Mong Thong, trong đó có 1 ha đang cho trái, mỗi năm đạt sản lượng khoảng 16 - 17 tấn quả.
Nhận thấy trong những năm gần đây, nông dân vùng chuyên canh luôn đối mặt với khó khăn khi tiêu thụ nông sản, vào thời điểm thu hoạch rộ thường bị mất giá.
Để khắc phục, ông tìm tòi học hỏi kỹ thuật xử lý cây cho trái rải vụ, tránh thời điểm thu hoạch rộ để bán nông sản được giá cao.
Ông Nữa cho biết kinh nghiệm thường sau khi thu hoạch xong tiến hành tỉa cành, tạo tán, thu gom cành khô và bón phân, chăm sóc để cây phục hồi. Theo dõi tình trạng sinh trưởng của vườn cây.
Mỗi lần cây ra đọt có chế độ chăm sóc và bón phân phù hợp. Khi đợt đọt ra lần thứ ba đã già tiến hành đậy mũ nylon toàn bộ líp và bơm cạn nước trong ao mương kết hợp phun thuốc kích thích cho cây ra hoa. Khoảng 20 - 30 ngày sau cây sẽ ra hoa.
Khi toàn bộ vườn đã ra hoa đồng loạt thì giở mũ và tưới nước trở lại. Sau đó, phun thuốc trừ sâu bệnh, bảo vệ bông (hoa) kết hợp thụ phấn cho hoa.
Khi sầu riêng đậu trái tiếp tục bón phân, chăm bón cho đến lúc thu hoạch xong bắt đầu mùa vụ mới. Với phương pháp này, vườn sầu riêng cùa ông Nữa năm nào cũng bội thu, trúng giá nhờ tránh được thời điểm tháng 5,6 hàng năm vào thời điểm chính vụ, giá bán thấp.
Tiêu thụ sầu riêng ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Từ năm 2015 trở lại đây, nhận thấy liên kết làm ăn theo hướng GAP là con đường tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, ông gia nhập Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình.
Vào Tổ hợp tác, ông được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hướng dẫn và xây dựng mô hình trồng sầu riêng VietGAP trên vườn sầu riêng của mình.
Ông Nữa cho biết, quy trình VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho bản thân nông dân cũng như cộng đồng, cho ra sản phẩm an toàn truy xuất được nguồn gốc.
Để đạt tiêu chí trên, ông phải ghi nhật ký sản xuất, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, phun đúng liều theo khuyến cáo, đảm bảo thời gian cách ly, có kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, có nơi pha chế thuốc, có bảng hướng dẫn và cảnh báo khi phun thuốc, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ trong quá trình sản xuất…
"Tham gia áp dụng mô hình trồng sầu riêng VietGAP không khó, nông dân ai cũng có thể làm được. Việc sản xuất theo mô hình giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, tiếp cận và nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật trong thâm canh, cho ra những nông sản an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường…", ông Nữa cho biết.
Nhờ nỗ lực thâm canh khoa học, áp dụng tiêu chí VietGAP trong quá trình sản xuất, đặc biệt là xử lý cho trái rải vụ mà nông sản làm ra được thương lái đến tận vườn mua với giá cao.
Trong năm qua, gia đình ông Nửa đạt sản lượng 16,8 tấn trái sầu riêng, bán giá bình quân 60.000 đồng/kg, gấp ba giá sầu riêng chính vụ, thu trên 1 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi ròng gần 800 triệu đồng. Theo bà Trần Thị Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, ông Đặng Văn Nữa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương, đi đầu trên lĩnh vực áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từ tấm gương tiên phong của ông Nữa, trên 70% diện tích vườn sầu riêng chuyên canh ở huyện Cai Lậy đang áp dụng biện pháp xử lý cho trái rải vụ để tránh tình trạng “trúng mùa, mất giá”.
Tổ hợp tác sầu riêng Bình Hòa A (Tam Bình, Cai Lậy) mà ông là thành viên tích cực cũng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chí VietGAP với quy mô 17 hộ trên diện tích sản xuất 12,4 ha vào tháng 9/2015.
Tiếp theo, đến đầu năm 2016, Tam Bình có thêm Tổ hợp tác sầu riêng Bình Hòa B đạt tiêu chí GlobalGAP. Qua đó, cho thấy sức lan tỏa của mô hình trồng sầu riêng theo hướng GAP ở vùng chuyên canh Tam Bình, Cai Lậy.
Theo MINH TRÍ (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin